Monday, 20/01/2025 | 18:59 GMT+7

Mô hình xã tiết kiệm điện

14/04/2011

Xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội)đã xây dựng thành công mô hình tiết kiệm điện, với hơn 80% số hộ áp dụng biện pháp sử dụng điện hợp lý.Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng và hộ gia đình tại vùng ven đô” đã được GEF tài trợ 80% vốn.

Trong bối cảnh giá điện tăng cao như hiện nay, một xã ngoại thành Hà Nội đã xây dựng thành công mô hình tiết kiệm điện, với hơn 80% số hộ áp dụng biện pháp sử dụng điện hợp lý.


Xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) có 7 thôn, với gần 2.000 hộ, hơn 9.000 khẩu. Do đặc trưng có nghề thủ công mây tre đan xuất khẩu, đồ mộc dân dụng, thương mại... nên nhu cầu sử dụng điện cao. Những năm trước, cả xã có tới 70% sử dụng bóng đèn dây tóc, 30% dùng đèn ống huỳnh quang loại 0,60m, nhận thức và hiểu biết của người dân về sử dụng năng lượng điện còn hạn chế, việc sử dụng điện cho chiếu sáng còn chưa hợp lý và kém hiệu quả.


xatk.jpg


Trước thực tế trên, lãnh đạo xã Ninh Sở đã đưa ra ý tưởng tiết kiệm điện, xây dựng mô hình trình diễn ở các nơi thu hút nhiều người như UBND xã, nhà thờ, trạm xá, trường học...


Theo ông Lê Khắc Thành – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sở, ý tưởng được thai nghén từ năm 2008 và năm 2009 xây dựng dự án. Người có công lớn trong việc xây dựng và thực hiện dự án là TS. Nguyễn Văn Khải, cố vấn kỹ thuật về kỹ thuật chiếu sáng và xử lý môi trường của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).


Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng và hộ gia đình tại vùng ven đô” đã được GEF tài trợ 80% số vốn, vốn đối ứng của xã là 20%. Tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 1 tỷ đồng.


Thay đổi thói quen sử dụng điện


Theo ông Thành, mục tiêu của dự án là góp phần giảm phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng và hộ gia đình. Mô hình trình diễn được triển khai tại trụ sở UBND xã, các đường liên thôn và ngõ xóm, 16 phòng học của trường tiểu học và THCS, trạm xá, nhà thờ và 100 hộ dân.


Qua các lớp tập huấn và buổi nói chuyện do TS. Nguyễn Văn Khải thuyết trình, hướng dẫn, hầu hết cán bộ xã, thôn, nhân viên kỹ thuật điện, thầy cô giáo, học sinh và các gia đình tham gia dự án đều hiểu biết về kỹ thuật chọn lựa, sử dụng, bảo dưỡng bóng đèn và thiết bị điện; biến đổi khí hậu toàn cầu, các chương trình của Chính phủ về tiết kiệm điện...


Các điểm trình diễn đều được thiết kế và thay thế, lắp đặt bóng đèn và thiết bị điện phù hợp như đèn tuýp T8, đèn compact, đèn LED, chấn lưu điện tử, chao đèn, dây dẫn, cột điện... Kết quả từ các mô hình cho thấy, lượng điện tiêu thụ tại đường liên thôn, ngõ xóm đều giảm. Các hộ dân cũng thấy hiệu quả từ mô hình này sau khi thay thế bóng đèn dây tóc loại 60W bằng đèn T8-36W và đèn compact 20W.


So sánh trước và sau khi thay thế bóng đèn đã tiết kiệm được 50% lượng điện tiêu thụ. Tại UBND xã Ninh Sở, trạm xá, nhà thờ được lắp đặt các đèn tiết kiệm điện năng như đèn tuýp T8, đèn compact, đèn khẩn cấp, pin mặt trời. Việc áp dụng pin mặt trời giúp cho cán bộ xã, nhân viên y tế, người dân giải quyết được các công việc khi mất điện.


Đây cũng là xã đầu tiên áp dụng loại đèn tiết kiệm năng lượng này. Mô hình trình diễn đã góp phần giảm lượng thải khí CO2, giảm chi phí tiền điện cho các hộ dân...


Theo đại diện xã Ninh Sở, sở dĩ dự án thành công là nhờ bà con được mắt thấy, tai nghe, các mô hình trình diễn được lắp đặt ở những nơi đông người. Đến nay, mặc dù chưa hết giai đoạn I của dự án, cả xã đã có trên 80% số hộ sử dụng triệt để bóng đèn compact, T8, còn hầu như không dùng các loại bóng đèn dây tóc, đèn tuýp T10, chấn lưu sắt từ. Mức tiêu thụ điện giảm rõ rệt ở những gia đình có nhiều phòng hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung bình giảm từ 25-30% sản lượng điện so với trước đây.


Theo Tienphong.vn