Friday, 08/11/2024 | 02:49 GMT+7
Nếu sử dụng kính không hợp lý rất dễ dẫn đến những bất lợi cho công trình kiến trúc, nóng vào mùa hè và lạnh vào mùa đông, hoặc phải tốn rất nhiều năng lượng trong quá trình vận hành.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM sử dụng kính tiết kiệm năng lượng Solar xanh biển với độ dày 10mm. Ảnh minh họa.
Để tiết kiệm năng lượng
Hiện nay, tại các công trình hiện đại, việc sử dụng kính làm vật liệu bề ngoài đang ngày càng phổ biến. Có nhiều lý do khiến kiến trúc sư thích sử dụng kính trong các thiết kế xây dựng của mình. Một trong những lý do chính là để cung cấp ánh sáng từ bên ngoài để chiếu sáng và sưởi ấm tòa nhà.
Tuy nhiên, điều quan trọng là khi sử dụng kính, làm sao để lựa chọn đúng lại vật liệu cho công trình. Bởi tại nơi ít chịu tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời, phải lựa chọn loại kính nào để có thể lấy sáng vào không gian bên trong công trình tốt nhất, tạo môi trường tiện nghi về ánh sáng và giảm tiêu thụ điện chiếu sáng nhân tạo.
Còn tại các vị trí có ánh nắng mặt trời thay đổi theo mùa (ví dụ như khu vực miền Bắc), thì cần lựa chọn loại kính nào để hạn chế bức xạ mặt trời và mùa hè. Mùa đông lạnh lại cần bẫy nhiệt để sưởi ấm không gian bên trong. Điều này có thể cắt giảm chi phí năng lượng, cũng như tăng năng suất, hiệu quả làm việc và sức khỏe người sử dụng.
Theo đó, việc sử dụng vật liệu kính có tính năng tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp có vai trò rất quan trọng, và việc cải thiện công năng của kính theo hướng tiết kiệm năng lượng đã được ngành xây dựng thế giới tập trung nghiên cứu và phát triển.
Trong đó công nghệ phủ màng mỏng trên kính đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Sự ra đời của công nghệ này giúp sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng có nhiều tính năng ưu việt như: kính có hệ số phát xạ thấp, giúp giảm sự truyền nhiệt từ bên ngoài vào bên trong hoặc sự thất thoát nhiệt từ bên trong ra bên ngoài công trình; hệ số hấp thụ nhiệt (SHGC) nhỏ sẽ giúp ngăn cản phần lớn năng lượng nhiệt truyền từ mặt trời thông qua vách kính.
Ngoài ra, còn có thể ngăn chặn tối đa các tia bức xạ, tia cực tím có hại cho sức khỏe con người xuyên qua kính. Tuy nhiên vẫn cho phép ánh sáng tự nhiên truyền qua, hoặc có khả năng tự làm sạch, chống bám bụi và đọng sương… Nhờ đó, loại kính này giúp tiết kiệm chi phí năng lượng cho hệ thống điều hòa không khí mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát vào mùa nóng và sưởi ấm vào mùa lạnh.
Chưa kể, chủng loại , bề dày và màu sắc kính tiết kiệm năng lượng cũng rất đa dạng. Cụ thể, kính có dày từ 4mm - 12mm, sở hữu màu trung tính, xanh biển, xanh lá…và nhiều màu đa dạng phù hợp từng loại công trình.
Cần lựa chọn đúng sản phẩm
Tại Việt Nam, việc sử dụng vật liệu bao che cho công trình, đặc biệt là các vật liệu kính theo các chỉ tiêu đánh giá tiết kiệm năng lượng đã và đang ngày càng được khuyến khích. Công nghệ sản xuất kính ngày càng phát triển với rất nhiều sản phẩm kính cao cấp đang được nghiên cứu ứng dụng.
Đơn cử như tại Công ty kính nổi Viglacera, doanh nghiệp này đã đưa dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng bằng công nghệ phủ mềm (được chuyển giao từ Tập đoàn Von Ardenne GmbH - đến từ Đức), công suất 2,3 triệu m2/năm vào hoạt động với 2 dòng sản phẩm chính là Low-E và Solar Control.
Trong đó, kính Solar Control được gia công bề mặt với các lớp phủ siêu mỏng, có thành phần từ kim loại hoặc oxit kim loại. Nhờ đó, kính có khả năng phản xạ lại phần lớn bức xạ mặt trời, ngăn không cho nhiệt từ mặt trời truyền vào trong phòng – tác nhân làm gia tăng nhiệt độ bên trong tòa nhà.
Ngoài ra, kính Solar Control còn có khả năng ngăn cản hầu hết các tia cực tím có hại cho sức khỏe con người. Giúp giảm chi phí điện cho hệ thống làm mát không khí trong phòng đến 57%, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe người sử dụng. Phù hợp với những vùng khí hậu nóng và nhiều nắng, như các tỉnh khu vực phía Nam Việt Nam.
Còn đối với kính Low-E là dòng sản phẩm kính cách nhiệt cao cấp. Trong đó, kính Low E ôn đới giúp giảm chi phí cho hệ thống sưởi ấm không khí trong phòng đến 52%, giảm công suất hệ thống điều hòa lên đến 53%. Còn kính Low E nhiệt đới giúp giảm chi phí cho hệ thống sưởi ấm không khí trong phòng đến 48%, giảm công suất hệ thống điều hòa đến 69%.
Anh Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc một công ty chuyên về thiết kế cho biết, nếu sử dụng kính Low-E ở khu vực có số giờ nắng cao sẽ có thể tạo cảm giác chói mắt, khó chịu vì đặc tính độ truyền sáng cao. Do vậy, kính Low-E hoàn toàn phù hợp với thời tiết và khí hậu ở khu vực miền Bắc. Còn tại khu vực có nắng nhiều như miền Nam thì sử dụng kính Solar Control.
“Kính Solar Control có thể sử dụng được ở các dạng tấm đơn lớp, cường lực, kính dán, kính hộp, có thể thay thế hoàn toàn cho sản phẩm kính thông thường tại các công trình xây dựng thương mại và dân dụng”, ông Nam chia sẻ.
Theo: Báo Đầu tư