Tuesday, 26/11/2024 | 10:06 GMT+7
Ngắm thác nước, “đẻ” ý tưởng
Cho đến bây giờ, ông Chính vẫn không nghĩ rằng ý tưởng sáng tạo của mình lại định hình một cách nhanh chóng và tình cờ đến vậy.
Trong một lần đi công tác, đoạn qua chân đèo Hải Vân, nhìn những dòng thác nhỏ thẳng đứng từ trên núi chảy xuống, bọt tung trắng xoá, trong giây lát, vị giảng viên này chợt nghĩ: “Tại sao không tận dụng nguồn nước này để tạo ra năng lượng phục vụ đời sống?”.Suy nghĩ đó nhanh chóng được biến thành hiện thực, khi ông quyết định sử dụng những kiến thức chuyên môn Công nghệ nhiệt - điện lạnh mà mình giảng dạy hàng ngày tập trung vào việc sản xuất một trang thiết bị liên quan. Đó chính là thiết bị sản xuất nước đá không sử dụng điện năng mà chỉ dựa vào sức chảy của dòng nước để sản sinh ra năng lượng.
“Địa hình nước ta có rất nhiều đồi núi, điện lưới quốc gia lại chưa phủ khắp mọi miền, suy nghĩ đó càng thôi thúc tôi phải hoàn thành bằng được hệ thống này. Nó chắc chắn sẽ rất hữu dụng cho bà con vùng dân tộc thiểu số”, ông Chính cho biết.
Hệ thống này hoạt động dựa trên việc sử dụng sức nước một cách trực tiếp để biến đổi thành cơ năng làm quay máy nén lạnh, có thể sử dụng cho những nơi có nguồn nước công suất bé, thế năng nhỏ.
Nước từ thác được dẫn qua đường ống và phun thẳng vào guồng cánh, một phần lớn động năng biến thành cơ năng làm quay guồng, phần còn lại tạo thành quán tính đẩy guồng chuyển động kết hợp với trữ lượng nước trong guồng sẽ tạo nên hiệu suất rất cao.
Khi guồng nước quay sẽ dẫn động một máy nén lạnh hoạt động với hiệu suất lên tới 540 vòng/phút, đủ để đẩy môi chất lên thiết bị ngưng tụ. Ở đó môi chất trao đổi nhiệt với nước và được ngưng tụ lại thành lỏng, sau đó qua tiết lưu sẽ được đưa vào dàn lạnh bốc hơi, giúp làm lạnh nước và thực phẩm bảo quản.
Hiệu quả bền vững
Hệ thống làm lạnh này được PGS-TS Võ Chí Chính đầu tư hơn 12 triệu đồng, có thể sử dụng ở những địa phương xa xôi hẻo lánh, nơi mà hệ thống điện lưới quốc gia chưa phủ tới. Sau thời gian chạy thử nghiệm, hệ thống này cho thấy có thể sản xuất ra 200kg đá mỗi ngày, đủ để cho nhiều hộ dân trong cụm dân cư sử dụng.
Việc tăng công suất cho máy cũng khá đơn giản và chủ động, bằng cách tăng lưu lượng nước và kích thước của guồng quay nhằm tăng công suất máy nén và đẩy nhanh quá trình làm lạnh. Để giảm chi phí lắp đặt ban đầu, guồng nước có thể được thay thế bằng các vật liệu rẻ hơn như gỗ, tre, nứa...
Sau khi đưa vào sử dụng, hệ thống làm lạnh sẽ phục vụ đông đảo bà con miền núi xa xôi
Đặc biệt hệ thống làm lạnh này không phụ thuộc vào lưu lượng dòng chảy phải lớn như các dòng thuỷ điện mà chỉ cần những con suối nhỏ, các mạch nước chảy ra từ các triền núi là đã làm hệ thống này hoạt động hiệu quả.
Nguồn năng lượng chính là nước tận dụng từ thiên nhiên nên sẽ rất sạch, lại có thể tái sử dụng, giảm chi phí, trong quá trình vận hành cũng không gây ra hiện tượng khí thải nhà kính và phát nhiệt.
Hiện đã có một số hộ dân ở Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế) đưa vào sử dụng hệ thống này và mang lại hiệu quả khá cao. Một vài công ty biết đến sản phẩm này cũng đã liên hệ đặt hàng với số lượng lên đến hàng trăm chiếc. “Nếu được sử dụng rộng rãi, hệ thống này sẽ giúp ích cho bà con vùng sâu vùng xa”, ông Chính khẳng định.
Công trình trên đã được Hội đồng Khoa học trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nghiệm thu và đang trong quá trình làm thủ tục đăng ký Bản quyền tác giả. Dự kiến hệ thống này cũng sẽ được trình lên Bộ Khoa học công nghệ trong thời gian tới
(Nguồn: Xaluan.com)