Monday, 23/12/2024 | 16:09 GMT+7

Mẹo giúp đá tủ lạnh nhanh đông để tiết kiệm điện

07/06/2023

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, việc sử dụng đá lạnh cho những mục đích khác nhau lại càng trở nên phổ biến. Hãy cùng tham khảo mẹo làm đông đá nhanh chóng để tiết kiệm tiền điện trong những ngày trời nóng bức như thế này nhé.

Trước khi tham khảo những mẹo để đá nhanh đông hơn, người dùng cần kiểm tra và khắc phục những nguyên nhân khiến quá trình làm đá diễn ra chậm trễ. Theo đó, có 3 nguyên nhân chính gây nên tình trạng này:
Thứ nhất, công suất không phù hợp: Các nhà sản xuất tủ lạnh đều thiết kế vị trí điều chỉnh công suất tủ lạnh phù hợp với từng nhu cầu sử dụng, cho phép người dùng chọn công suất thích hợp với số lượng thực phẩm cần lưu trữ. Tuy nhiên, nhiều người không có thói quen điều chỉnh công suất nên đã vô tình để máy lạnh ở công suất nhỏ nhưng không biết. Do đó, hãy kiểm tra ngay công suất tủ lạnh nhà bạn, đặc biệt là tủ lạnh có cài đặt nhiệt độ ở ngăn đông riêng.
Thứ hai, vừa bổ sung nhiều thực phẩm mới: Khi bạn vừa cho vào tủ lạnh một số lượng lớn thực phẩm, nhiệt độ trong tủ sẽ tăng lên và mất một thời gian nhất định để làm mát một lượng lớn thực phẩm đó và đưa nhiệt độ trở về ban đầu. Do đó, nếu đang cần làm đá đông gấp bạn không nên cho nhiều thực phẩm vào ngăn đá.
Thứ ba, rò rỉ nhiệt: Một số tủ lạnh sau khoảng thời gian dài sử dụng đã xuất hiện tình trạng giữ nhiệt kém do lớp đệm cao su bị lỏng lẻo. Do đó, cần bảo dưỡng tủ lạnh định kỳ để tránh gây rò rỉ nhiệt.
Khi đã đảm bảo loại bỏ được những nguyên nhân trên và muốn rút ngắn khoảng thời gian làm đá, hãy tham khảo những mẹo sau đây:
Sử dụng giấy bạc: Giấy bạc có tác dụng dẫn nhiệt rất tốt, nên nếu gia đình bạn đang sử dụng khay làm đá bằng chất liệu nhựa, hãy thử bọc một lớp giấy bạc bên ngoài khay đá, cách này sẽ giúp tạo nhiệt lạnh nhanh hơn và làm nước mau đông hơn.
Sử dụng khay kim loại: Thay vì sử dụng khay đá làm bằng nhựa các bạn có thể chuyển sang dùng khay đá bằng kim loại (bằng nhôm, inox…) sẽ giúp tiết kiệm đáng kể điện năng sử dụng. Ngoài ra nên lựa chọn khay đá có diện tích bề mặt lớn vì diện tích càng lớn thì tốc độ làm đá càng nhanh (giống như khi làm đá trong khay sẽ nhanh hơn so với khi làm đông đá trong chai nước).
Sử dụng nước tinh khiết: Cách làm này rất đơn giản, hãy cho các chai nước suối tinh khiết vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 2 tiếng. Tiếp theo, lấy các chai nước ra ngoài và tác động một lực đủ mạnh (đập chai xuống bàn) là bạn đã có chai nước đông đá. Theo chuyên gia, trong nước tinh khiết không có tạp chất như bụi bẩn hoặc các vi sinh vật trong nước đồng nghĩa các tinh thể đá không còn thứ gì để bao quanh, nên nước có thể đạt đến nhiệt độ dưới mức đóng băng mà không đông đặc lại. Việc bạn tác động một lực lên nó sẽ giúp xúc tác để tạo thành đá.
Trên thực tế, tủ lạnh là thiết bị điện máy không thể thiếu trong các gia đình. Do phải hoạt động liên tục nên tủ lạnh tiêu hao điện năng nhiều hơn so với máy giặt, tivi, máy sấy... Chi phí tiền điện cho tủ lạnh có thể chiếm từ 16% - 22% tổng tiền điện cả năm của gia đình. Do đó, bên cạnh việc rút ngắn thời gian làm đá để tiết kiệm điện, người sử dụng cũng cần lưu ý đến những giải pháp tiết kiệm điện nói chung dành riêng cho tủ lạnh để tối ưu chi phí tiền điện. 
Cụ thể, nên đặt tủ nơi thoáng mát, cách tường ít nhất 15 - 20cm, tránh ánh nắng hoặc gần các nguồn nhiệt; Nên kiểm tra gioăng ở các cánh cửa tủ lạnh (gioăng bị hở thì độ lạnh tủ kém và máy làm lạnh phải làm việc nhiều hơn, gây tốn điện); Nên mở đóng tủ lạnh hợp lý, không để cửa tủ lạnh mở lâu vì sẽ có không khí bên ngoài lọt vào, tủ lạnh sẽ tiêu thụ nhiều điện năng hơn.
Cần vệ sinh tủ lạnh định kỳ để tránh rò rỉ nhiệt (Ảnh: Bách hoá xanh)
Bên cạnh đó, cần vệ sinh dàn ngưng 1 - 2 lần/năm bằng cách rút điện tủ, dùng bàn chải mềm, khăn lau khô để loại bỏ bụi bẩn; Đồng thời, cài đặt nhiệt độ các ngăn vừa đủ độ lạnh (đặt ở nấc 3 hoặc nấc 4 là vừa, nếu có thể tránh nấc 5 - 7), tránh đặt ở mức lạnh nhất.
Ngoài ra, nên bọc kín thức ăn khi cho vào tủ lạnh để máy lạnh không phải khử ẩm tăng tiêu thụ điện và tránh gây mùi trong tủ; Không để thức ăn nóng vào tủ để tránh nhiệt độ và độ ẩm trong tủ tăng lên, tiêu thụ năng lượng nhiều hơn; Đặc biệt, để lượng thực phẩm vừa phải trong tủ, mỗi lần đi chợ mua thực phẩm đủ dùng. Tránh nhà ít người mua tủ lạnh tích lớn để tăng mỹ quan và sử dụng như một cái chạn để thức ăn dư, sẽ làm mất chất lượng thực phẩm cũng như tăng tiêu thụ điện.
Minh Khuê