Friday, 22/11/2024 | 20:48 GMT+7

Chuyên gia năng lượng tư vấn sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả mùa nóng

18/07/2021

PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện KHCN Nhiệt - Lạnh trả lời những thắc mắc về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả mùa nóng.

 

PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện KHCN Nhiệt - Lạnh trả lời những thắc mắc về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả mùa nóng.

PGS. TS. Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện KHCN Nhiệt - Lạnh

Câu hỏi: Tôi thấy nhãn năng lượng dán trên các thiết bị điện máy khá hữu ích, nhưng vẫn đắn đo không biết thông số được công bố có chính xác ngoài thực tế không. Vì khi kiểm nghiệm độ tiêu hao điện của thiết bị thì thường kiểm nghiệm trong môi trường lý tưởng, khác với thực tế. Xin chuyên gia giải thích thêm.

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Thiết bị thử khó nhất và dài nhất là điều hòa và tủ lạnh (từ 2 ngày đến 1 tuần mới xong một tủ lạnh; với điều hòa là 1-3 ngày). Khi thử điều hòa, chúng tôi thử ở định mức (trần hoạt động của điều hòa - 100% tải) là 35 độ C bên ngoài và 27 độ C trong nhà, độ ẩm trong nhà khoảng 50%. Riêng điều hòa biến tần sẽ được thử thêm ở điều kiện 50% tải để tính ra được toàn bộ hoạt động của điều hòa đó biến đổi tải ra sao với điều kiện trong và ngoài nhà. Tức là đã quét gần hết mức tải của sản phẩm.

Vì thế các thông số công suất làm lạnh bao giờ cũng là công suất lạnh đỉnh. Thông số in trên nhãn xanh do Bộ Công Thương ban hành là có độ tin cậy và pháp lý cao, người tiêu dùng có thể yên tâm khi tham khảo, mua sắm thiết bị.

Câu hỏi: Đa phần người dân đều nghĩ mùa hè lượng điện tiêu thụ tăng đột biến là do sử dụng điều hòa. Vậy chuyên gia có thể giải thích rõ hơn mức độ ngốn điện của thiết bị này được không?

PGS.TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Điều này hoàn toàn chính xác. Thông qua nhiều nghiên cứu mà chúng tôi chủ trì hoặc tham gia trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương chủ trì, đặc biệt dự án do Tổ chức Bơm nhiệt-trữ nhiệt Nhật Bản và Công ty đầu tư tài chính Mitsubishi UFJ & Morganstanley tài trợ, chúng tôi đã có điều kiện tiến hành đo kiểm (kiểm toán năng lượng) cho các dạng nhà dân khác nhau trong nhiều năm.

Kết quả cho thấy điện năng tiêu thụ 4 tháng mùa hè cao hơn trung bình khoảng 20-50% so với các tháng khác. Trong đó điện năng tiêu thụ của điều hòa chiếm 28-64% tủ lạnh 6-22% còn lại là tiêu thụ điện của các thiết bị khác như TV, chiếu sáng, đồ làm bếp…

 Điện năng tiêu thụ của điều hòa chiếm 28-64% tổng điện năng tiêu thụ của cả gia đình

Câu hỏi: Nên bật điều hòa ở mức nào để tiết kiệm điện?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Trước hết cần nói một chút về nguyên lý hoạt động của điều hòa. Điều hòa là một thiết bị sử dụng điện năng để thực hiện một quá trình ngược với tự nhiên là hút nhiệt tỏa ra (ở nhiệt độ thấp) để làm mát trong nhà bằng dàn lạnh và sau đó thải nhiệt này cùng nhiệt do điện năng cấp vào thiết bị sinh ra ra ngoài trời bằng dàn nóng (ở nhiệt độ cao).

Muốn thải nhiệt ra ngoài trời, nhiệt độ dàn nóng phải cao hơn nhiệt độ ngoài trời. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng lên, nhiệt độ dàn nóng cũng phải tăng lên để đảm bảo thải đủ lượng nhiệt cần thiết. Muốn vậy điều hòa phải nâng nhiệt độ ga lạnh cao hơn trước khi vào dàn nóng thải nhiệt, do vậy sẽ chi phí năng lượng cao hơn.

Nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2-3%. Không những thế nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng để thấp xuống, tiêu thụ điện năng cũng tăng lên 1,5-3%. Do đó một số người có thói quen để nhiệt độ cài đặt của điều hòa thấp xuống để lạnh nhanh sẽ vô tình làm tăng chi phí điện năng.

Ngoài cài đặt nhiệt độ sao cho tiết kiệm, chúng tôi  còn quan tâm làm sao để đảm bảo sức khỏe con người. Nếu nhiệt độ dưới 35 độ thì nhiệt độ chênh lệch trong và ngoài phòng là 7-10 độ C; nếu nhiệt độ hơn 37 độ C thì mức chênh lệch cho phép khoảng 10-12 độ C để tránh hiện tượng sốc nhiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là người già, trẻ em (choáng, bệnh hô hấp). 

Với nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C như hôm nay, chúng tôi khuyến cáo đặt nhiệt độ khoảng 27-28 độ với điều hòa không biến tần. Riêng điều hòa biến tần (inverter) thì đã tự động được các hãng cài đặt rồi.

Câu hỏi: Thưa chuyên gia, thực sự chỉ vì dùng điều hòa nhiều mà lượng điện tiêu thụ mùa hè lại tăng cao đỉnh điểm, hay còn đến từ nhiều nguyên nhân khác nữa?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Mùa hè thời tiết nóng nên các hộ gia đình phải dùng quạt và đặc biệt là điều hòa - thiết bị tiêu tốn điện rất lớn. Để thấy rõ hơn, tôi lấy ví dụ cụ thể theo số liệu đã trình bày ở trên: có thể thấy điều hòa chiếm trung bình 40% tổng điện năng tiêu thụ của hộ gia đình, do vậy giả thiết khi không có điều hòa, điện năng tiêu thụ là 300 kWh (số điện) tương đương với số tiền phải trả là 577.250 đồng thì khi dùng điều hòa con số này là (300/60)*100=500kWh (số điện) tương đương với 1.108.850 VND theo QĐ 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017. Đây chính là nguyên nhân làm tiêu thụ điện năng tăng mạnh trong mùa hè.

Một lý do quan trọng nữa trong các nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra, trong thời gian mùa hè, nhiều gia đình có các cháu nhỏ nghỉ hè ở nhà nên số giờ sử dụng các thiết bị điện gồm ĐHKK và các thiết bị khác như TV, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt tăng lên. Dẫn tới điện năng tiêu thụ tăng lên đáng kể.

Mùa hè tiêu thụ điện cho tủ lạnh tăng đáng kể. Khi xây dựng lại tiêu chuẩn TCVN 7828:2015 về hiệu suất năng lượng của tủ lạnh gia dụng, chúng tôi đã thí nghiệm đo mức tiêu thụ điện của tủ lạnh trong 12 tháng thì nhận thấy tiêu thụ điện của tủ lạnh trong 4 tháng hè tăng thêm trung bình 23% lý do nhiệt độ môi trường tăng và tần suất mở cửa tủ lấy đá, nước uống tăng cao hơn mùa khác 1,5-2 lần.

Vì các lý do nêu trên nên điện năng tiêu thụ vào mùa hè tăng cao hơn hẳn các tháng khác đặc biệt các tháng cuối mùa xuân (3,4).

Câu hỏi: Tôi nghe nói điều hòa tuy không bật nhưng vẫn bật cầu dao thì vẫn tốn điện. Mức tiêu hao này có đáng kể không thưa chuyên gia?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Điều này đúng. Về nguyên tắc khi điều hòa vẫn cắm vào nguồn điện và không ngắt cầu dao mà chỉ tắt bật bằng remote, khi đó điều hòa đang ở chế độ chờ. Ngoài ra ở điều hòa luôn có 1 bộ đếm thời gian, luôn để ở chế độ chờ. Những yếu tố này gây hao tổn điện năng.

Tùy điều hòa mà tốn 8-20 Wh. Như vậy một ngày để điều hòa ở chế độ chờ thì lượng điện tiêu thụ sẽ tương đương với 1 bóng đèn LED.

Câu hỏi: Nhà em hay mất điện, em mua cái máy nổ chạy dầu về phòng khi mất điện, điện từ máy nổ có chạy được điều hòa, tủ lạnh không? Nếu máy nổ công suất lớn thì chạy cho điều hòa, tủ lạnh có làm hỏng thiết bị điện này không? Em xin cảm ơn.

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Đầu tiên phải xem máy nổ có công suất điện phát ra và công suất điện của thiết bị tiêu thụ điện nhà bạn là  bao nhiêu. Công suất từ máy phát phải vượt qua tổng công suất của các thiết bị điện gia dụng, thì lúc đó mới có thể xem xét sử dụng.

Thứ hai, nếu nhà bạn dùng điều hòa inverter thì tôi khuyên không nên dùng. Vì loại điều hòa này đòi hỏi nguồn điện rất ổn định mà máy phát điện khó đáp ứng được.

Về tủ lạnh thì bạn có thể dùng được.

Câu hỏi: Cho em hỏi là khi sử dụng điều hòa thì mức độ chênh lệch giữa điều hòa inverter và điều hòa thường là bao nhiêu, nếu sử dụng inverter 1 hp thì điện năng tiêu thụ là bao nhiêu (tính trung bình). Nếu giá điều hòa thường chỉ bằng 1/2 inverter thì có nên mua inverter không ạ?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Nhiều hãng điều hòa inverter đưa ra mức tiết kiệm 60% nhưng về mặt kỹ thuật, chúng tôi cho rằng con số này chưa đủ tin cậy.

Có 5 mức dãn nhán năng lượng từ 1 đến 5 sao. Cùng một điều hòa 9000 hoặc 12000 BTU thì chênh lệch điện tiêu thụ giữa 1 và 5 sao đã là 24% (theo TCVN 7830-2015). Giả sử điều hòa inverter 5 sao so với không inverter 1 sao thì thực sự không ý nghĩa để so sánh.

Điều hòa cùng hạng, cùng mức thì giữa inverter và không inverter thì chênh lệch 15-28%. Bạn có thể căn cứ vào đây để lựa chọn điều hòa phù hợp.

Điều hòa inverter 1 hp như bạn hỏi thì tương đương 1 máy 9000 BTU thì điện năng tiêu thụ là 600-800W.

Câu hỏi: Tôi đang định chuyển sang điều hòa inverter cho tiết kiệm điện, nhưng lại nghe nhiều người nói rằng loại này chỉ tiết kiệm điện hiệu quả khi bật trong một thời gian đủ dài, cũng không thể tiết kiệm đến 60% như quảng cáo. Xin chuyên gia tư vấn thêm

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Đây là một câu hỏi thú vị. Trước hết tôi sẽ giải thích về nguyên lý làm việc của 2 loại điều hòa inverter - biến tần và không biến tần non-inverter.

Đối với điều hòa không biến tần, khi nhiệt độ trong phòng hạ xuống thấp hơn nhiệt độ chúng ta cài đặt từ điều khiển cầm tay, cảm biến nhiệt độ sẽ ngắt điện cấp cho điều hòa, trừ quạt dàn lạnh. Khi nhiệt độ trong phòng tăng lên, cảm biến nhiệt độ lại đóng điện cấp cho điều hòa để tiếp tục làm lạnh. Như vậy điều hòa không biến tần sẽ đóng tắt theo chu kỳ phụ thuộc vào điều kiện sử dụng và khí hậu. Mỗi lần bật tắt như vậy làm gia tăng tiêu thụ điện.

Điều hòa biến tần lại được hoạt động theo nguyên tắc khác. Khi nhiệt độ trong phòng đạt được nhiệt độ cài đặt, cảm biến nhiệt độ sẽ truyền tín hiệu về bộ điều khiển tần số của nguồn điện cấp cho động cơ máy nén (block), làm thay đổi tần số từ đó làm động cơ máy nén quay chậm lại giảm công suất lạnh và tương ứng điện năng tiêu thụ của điều hòa. Khi nhiệt độ tăng lên quá trình diễn ra ngược lại. Với phương pháp này, điều hòa không phải tắt bật theo chu kỳ nên giảm chi phí điện năng khi điều hòa hoạt động ở chế độ không đầy tải.

Nếu sử dụng điều hòa biến tần thay thế cho điều hòa không biến tần cho cùng một căn phòng với cùng một điều kiện, điều hòa biến tần sẽ tiết kiệm điện hơn khi được hoạt động trong chế độ không đầy tải. Đặc biệt trong khoảng 30-70% của tải, điều hòa biến tần tiết kiệm năng lượng hơn hẳn điều hòa thường.

Tuy nhiên nếu điều hòa biến tần luôn hoạt động ở tải định mức khoảng 100% thậm chí quá tải, lúc đó sẽ không tiết kiệm điện, thậm chí còn tốn điện hơn điều hòa không biến tần do loại biến tần ngoài làm lạnh còn tiêu thụ thêm điện cho bộ biến tần.

Về con số 60% tiết kiệm điện năng do hãng nào đó cung cấp cần làm rõ là sự so sánh này là so sánh thế nào, giữa 2 máy có cùng mức sao năng lượng không. Nếu so sánh không cùng cấp sao thì chỉ cần so giữa điều hòa không biến tần 5 sao và 1 sao đã tiết kiệm khoảng 20% điện năng tiêu thụ.

Theo nghiên cứu thực tế trong phòng thí nghiệm của chúng tôi, so sánh giữa điều hòa biến tần và không biến tần cùng mức sao năng lượng, tiết kiệm điện năng khoảng 15-28% tùy vào điều kiện sử dụng. Đối với điều hòa sử dụng môi chất lạnh mới thì tỷ lệ này có tăng lên, nhưng không tới con số nêu trên.

Về thời gian hoạt động thì đúng là thời gian càng sử dụng điều hòa biến tần càng lâu sẽ càng tiết kiệm điện so với điều hòa thường. Lý do trong thời gian từ 30 phút tới cả tiếng là thời gian bắt đầu hoạt động của điều hòa, thiết bị sẽ phải hoạt động ở gần chế độ toàn tải để khử nhiệt tích có sẵn trong phòng. Sau thời gian này mới chuyển sang trạng thái hoạt động ổn định. Do đó nếu thời gian sử dụng máy rất ngắn ví dụ ít hơn một tiếng thì độ tiết kiệm không cao.

Tóm lại việc tiết kiệm điện hay không không chỉ phụ thuộc vào điều hòa không khí mà còn vào việc thiết kế lựa chọn, lắp đặt, vận hành cho đúng.

Câu hỏi: Nhà tôi 16 m2, tôi định lắp điều hòa 9.000 BTU, nhưng một số người bảo nên lắp loại 12.000 thì tiết kiệm điện hơn. Theo tiến sĩ, tôi nên lắp loại nào? Tôi không hiểu vì sao công suất lớn hơn mà lại tiết kiệm điện hơn?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Cần xem vị trí, công năng, số lượng người thường xuyên trong phòng như thế nào. Nếu là phòng ngủ thì lắp 9.000 là phù hợp. Nếu đó lại là phòng khách, sinh hoạt chung với nhiều người, có nhiều cửa và người thường xuyên ra vào thì điều hòa 9.000 khó đủ công suất. Bạn nên xem xét chuyển sang điều hòa 12.000 BTU.

Câu hỏi: Thưa ông cách nào tiết kiệm điện hơn: Bật điều hoà 28 độ kèm một quạt hay chỉ bật điều hoà 27 độ?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Việc bật ĐHKK ở mức 26-27 độ C kết hợp với quạt gió là rất hợp lý và tiết kiệm điện. 

Lý do là nhiệt độ và sự cảm nhận mát mẻ của con người không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Trong lĩnh vực ĐHKK có khái niệm nhiệt độ tiện nghi, tức là thang đo sự cảm nhận độ mát/nóng của người sử dụng, nhiệt độ này là sự tác động tổng hợp của nhiệt độ phòng và tốc độ gió. Chính vì vậy khí chúng ta nâng nhiệt độ lên một ít đồng thời với việc sử dụng thêm quạt sẽ cho cảm giác mát như ở trong môi trường nhiệt độ thấp hơn. Điều này lý giải việc tại sao nếu không có ĐHKK chúng ta chỉ dùng quạt thổi thẳng vào người cũng đã thấy mát.

Chúng tôi đã làm thí nghiệm cho thấy ở nhiệt độ 26-27 độ C kết hợp với quạt gió cho cảm nhận tương đương với cài đặt nhiệt độ ĐHKK ở 22-24 độ C, về điện năng tiết kiệm khoảng 2-3%.

Câu hỏi: Theo PGS, tôi nên lắp điều hòa trung tâm cho cả căn biệt thự 2 tầng, 4 phòng ngủ hay nên lắp loại điều hòa đơn cho từng phòng? Loại nào sẽ tiết kiệm điện hơn? Cảm ơn PGS.

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Nói về tiền, nếu lắp điều hòa cục bộ cho từng phòng thì chi phí mua sắm sẽ thấp hơn. Điều hòa này cũng phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người Việt.

Nói về ưu điểm, điều hòa trung tâm hoặc bán trung tâm cho kiến trúc cảnh quan đẹp vì không có nhiều dàn nóng làm xấu căn nhà; các dàn lạnh thì có thể giấu trong trần (âm trần), làm tăng vẻ đẹp của căn nhà. Loại điều hòa này còn có một ưu điểm là dễ điều khiển tự động cho cả tòa nhà, hoặc ứng dụng vào công nghệ smarthome.

Một điểm lợi nữa là nếu dùng nhiều điều hòa cục bộ, cùng mở một lúc thì độ tải sẽ rất lớn. Còn điều hòa trung tâm khi khởi động thì không gây sốc cho lưới điện.

Câu hỏi: Thưa TS Dũng, phòng em 35m2 nhưng dài và hẹp, em nên lắp hai điều hòa loại 9000 BTU hay lắp một điều hòa loại 24000 BTU? Hoặc em nên lắp loại điều hòa công suất bao nhiêu thì vừa?

PGS.TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Về nguyên tắc một luồng thổi gió của điều hòa có thể xa 7m. Nếu nhà bạn thuộc dạng nhà ống dài, dùng 2 máy 9.000 là hợp lý. Giả sử nếu chỉ đủ diện tích để lắp được một điều hòa thì có thể dùng thêm quạt trần, quạt cây, quạt treo tường.

Câu hỏi: Thưa TS Dũng, tôi thấy có loại điều hòa chạy bằng năng lượng mặt trời, tức là lắp thêm bộ pin mặt trời đấu vào điều hòa để chạy, theo ông điều này có phù hợp không? Có nên đầu tư thiết bị này không?

PGS.TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Trong phòng thí nghiệm thì có thể làm được nhưng loại điều hòa này chưa thương mại hóa. Thực tế là công suất phát điện của các tấm pin mặt trời rất thấp, 1m2 chỉ phát tối đa khoảng 100W, lại là điện một chiều, sau đó phải có thêm bộ chuyển đổi thành điện xoay chiều cho điều hòa. Nếu điều hòa 12.000 BTU thì bạn cần hơn 10m2 tấm pin mặt trời, cộng thêm một bộ chuyển đổi điện mới có thể chạy được.

Ngoài ra giờ nắng để pin phát điện đủ công suất là 10-12h ban ngày, ban đêm khi bạn cần bật điều hòa để ngủ thì cần thêm 1 ắc-quy để tích điện. Tính ra hiệu quả sử dụng và tiết kiệm điện rất thấp.

Câu hỏi: Quạt, thiết bị cắm vào ổ điện nhưng không sử dụng có gây hao điện và làm số điện nhảy lên hay không thưa chuyên gia?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Không chỉ có quạt mà nhiều thiết bị điện tử khác như điều hòa không khí (ĐHKK), TV, bộ thu phát số của TV, Wi-Fi,  lò vi sóng… khi không sử dụng mà vẫn được cắm vào nguồn điện ở chế độ chờ “stand by” hoặc máy tính bàn, laptop ở chế độ ngủ vẫn tiêu tốn điện. Ví dụ ĐHKK khi chưa cắt aptomat sẽ tiêu tốn 8-20 Wh, bằng một đèn. Tính cho cả năm con số này không hề nhỏ. Do đó nếu không dùng các thiết bị điện trong thời gian lâu nên tắt hẳn nguồn điện.

Câu hỏi: Tôi đọc báo thấy có nhà đầu tư lắp điện mặt trời để vừa có điện dùng, thậm chí thừa có thể bán lại cho EVN. Theo TS. điện mặt trời có thể đảm bảo chạy được điều hòa, tủ lạnh hay không? ở miền Bắc có nên đầu tư lắp điện mặt trời phủ lên mái?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Điện mặt trời dùng để chạy hệ thống chiếu sáng thì rất tốt. Còn để sử dụng các thiết bị có công suất lớn như điều hòa, thiết bị nhà bếp (nồi cơm điện, lò nướng, bếp...) thì diện tích các tấm pin phải rất lớn, phải thêm bộ ắc quy tích trữ điện, thêm một bộ chuyển đổi dòng điện thành xoay chiều thì khá đắt tiền, phải bảo trì đúng quy cách nên bạn cần cân nhắc khi đầu tư điện mặt trời để tiêu dùng.

Câu hỏi: Vì sao các thiết bị điện cũ thường hao điện hơn so với thiết bị mới? Tôi nên thay mới các thiết bị điện bao nhiêu năm một lần để đảm bảo không hao điện?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Tất nhiên các thiết bị điện sử dụng lâu ngày sẽ hao điện hơn thiết bị cũ. Lý do chính khi sử dụng lâu các thông số của các thiết bị này sẽ ngày càng bị lệch khỏi thông số thiết kế làm giảm hiệu suất, ngoài ra các chi tiết cơ khí bị hao mòn… cũng góp phần làm giảm hiệu suất.

Về việc thay thế các thiết bị, thông thường mỗi chủng loại thiết bị sẽ có tuổi thọ định mức tương ứng với điều kiện làm việc hoặc bảo trì bảo dưỡng. Chúng ta nên sử dụng thiết bị trong khoảng thời gian cho phép này.

Đối với điều hòa không khí (ĐHKK) nếu được sử dụng liên tục thời gian từ 7-15 năm.

Câu hỏi: Xin chuyên gia cho biết bình nước nóng năng lượng mặt trời có thực sự hữu ích và tiết kiệm điện không, khi vào mùa hè nhiệt độ cao, nước nóng nhanh thì nhu cầu sử dụng nước nóng lại ít. Ngược lại mùa đông luôn cần dùng nước nóng thì ánh sáng mặt trời lại ko đủ nhiệt, phải chạy điện thêm.

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Nếu dùng năng lượng mặt trời để cung cấp nước nóng là hợp lý. Nhưng yếu điểm của thiết bị này, đặc biệt ở miền Bắc thì mùa đông bức xạ mặt trời thấp, nhiệt độ chỉ đạt khoảng dưới 30 độ. Thông thường ta sẽ kết nối thêm thiết bị gia nhiệt bổ sung. Trước đây thì hay sử dụng bình nóng lạnh nối tiếp với bình nước nóng mặt trời nhưng vẫn tốn điện. Có một phương án tối ưu và hiện đại nhất hiện nay là kết nối thiết bị nước nóng mặt trời với một bơm nhiệt, sẽ kết hợp tất cả ưu điểm tiết kiệm điện.

Nếu bạn quan tâm liên hệ tới Viện KHCN Nhiệt - Lạnh theo website sheer.hust.edu.vn.

Câu hỏi: Gần đây tôi thấy quảng cáo nhiều về quạt điều hòa với chức năng tương tự điều hòa nhưng điện tiêu thụ lại ít hơn. Không biết thực hư ra sao, xin chuyên gia tư vấn thêm?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Về bản chất quạt nước làm mát không khí bằng cách gia tăng độ ẩm của không khí lên gần bão hòa nên những khi nào nóng khô thì mới hiệu quả. Với miền Trung dùng quạt nước có thể hạ nhiệt độ không khí xuống 5-6 độ C và đương nhiên là tiết kiệm điện hơn điều hòa không khí (ĐHKK). Tuy nhiên ở miền Bắc độ ẩm cao hơn chỉ hạ được 3-5 độ C hiệu quả không cao, những lúc ẩm hoặc sắp mưa loại quạt này không có tác dụng

Bên cạnh đó việc gia tăng độ ẩm quá cao trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới người già và trẻ nhỏ, gây ra các bệnh về hô hấp, hoặc tim mạch, huyết áp.

Câu hỏi: Tôi và bà xã thường tranh cãi về việc tủ lạnh để nhiều đồ hay ít đồ sẽ lãng phí hơn. Vợ tôi cho rằng đã bật tủ lạnh thì phải cất nhiều đồ trong đó mới bõ. Còn tôi nghĩ càng ít đồ thì tủ lạnh càng đỡ tốn điện giữ lạnh cho thực phẩm. Xin chuyên gia giải đáp giúp!

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Chúng ta cần xác định tủ lạnh để bảo quản thực phẩm, nên nếu có nhu cầu bảo quản thì phải dùng. Tất nhiên tủ chứa nhiều thực phẩm sẽ tốn điện, nhưng bạn nên cân nhắc về việc bảo quản thực phẩm khoa học và hợp lý, tránh biến tủ lạnh thành cái chạn cất mọi đồ ăn thừa.

Để tiết kiệm tủ lạnh, trước tiên cần mua tủ lạnh hợp với nhu cầu sử dụng. Theo tiêu chuẩn của Mỹ, một người cần 60-100 lít dung tích tủ lạnh. Bạn theo đó tính toán tủ lạnh cần dùng cho tổng thành viên trong gia đình của bạn. Ngoài ra, tránh để vào tủ lạnh những đồ còn nóng để đỡ tiêu hao điện; số lượng đóng mở tủ cũng cần hợp lý. Ví dụ khi nấu một bữa, nên lấy tất cả nguyên liệu ra một lần. Theo nghiên cứu của chúng tôi, cứ mỗi lần mở tủ lạnh thì phải sau 2-3 tiếng tủ mới trở lại chế độ cân bằng.

Câu hỏi: Để tiết kiệm điện, tôi có thể dùng điều hòa 9.000 BTU thay vì 12.000 BTU cho phòng rộng được không?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Mỗi một loại ĐHKK có mức công suất lạnh khác nhau sẽ thích hợp với các phòng có diện tích khác nhau:

9.000 BTU/h thích hợp phòng từ 10-16 m2

12.000 BTU/h thích hợp phòng từ 12-22 m2

18.000 BTU/h thích hợp phòng từ 18-36 m2

Do đó không thể tùy tiện thay thế ĐHKK cho các phòng khác nhau, tránh tình trạng ĐHKK chạy quá tải không tiết kiệm điện, mau hỏng.

Câu hỏi: Nhà tôi có 4 người đều dùng smartphone và trung bình sạc 1 lần/ngày. Không biết lượng điện tiêu hao cho việc sạc điện thoại có đáng kể không thưa chuyên gia?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Đương nhiên là có sự tiêu tốn năng lượng, tùy theo các loại smartphone mà có mức độ tiêu thụ khác nhau ghi trên pin. Trung bình mỗi lần sạc tốn 2-5 Wh. Đây là con số không lớn so với các thiết bị điện khác.

Câu hỏi: Trong mùa hè, buổi tối gia định tôi sử dụng 4 điều hoà, và đã mua điều hoà inverter để tiết kiệm điện nhưng vẫn thấy tiền điện hàng tháng cao quá. Mong chuyên gia tư vấn cách sử dụng thế nào để có thể tiết kiệm nhất. Cảm ơn PSG

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

4 điều hòa cùng chạy thì đương nhiên lượng tiêu thụ điện cao. Ví dụ điều hòa 12.000BTU, 5 sao chạy 8-10 tiếng/ngày đã tốn khoảng 180-200 số điện, chưa kể tính giá điện theo bậc thang.

Để sử dụng điều hòa inverter thì nhiệt độ cài đặt cần hợp lý, 25-27 độ C vào ban ngày, ban đêm thì để chế độ Sleep Mode, cứ mỗi 2 tiếng đẩy nhiệt độ lên 1 độ, và đến khi 28 độ C thì dừng.

Ngoài ra inverter còn có chế độ mắt thần để theo dõi có người trong phòng hay không và tự động điều chỉnh nhiệt độ phù hợp.

Câu hỏi: Tiến sĩ cho cháu biết cháu nên thay loại gas gì cho điều hòa để điều hòa mát hơn, tiết kiệm điện hơn? Cháu nghe nói có gas R22 hay ga R410, loại R410 thì đắt hơn nhưng tốt hơn. Điều này có đúng không ạ?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Điều hòa nhà bạn chạy loại gas nào thì nên sử dụng loại gas đó để có được công suất tốt nhất. Ga R410A có áp suất làm việc cao hơn hẳn R22, nếu nạp gas không phù hợp có thể gây cháy nổ.

Câu hỏi: Để tiết kiệm điện, các gia đình có nên trang bị điều hòa, tủ lạnh inverter không thưa ông? Công nghệ này giúp tiết kiệm được bao nhiêu điện năng?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Trước hết tôi sẽ giải thích về nguyên lý làm việc của 2 loại điều hòa inverter - biến tần và không  biến tần non-inverter.

Đối với điều hòa không biến tần, khi nhiệt độ trong phòng hạ xuống thấp hơn nhiệt độ chúng ta cài đặt từ điều khiển cầm tay, cảm biến nhiệt độ sẽ ngắt điện cấp cho điều hòa, trừ quạt dàn lạnh. Khi nhiệt độ trong phòng tăng lên, cảm biến nhiệt độ lại đóng điện cấp cho điều hòa để tiếp tục làm lạnh. Như vậy điều hòa không biến tần sẽ đóng tắt theo chu kỳ phụ thuộc vào điều kiện sử dụng và khí hậu. Mỗi lần bật tắt như vậy làm gia tăng tiêu thụ điện.

Điều hòa biến tần lại được hoạt động theo nguyên tắc khác. Khi nhiệt độ trong phòng đạt được nhiệt độ cài đặt, cảm biến nhiệt độ sẽ truyền tín hiệu về bộ điều khiển tần số của nguồn điện cấp cho động cơ máy nén (block), làm thay đổi tần số từ đó làm động cơ máy nén quay chậm lại giảm công suất lạnh và tương ứng điện năng tiêu thụ của điều hòa. Khi nhiệt độ tăng lên quá trình diễn ra ngược lại. Với phương pháp này, điều hòa không phải tắt bật theo chu kỳ nên giảm chi phí điện năng khi điều hòa hoạt động ở chế độ không đầy tải.

Nếu sử dụng điều hòa biến tần thay thế cho điều hòa không biến tần cho cùng một căn phòng với cùng một điều kiện, điều hòa biến tần sẽ tiết kiệm điện hơn khi được hoạt động trong chế độ không đầy tải. Đặc biệt trong khoảng 30-70% của tải, điều hòa biến tần tiết kiệm năng lượng hơn hẳn điều hòa thường.

Tuy nhiên nếu điều hòa biến tần luôn hoạt động ở tải định mức khoảng 100% thậm chí quá tải, lúc đó sẽ không tiết kiệm điện, thậm chí  còn tốn điện hơn điều hòa không biến tần do loại biến tần ngoài làm lạnh còn tiêu thụ thêm điện cho bộ biến tần.

Theo nghiên cứu thực tế trong phòng thí nghiệm của chúng tôi, so sánh giữa điều hòa biến tần và không biến tần cùng mức sao năng lượng, tiết kiệm điện năng khoảng 15-28% tùy vào điều kiện sử dụng. Đối với điều hòa sử dụng môi chất lạnh mới thì tỷ lệ này có tăng lên, nhưng không tới con số nêu trên.

Tóm lại việc tiết kiệm điện hay không không chỉ phụ thuộc vào ĐHHK mà còn vào việc thiết kế lựa chọn, lắp đặt, vận hành ĐHKK cho đúng.

Câu hỏi: Tôi nghe nói nhiệt độ ngoài trời càng cao thì điều hòa chạy càng tốn điện. Xin chuyên gia giải thích chi tiết hơn?

PGS. TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Điều này hoàn toàn chính xác. Điều hòa là một thiết bị sử dụng điện năng để thực hiện một quá trình ngược với tự nhiên là hút nhiệt tỏa ra (ở nhiệt độ thấp) để làm mát trong nhà bằng dàn lạnh và sau đó thải nhiệt này cùng nhiệt do điện năng cấp vào thiết bị sinh ra ra ngoài trời bằng dàn nóng (ở nhiệt độ cao).

Muốn thải nhiệt ra ngoài trời, nhiệt độ dàn nóng phải cao hơn nhiệt độ ngoài trời. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng lên, nhiệt độ dàn nóng cũng phải tăng lên để đảm bảo thải đủ lượng nhiệt cần thiết. Muốn vậy điều hòa phải nâng nhiệt độ ga lạnh cao hơn trước khi vào dàn nóng thải nhiệt, do vậy sẽ chi phí năng lượng cao hơn.

Nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2-3%.

Không những thế nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng để thấp xuống, tiêu thụ điện năng cũng tăng lên 1,5-3%. Do đó một số người có thói quen để nhiệt độ cài đặt của điều hòa thấp xuống để lạnh nhanh sẽ vô tình làm tăng chi phí điện năng.

Câu hỏi: Em nghe nói có những loại vật liệu cách nhiệt rất tốt như kích cách nhiệt, gạch cách nhiệt... mà khi dùng có thể khiến phòng đỡ nóng hơn. Nhà em xây hướng Tây, ở Hải Dương, tiến sĩ có thể tư vấn giúp em về lưu ý khi chọn vật liệu xây nhà sao cho đỡ bị nóng vào mùa hè, lạnh vào mùa đông được không ạ?

PGS. TS NGUYỄN VIỆT DŨNG

Đúng là thêm cách nhiệt sẽ đỡ nóng. Hiện nay có nhiều gạch rỗng cách nhiệt chuyên dụng, tuy nhiên đây là xây mới. Hoặc xây tường dày với gạch lỗ… Còn nếu nhà xây rồi phải dùng biện pháp khắc phục như: che nắng hướng tây (treo rèm tre, chiếu…), trồng cây. Cũng có biện pháp tuy nhiên chi phí cao là mua bảo ôn và bắn vào tường (phía trong nhà, tuy nhiên sau đó cần bắn thêm thạch cao ở ngoài…).

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi, nếu bật từ tối đến sáng điều hòa chế độ 28 độ quạt gió bình thường có tốn điện không ạ?

PGS. TS NGUYỄN VIỆT DŨNG

Nếu bật cả ngày dù chế độ nhiệt độ cao cũng sẽ tốn điện nhưng chế độ 28 độ C sẽ đỡ tốn hơn. Tuy nhiên nếu nhiệt độ ngoài trời nhỏ hơn 35 độ C và để ở nhiệt độ trên mà không có quạt bổ sung sẽ thấy nóng vì điều hòa dừng hoặc chạy chế độ non tải. Bạn nên tùy nhiệt độ ngoài trời mà cài đặt.

Câu hỏi: Nhà tôi đang sử dụng bếp từ, tôi thấy mọi người nói, bếp từ công suất lớn nhưng thời gian nấu nhanh nên sẽ tiết kiệm điện. Như vậy có đúng không?

PGS. TS NGUYỄN VIỆT DŨNG

Bếp từ nâng cao hiệu quả truyền nhiệt cho nồi nấu đỡ tổn thất nhiệt ra môi trường như bếp thường nên tiết kiệm hơn.

Câu hỏi: Tôi dự định lắp điều hòa âm trần, dạng điều hòa mẹ con, một cục nóng với 3 mặt lạnh thay vì lắp điều hòa cá nhân. Theo TS Dũng, điều hòa mẹ con tiết kiệm điện hơn điều hòa unit hay không?

PGS. TS NGUYỄN VIỆT DŨNG

Sẽ tiết kiệm hơn nếu quý vị sử dụng đồng thời cả 3, ít nhất 2 mặt lạnh trong phần lớn thời gian. Trường hợp ngược lại không chắc đã tiết kiệm hơn.

Câu hỏi: Nhà tôi dùng điều hòa Daikin 9.000 CPU cho phòng 12 m2 nhưng phòng nhiều đồ, lại nằm đệm nên tôi thấy vẫn hơi nóng dù đã hạ nhiệt độ thấp. Xin hỏi máy điều hòa như thế phù hợp với phòng chưa, hay tôi phải nâng công suất máy lên? Với mức tiêu thụ điện như những ngày này mỗi tháng nhà tôi phải trả thêm 200.000-300.000 đồng tiền điện, có cách nào tiết kiệm hơn không?

PGS. TS NGUYỄN VIỆT DŨNG

Có khả năng phòng quý vị nhiều đồ nên dàn lạnh bị cản gió, trao đổi nhiệt không tốt. Nên sắp xếp đồ lại hoặc dùng thêm quạt đảo gió.

Câu hỏi: Thưa anh Việt Dũng, em thấy dùng điều hòa kết hợp quạt rất mát, hơi mát đều khắp phòng, theo anh, việc sử dụng quạt và điều hòa thì tiết kiệm điện hay thêm tốn điện?

PGS. TS NGUYỄN VIỆT DŨNG

Tiết kiệm hơn nếu quý vị để nhiệt độ điều hòa 26-28 độ C.

Câu hỏi: Thưa ông Việt Dũng, để đối phó với tình trạng thiếu điện ngày nóng bức, tôi dự định mua máy nổ chạy dầu. Ông tư vấn giúp tôi khi mua máy nổ cần chú ý điều gì? Nhà tôi dùng 3 điều hòa, một tủ lạnh, và 3 chiếc quạt trần, 2 TV.

PGS. TS NGUYỄN VIỆT DŨNG

Bạn cần tìm doanh nghiệp có uy tín cử cán bộ kỹ thuật tư vấn để tính đủ công suất và dòng khởi động lớn nhất của thiết bị điện trong nhà. Căn cứ trên đó chọn máy phát điện.

Câu hỏi: Nhà tôi dùng TV QLED, kết nối smartphone thì có tốn điện hơn TV bình thường không thưa chuyên gia?

PGS. TS NGUYỄN VIỆT DŨNG

Thông số kỹ thuật có ở catalog TV và ở nhãn năng lượng của Bộ CT dán trên TV. Quý vị nên tham khảo. TV QLED so với TV cũ dùng bóng điện tử sẽ tiết kiệm điện hơn khi sử dụng.

Nguồng Zingnews