Monday, 18/11/2024 | 21:53 GMT+7
Tốc độ tiêu thụ điện năng của Việt Nam có xu hướng tăng gấp
đôi tốc độ tăng trưởng GDP. Nguồn cung sản xuất từ thủy điện và nhiệt điện
không đáp ứng đủ đang tạo áp lực cho ngành điện VN cần có chiến lược phát triển
dài hạn, trong đó năng lượng tái tạo là sự lựa chọn đúng đắn.
Đặc điểm nổi bật của ngành điện VN là tính độc quyền cao với Tập đoàn Điện lực
(EVN) là người mua và bán điện duy nhất tới tay người tiêu dùng. Ngành điện bao
gồm 4 khâu là: đầu tư, phát điện, truyền tải và phân phối thì EVN gần như độc
quyền trong khâu truyền tải và phân phối. Một phần ảnh hưởng của việc giữ giá
điện thấp khiến cầu tiêu thụ ngày càng tăng mạnh, tình trạng cầu vượt quá cung
luôn xảy ra trong nhiều năm.
Những tồn tại
Trong khi đó, hiện nay, nguồn cung sản xuất điện chủ yếu là thủy điện và nhiệt
điện. Thủy điện luôn bị chi phối bởi yếu tố thiên nhiên đầy bất thường. Ví dụ,
cuối tháng 9/2010, các nhà máy thủy điện gặp khó khăn lớn khi khô hạn chưa từng
thấy trong vòng 100 năm qua. Tổng lượng nước về các hồ thủy điện cả nước đã hụt
33,3 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm, tương ứng sản lượng thủy điện thiếu hụt
khoảng 5,94 tỷ kWh. Nhưng vào thời điểm giữa tháng 10, trận bão lịch sử đổ bộ
vào miền Trung đã khiến gần như cả khu vực ngập trong nước. Tuy nhiên, mực nước
tại các hồ thủy điện Bắc, Nam đều thấp hơn năm 2009 và trung bình nhiều năm
khác.
Nhiệt điện lại gặp khó khăn với việc nguồn nhiên liệu sản xuất như than sắp cạn kiệt, giá thành tăng tạo ra áp lực tăng giá điện. Tập đoàn Than-Khoáng sản VN, đơn vị duy nhất được phép khai thác than VN đã đề nghị tăng giá than theo lộ trình 2 bước trong năm 2010. Mặt khác, sản lượng than khai thác cũng đang dần cạn kiệt và dự kiến sẽ nhập khẩu than từ năm 2012. Với việc giá than nhập khẩu hiện đắt hơn khoảng 50% giá than trong nước, trong tương lai, chi phí sản xuất điện từ than sẽ tăng lên rất nhiều và khả năng áp đặt giá là rất lớn. Bên cạnh đó, vốn ít, công nghệ chưa thực sự phát triển cũng là những vấn đề tồn tại của ngành điện hiện nay.
Cơ hội đầu tư
Nhu cầu sử dụng điện tại VN là rất lớn kể cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài
hạn. Theo tính toán của EVN, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế với tốc độ
tăng trưởng từ 7,5 - 8% và thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 VN cơ bản trở
thành một nước công nghiệp thì trong 20 năm tới nhu cầu điện sẽ phải tăng từ 15
- 17% mỗi năm. Do đó, phương án đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo như gió và
mặt trời tỏ ra có hiệu quả đối với một quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi về
địa lý như VN.
Năng lượng tái tạo như gió và mặt trời được đánh giá là thân thiện nhất với môi
trường và ít gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội. Trong khi xây dựng nhà máy thủy
điện yêu cầu diện tích lớn, di dời dân cư, gây mất các vùng đất canh tác truyền
thống; nhà máy nhiệt điện luôn là thủ phạm ô nhiễm môi trường nặng nề, nguồn
nhiêu liệu kém ổn định và giá ngày một tăng cao; nhà máy điện hạt nhân có nguy
cơ ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của người dân xung quanh nhà máy do rỏ rỉ hạt
nhân thì năng lượng gió và mặt trời lại tốt cho môi trường và có khả năng tái
tạo, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng thấp, an toàn cho người sử dụng.
Thuận lợi đầu tiên phải kể đến khi phát triển nguồn năng lượng sạch tại VN là
một ví trí địa lý thuận lợi so với các quốc gia khác trong khu vực. Theo báo
cáo của Ngân hàng Thế giới WB, vùng có tiềm năng gió tốt chiếm khoảng hơn 8,6%
diện tích lãnh thổ để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn. Trong khi đó, số liệu
này ở Campuchia là 0,2%, Thái Lan 0,2%, Lào là 2,9%. Nếu xét tiêu chuẩn để xây
dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ phát triển kinh tế ở những khu vực khó
khăn thì VN có đến 41% diện tích nông thôn.
Bên cạnh đó, khung chính sách về phát triển năng lượng đã hình thành. Luật Bảo
vệ môi trường 2005, Điều 33 quy định Chính phủ xây dựng, thực hiện chiến lược
phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm tăng cường năng lượng quốc
gia, đồng thời hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực khai thác và sử dụng năng
lượng tái tạo, lồng ghép chương trình phát triển năng lượng tái tạo với các
chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác. Ngoài Luật Bảo vệ môi trường,
Luật Điện lực 2004 cũng có quy định khuyến khích việc khai thác sử dụng các
nguồn năng lượng tái tạo để phát điện. Về Chiến lược phát triển năng lượng quốc
gia của VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1855/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2007, một điểm quan trọng là phát triển đồng bộ
và hợp lý hệ thống năng lượng bao gồm điện, dầu, khí, than năng lượng mới và
tái tạo; trong đó quan tâm phát triển năng lượng sạch, năng lượng mới và tái
tạo.
Với tiềm năng và cơ chế ngày càng thuận lợi, phát triển khai thác điện từ những
nguồn năng lượng tái tạo sẽ là cơ hội đầu tư cho những nhà đầu tư chuyên
nghiệp.
Theo Stockbiz.vn