Friday, 08/11/2024 | 19:40 GMT+7
Sự phát triển của hàng loạt công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giúp cho cuộc sống của con người ngày càng tiện nghi hơn, hiện đại hơn.
Hiệu năng hoạt động tối đa
Cách thức đầu tiên, cũng được xem là đơn giản nhất chính là tăng cường hiệu năng hoạt động của tất cả các thiết bị trong máy tính. Trước đây, các thiết bị chỉ hoạt động ở một hiệu suất nhất định (60%) trong khi vẫn tiêu thụ đến 100% năng lượng điện mà bộ nguồn cung cấp.
Nếu chỉ so sánh với một bộ máy tính hoặc một thiết bị điện tử thì hao phí về điện năng này cũng đã là rất lớn (tiêu tốn khoảng 20 USD/năm với một chiếc máy tính dùng cho công việc văn phòng). Và nếu tính đến hàng triệu thiết bị điện tử, hàng chục triệu chiếc máy tính vẫn đang hoạt động mỗi ngày thì nguồn tài nguyên tạo ra điện năng đang bị lãng phí cực lớn.
Sự lãng phí này lại còn “nóng” hơn nữa trong thời đại mà các nguồn năng lượng tự nhiên như dầu mỏ, than đá đang dần cạn kiệt và tăng giá một cách chóng mặt trong khi các nguồn cung cấp năng lượng xanh như gió, thủy triều… vẫn chưa phát triển ở mức cao.
Trước tình hình đó, các nhà sản xuất đã cho ra mắt những sản phẩm phần cứng máy tính, tăng cường tối đa hiệu năng hoạt động nhưng lại giảm bớt được sự tiêu hao năng lượng. Đơn cử như nhà sản xuất bo mạch chủ nổi tiếng Gigabyte, có dòng sản phẩm Dynamic energy saver (tiết kiệm đến 70%). Thương hiệu bo mạch chủ ASUS cũng không thua kém khi nâng cấp các sản phẩm của mình theo hướng truy xuất dữ liệu nhanh hơn, các tản nhiệt không dùng quạt, tự động điều chỉnh máy trong thời gian nghỉ…
Có thể nói, hiện nay trên thị trường máy tính đang có cuộc chạy đua rất nóng giữa các nhà sản xuất nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm thông minh, tiết kiệm điện năng hơn nhưng lại có hiệu suất hoạt động cao hơn.
Linh kiện thân thiện với môi trường
Ngoài ra, việc thay đổi các linh kiện cấu thành nên thiết bị theo hướng ít ô nhiễm môi trường hơn cũng đang được các nhà sản xuất quan tâm. Do hiện nay, các công nghệ máy tính đang phát triển theo cấp số nhân nên các thiết bị cũ bị đào thải cũng tăng lên chóng mặt. Ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng đang đau đầu với việc giải quyết núi chất thải đến từ các thiết bị, linh kiện điện tử, mà hầu hết chúng được làm từ những chất rất độc hại (chì, kẽm, thủy ngân…), thời gian phân hủy hoàn toàn lại rất lâu (trên 100 năm).
Thay đổi công nghệ sản xuất linh kiện điện tử sẽ phải tốn rất nhiều chi phí, nhưng đa số các nhà sản xuất đều tích cực hưởng ứng vì sự an toàn cho cuộc sống của người tiêu dùng và cho chính họ. Máy tính xách tay HP 520 (HP 565) là một trong những sản phẩm tiêu biểu, bởi nó được thiết kế bằng các linh kiện ít gây nguy hại đến môi trường và giảm được nhiệt lượng tỏa ra đến 15%.
Độc đáo nhất là dòng máy tính xách tay ASUS Bamboo EcoBook với lớp vỏ được làm bằng tre đã qua xử lý. So với các sản phẩm laptop có vỏ bằng hợp kim hoặc nhựa cao cấp, Bamboo EcoBook vừa thay đổi được chất liệu không gây ô nhiễm môi trường, vừa giảm được trọng lượng thân máy.
Nhìn chung, sự phát triển của các máy tính xanh vẫn đang ở mức khởi đầu nhưng là một tín hiệu hết sức khả quan cho môi trường sống. Các nhà nghiên cứu so sánh, nếu chúng ta có thể “xanh hóa” máy tính bằng con đường tiết kiệm điện năng thì có thể giảm được đến 54 triệu tấn khí CO2 mỗi năm, tương đương với việc “thủ tiêu” 11 triệu chiếc xe ô-tô bốn chỗ khỏi trái đất.
Thế nhưng, điều quan trọng nhất trong chuỗi phát triển chính là ý thức của người tiêu dùng, những người trực tiếp mua sắm và sử dụng các sản phẩm công nghệ này.
Sự lựa chọn đúng đắn của người tiêu dùng sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy cho quá trình xanh hóa máy tính, xanh hóa các thiết bị điện tử và bảo vệ môi trường của chúng ta ngày càng trong sạch hơn.
(Nguồn: TC 100c)