Monday, 18/11/2024 | 23:49 GMT+7
Năng lượng tái tạo đang là xu hướng của thế giới trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Hiện nay, ở Việt Nam, năng lượng tái tạo chỉ chiếm hơn 1% tổng mức năng lượng tiêu thụ và vẫn chỉ dừng ở mức… tiềm năng.
Điện mặt trời
Hệ thống điện mặt trời lớn nhất TPHCM hiện nay do tập đoàn
Tuấn Ân ở quận Bình Tân, chuyên kinh doanh thiết bị năng lượng, đầu tư 2 tỉ
đồng, công suất 70 kWh/ngày, tức khoảng 18.980 kWh mỗi năm, đáp ứng 30% nhu cầu
về điện của tòa nhà văn phòng của doanh nghiệp này. Thế nhưng, dường như công
trình trên vẫn chỉ mang tính trình diễn của một công ty kinh doanh về năng
lượng, hơn là hiệu quả kinh tế.
Pin mặt trời nối lưới trình diễn tại trụ sở Bộ Công Thương - công sở đầu tiên có điện mặt trời tại Việt Nam
Một doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị về năng lượng khác là Công ty Kim Đỉnh ở Hà Nội thỉnh thoảng mới nhận được hợp đồng lắp đặt đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời cho các dự án. Còn sản phẩm chủ lực của công ty vẫn là đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng LED cùng một số sản phẩm khác.
Trong khi đó, sản phẩm của nhà máy sản xuất pin mặt trời thuộc Công ty cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ ở Long An chủ yếu để xuất khẩu, thỉnh thoảng mới có một vài doanh nghiệp trong nước đặt hàng cho một vài dự án nhỏ.Cho đến nay, thành công lớn nhất về việc phát triển năng lượng mặt trời là các sản phẩm bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời.
Hiện mức tiêu thụ sản phẩm này trên cả nước khoảng 40.000 bộ/năm, gấp 4 lần so với vài năm trước. Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, chỉ riêng TPHCM đã có 86 công ty kinh doanh mặt hàng này, chiếm 70% cả nước. Định hướng của thành phố là trở thành một trung tâm cung cấp công nghệ, thiết bị và tư vấn các dịch vụ liên quan đến việc đầu tư năng lượng tái tạo, trước mắt là bình nước nóng năng lượng mặt trời và biogas, vốn đang chuyển từ hình thức đun nấu sang phát điện.
Giới chuyên gia cho rằng hiện quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như những dự án về năng lượng tái tạo vẫn ở mức độ nhỏ, manh mún. Dường như loại năng lượng sạch này vẫn chưa đến thời, do suất đầu tư ban đầu cao, thường gấp 4-5 lần so với các loại năng lượng khác, thời gian hoàn vốn dài. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thường kinh doanh đa ngành, chứ chưa thể sống được với các sản phẩm năng lượng tái tạo. Nói như một nhà sản xuất là thị trường vẫn chưa đủ lớn, nhà sản xuất vẫn phải kiêm luôn khâu tư vấn, thiết kế, lắp đặt, thay vì chỉ chuyên sản xuất, nghiên cứu và phát triển.
Phía sau điện gió
Hồi tháng 9-2010, tỉnh Bạc Liêu đã khởi công xây nhà máy
điện gió có công suất 99 MW trên diện tích 500 héc ta, vốn đầu tư khoảng 4.500
tỉ đồng.
Tại Ninh Thuận, một công ty ở Hà Nội cũng đang khảo sát để triển khai dự án điện gió công suất 97,5 MW trên diện tích lên tới 1.000 héc ta, tổng vốn dự kiến khoảng 206 triệu euro. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến nâng công suất thêm khoảng 67,5 MW, mở rộng diện tích thêm 900 héc ta. Trong khi đó, công ty này cũng đang chuẩn bị thực hiện một dự án điện gió khác ở Bình Thuận công suất 50 MW, vốn đầu tư 100 triệu euro, trên diện tích 650 héc ta. Các dự án này có đặc điểm chung là diện tích đất làm dự án có khoáng sản titan, nên còn bị “vướng”, chưa thể triển khai được.
Theo Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, cả nước hiện có khoảng 20 dự án điện gió đã được cấp phép hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị. Nhiều công ty đã lập ra các công ty con chuyên đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Quỹ đầu tư Dragon Capital cũng đã cho ra đời một quỹ chuyên đầu tư lĩnh vực năng lượng sạch với số vốn giai đoạn 1 là 45 triệu đô la Mỹ.
Một chuyên gia của Dragon Capital cho biết: hiện nay, dù thuế nhập khẩu thiết bị điện gió bằng không, nhưng hầu hết những thiết bị này đều nhập từ châu Âu, giá khá cao. Vì thế, mức giá bán điện được các doanh nghiệp đưa ra khoảng 8 cent/kWh, có nơi giá 12-13 cent/kWh, trong khi giá bán điện bình quân của hệ thống hiện nay là 5,3 cent/kWh.
Dự án điện gió tại tỉnh Ninh Thuận
Giá cao, nhưng tại sao các nhà đầu tư vẫn quyết tâm thực hiện dự án khi mà cơ chế và lợi ích chưa rõ ràng như vậy? Theo trưởng phòng dự án của một doanh nghiệp ở Hà Nội, họ “vừa làm vừa ngóng cơ chế”. Nhiều doanh nghiệp cho rằng với những dự án điện gió, họ có thể tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi của nước ngoài, và có thêm nguồn thu từ việc bán chứng chỉ phát thải. Tuy nhiên, giới thạo tin cho rằng với diện tích đất rất lớn, các doanh nghiệp luôn có các “dự án” trong dự án.
Dễ nhận thấy các dự án điện gió có suất đầu tư cao, chiếm diện tích lớn, nên giới doanh nghiệp thường kết hợp với các dự án nuôi trồng thủy sản hay du lịch sinh thái. Nhưng đằng sau các dự án công khai đó là những hiểu ngầm mặc định của việc khai thác khoáng sản mà nhiều chuyên gia cho rằng còn lợi hơn nhiều hơn so với đầu tư điện gió. Chính vì thế mà doanh nghiệp thường chọn những nơi có tiềm năng về gió và có nhiều khoáng sản.
Cũng vì thế, theo một chuyên gia, đã có những xung đột lợi ích giữa địa phương muốn phát triển điện gió với Bộ Tài nguyên và Môi trường khiến cho các dự án vẫn còn giẫm chân tại chỗ.
Các nhà máy điện gió chỉ đang ở giai đoạn chuẩn bị, trong khi đó đã xuất hiện nhiều trạm điện gió công suất nhỏ, dưới 1 kWh, và số lượng các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này cũng đã lên tới hàng chục. Trên cả nước hiện đã có hơn 100 công ty kinh doanh các thiết bị về năng lượng tái tạo. Đây là một tốc độ phát triển khá nhanh, nhưng xét về quy mô thì chưa lớn.
Theo các chuyên gia, hiện hàng chục công ty lớn của nước
ngoài đang chuẩn bị khảo sát, đánh giá, phân tích, và sẵn sàng nhảy vào lĩnh
vực này khi Nhà nước có một chính sách cởi mở hơn.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang soạn thảo nghị định về năng lượng tái tạo và dự kiến sẽ được nâng lên thành luật, sau khi tách ra khỏi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với hy vọng sẽ mở ra một khung pháp lý đầy đủ cho việc phát triển ngành năng lượng sạch.
Trước mắt, khoảng cuối năm nay, phương án về mức giá bán điện gió, sau bao lần tranh luận, sẽ được trình Chính phủ ban hành, có thể đạt 8 cent/kWh. Ông Nguyễn Đình Hiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, cho biết Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ ngành để tìm nguồn hỗ trợ nhằm cân đối và thu hẹp khoảng cách chênh lệch về giá để có thể phát triển được điện gió cũng như các loại năng lượng tái tạo khác.
Phi Tuấn – Thời báo kinh tế Sài Gòn