Friday, 03/01/2025 | 00:31 GMT+7
Chúng tôi cập đảo Côlin – một trong những đảo chìm của quần đảo Trường Sa lúc gần 7h sáng trong ánh nắng chan hòa trên đảo. Xung quanh đảo, hệ thống điện sử dụng năng lượng mặt trời đã được lắp đặt xong. Ngoài ra, một trụ quạt gió cũng được dựng, chạy vù vù. Hai hệ thống đã tận dụng được nguồn năng lượng tự nhiên thành điện thay thế cho chạy dầu máy trước đây.
Hệ thống điện sử dụng năng lượng mặt trời trên đảo Côlin vừa được lắp đặt xong
Tại Song Tử Tây - một trong những đảo rộng thuộc quần đảo
Trường Sa cũng đã có 21 trụ quạt gió và 482 tấm pin năng lượng với điện năng tự
cung cấp và tiêu thụ trung bình mỗi tháng là 6.011Kwh.
Đảo Côlin hay Song Tử Tây chỉ là hai trong 33 điểm đảo của
quần đảo Trường Sa được lắp đặt và vận hành hệ thống này trong năm 2010.
75 chuyến tàu hàng trong 30 ngày cuối năm 2009 của các doanh nghiệp trong cả nước dành tặng cho Trường Sa đã chở các thiết bị để lắp đặt hệ thống điện cho các đảo.
Tại đảo Nam Yết, Trung tá Trực chỉ huy Bùi Đình Dương cho hay, từ tháng 3/2010, đảo Nam Yết đã lắp đặt xong hệ thống điện đảm bảo nguồn năng lượng sinh hoạt cho cán bộ chiến sĩ trên đảo.
Hệ thống này hoạt động tự động từ 5h30 sáng tới 6h tối, riêng điện gió, sẽ tự động ngừng quay khi hệ thống đã nạp đủ điện cho ác quy. “Chúng tôi đã tiết kiệm được năng lượng khi dùng nguồn điện mới này, đảm bảo sinh hoạt điện cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Hàng loạt chiến sỹ cũng đã được huấn luyện qua về kỹ thuật, bảo dưỡng hệ thống” – Trung tá Dương nói.
Cán bộ chiến sĩ trên đảo Nam Yết đều được huấn luyện qua về kỹ thuật, bảo dưỡng hệ thống
Được biết, trước đây, mỗi ngày theo quy định, đảo chỉ được phát điện vào hai tiếng buổi tối, chạy bằng dầu. Giờ điện không chỉ được phát 24/24h mà các trang thiết bị cần thiết cho cuộc sống cũng đã được sử dụng rộng rãi trên đảo như ti vi, tủ lạnh, quạt gió, điều hòa…
Từ ngày có nguồn điện tự sản xuất, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo đã thay đổi hẳn. Hệ thống này không chỉ mang lại điện “sạch” cho những hòn đảo mà còn mang lại một cảnh quan hiện đại, hấp dẫn.
“Lẫn dưới tán cây xanh là những cột trụ gió, cụm đèn đường khiến đảo trở lên đẹp lung linh như thành phố. Mà thành phố có khi còn mất điện chứ ngoài này hiếm khi mất lắm” – Trung tá Dương cười nói.
Giới thiệu cho chúng tôi hệ thống điện trên đảo, Thiếu úy Đinh Xuân Hưng chiến sĩ trên đảo Côlin, Lữ đoàn 146, Hải quân vùng 4 tâm sự, cuộc sống của lính đảo xa giờ đây đã trở nên thân thuộc như trong đất liền nhờ có nguồn điện mặt trời và gió. “Ban đêm nhìn nhiều hòn đảo của Trường Sa lung linh không khác gì thành phố đấy” – Hưng tự hào.
Cũng từ ngày có điện, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại đảo
rôm rả hơn hẳn bởi có điện để chạy nhạc, thông tin thông suốt; việc học tập,
sinh hoạt, huấn luyện, chiến đấu của các chiến sỹ cũng thuận tiện hơn.
Dưới mỗi bảng điện luôn có yêu cầu tiết kiệm điện được dán ngay ngắn
Giữa biển khơi, nắng gió trở thành “đặc sản” của Trường Sa nhưng không phải vì thế mà không tiết kiệm điện. Dưới mỗi bảng điện, những yêu cầu thực hiện tiết kiệm điện được dán ngay ngắn.
“Cần phải tiết kiệm điện vì hệ thống điện nạp vào ác quy, nếu không, đang nấu cơm có thể hết điện. Cũng có thời điểm trên đảo mưa sẽ không có đủ năng lượng điện cho đảo” – Thiếu úy Đinh Xuân Hưng, chiến sĩ trên đảo Côlin, Lữ đoàn 146, Hải quân vùng 4 cho hay.
Ý thức được tầm quan trọng của hệ thống điện nhưng các đảo được yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm. Hiện trên các đảo đã sử dụng bóng điện compact, điện được yêu cầu chỉ sử dụng cho mục tiêu sinh hoạt. Ban ngày, không phòng nào được bật các thiết bị điện. Đặc biệt cấm không được sử dụng các phương tiện như siêu nước điện, nồi cơm điện…
“Ở đây, điện được nạp vào các ác quy, nếu sử dụng các thiết bị có công suất lớn sẽ ảnh hưởng tới ác quy. Chưa kể, các thiết bị đầu tư có giá trị tiền rất lớn nên cần tiết kiệm” – Trung tá Dương nói.
Theo toquoc.gov.vn