Monday, 25/11/2024 | 17:35 GMT+7

“Hiểu biết năng lượng để sống tốt”

17/08/2011

Anh Araishi Shoji đến từ Nhật đã có nhiều chia sẻ thú vị trong cuộc giao lưu “Giáo dục tiết kiệm điện ở Nhật và Việt Nam”, do báo Tuổi Trẻ và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM tổ chức hôm 2-8.

Anh Araishi Shoji đến từ Nhật đã chia sẻ như vậy trong cuộc giao lưu “Giáo dục tiết kiệm điện ở Nhật và Việt Nam”, do báo Tuổi Trẻ và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM tổ chức hôm 2-8.

 e07e84cd2_tkd.jpg

Học sinh Trường Ngôi Sao thuyết trình về công việc đo đếm cây xanh trong trường

Cuộc giao lưu có sự tham gia của các chuyên gia môi trường Nhật Bản và Việt Nam cùng một số học sinh đến từ các trường tiểu học và trung học cơ sở ở TP.HCM.

Câu chuyện của nước Nhật sau thảm họa sóng thần

Rất sinh động, với những hình ảnh nhiều màu sắc, anh Shoji kể lại các câu chuyện học từ thuở nhỏ ở Nhật của mình. Anh nói: “Năm nay tôi 29 tuổi là 29 năm tôi nghe và thực hành những chuyện liên quan đến năng lượng”.

Một bảng so sánh được anh lập ra để so sánh chuyện thời ông cha mình với bây giờ: ngày trước giặt đồ bằng tay (nay bằng máy), ngày trước bàn ủi bằng than (nay bằng điện), ngày trước giữ thực phẩm bằng cách ướp đá (nay có tủ lạnh)... Nghĩa là con người ngày càng dùng điện nhiều hơn xưa.

Anh đưa ra con số so với năm 1972, năm 2003 lượng điện mà Nhật Bản sử dụng tăng tới bốn lần.

Anh quay lại với bài học ngày nhỏ của mình: Những chuyện ai cũng có thể làm là tắt điều hòa, dùng màn che nắng, trồng cây để mát nhà; thay vì bật tối đa công suất tủ lạnh thì đưa về mức trung bình, lúc ngủ tắt tivi, rút dây điện... Và người Nhật nhắc nhau đừng quên những việc ngày bé đó, coi chừng rơi vào những tiện nghi ngày càng nhiều xung quanh cuộc sống con người.

Nói đến chuyện này, chị Katayama Emiko (Tổ chức BAJ), chị Ashida Aki (giám đốc giáo dục chiến lược môi trường của Tập đoàn Lixil) kể với hội thảo những chuyện hiện ở Nhật đang phát động như không mặc veston, không đeo cà vạt khi đến công sở, để bớt dùng điện mùa nóng. Hay hiện nay các gia đình ở Nhật thay vì hẹn giờ để nồi cơm điện tự nấu thì nhắc nhau hẹn đồng hồ báo thức dậy nấu cơm, đỡ tốn điện cho đèn chờ.

Tất cả những cuộc vận động này được Nhật Bản đặt ra một cách nghiêm túc hơn, khẩn thiết hơn kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần. Cả chị Emiko, chị Ashida và chị Kumazaki Chiemi đều cho biết: dùng đồ điện nhiều để cuộc sống tiện lợi hơn đã khiến nước Nhật bị... quen. Sau động đất bị cúp điện, cuộc sống ở Nhật như dừng lại: không biết nấu cơm bằng than củi, không biết giặt đồ bằng tay...

Anh Shoji đến với buổi giao lưu theo đúng phong cách một người Nhật trẻ hiện nay sau thảm họa sóng thần: không áo vest, không cà vạt, áo không ủi để tiết kiệm điện - Ảnh: T.Đạm

“Học mà chơi, chơi mà học”

Liên quan đến giáo dục về tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam, chị Đặng Thị Luận - phụ trách truyền thông Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM - giới thiệu những chương trình “học mà chơi, chơi mà học” do trung tâm triển khai. Đó là những cuộc vẽ tranh, kể chuyện, viết lá thư xanh, câu chuyện dưới cờ liên quan đến tiết kiệm năng lượng dành cho học sinh các trường ở thành phố.

Các bạn học sinh đến buổi giao lưu rất thích hai truyện tranh mà chị Luận mang đến tặng mỗi bạn là Bo học tiết kiệm điện và Trái đất ngập lụt. Thông điệp của các nhân vật hoạt hình: Bo, Hugo, Mamaua, Sib, Alex... trong truyện tranh là “hãy cứu lấy đảo quốc Tuvalu và những đảo quốc khác đang chìm dần”, “chúng mình hãy hành động đi!”.
”Thành phố trong mơ”

Phía các bạn nhỏ Việt Nam, các em của nhóm Bajiko và Trường Ngôi Sao (Q.Bình Tân) cũng đã tạo ấn tượng với những người bạn Nhật bằng một cuộc “triển lãm” thú vị với 150 bức tranh dán trên giấy báo mang chủ đề Thành phố trong mơ. Các bức tranh vẽ về điện, nước, thành phố, siêu thị, cửa hàng..., những nơi sử dụng điện nhiều đã được các bạn nhỏ thể hiện một cách sinh động.

Có một số bức tranh mà người lớn không thể nào hiểu nổi tại sao các em vẽ những con bò đang gặm cỏ ở VN, bên cạnh đó là những tủ lạnh đựng thịt bò trong siêu thị - những hình vẽ đó có liên quan gì đến tiết kiệm điện?

Các em giải thích: Thịt bò trong siêu thị phải đi máy bay từ Úc, Mỹ... về đến Việt Nam rất tốn nhiên liệu; rồi sau đó phải trữ lạnh trong tủ đông làm hao điện. Nếu chúng ta chỉ ăn thịt bò Việt Nam nuôi trên đồng cỏ Việt Nam thì thế giới sẽ không tốn nhiều năng lượng cho chuyện ăn thịt bò!

 À ra thế, thật là thú vị khi biết rằng tác giả của câu chuyện này chỉ là những thiếu nhi 8-9 tuổi. Điều đó thật đáng cho người lớn suy nghĩ.

Chiếu các clip trên màn hình, nhóm học sinh Trường Ngôi Sao nói về việc trồng khoai lang ở trường và việc tìm hiểu gân lá, phân bố cây lá trong sân trường. Toàn bộ “bài khoa học” đó, theo các bạn là để học sinh ở trường hiểu biết lợi ích của cây xanh, làm mát môi trường, bớt dùng điện.

Cùng chia sẻ với các em nhỏ, anh Shoji nói: “Hiểu biết năng lượng để sống tốt, chứ không phải để thu hẹp cuộc sống, nghĩa là tiết kiệm nhưng đừng ham tiết kiệm quá nhu cầu, ảnh hưởng đến sức khỏe”. Một học sinh thắc mắc thì được giải thích đừng tiết kiệm theo kiểu học bài trong ánh sáng điện không đủ khiến phải đeo kính cận, đó là chưa hiểu biết năng lượng.

Theo Tuổi Trẻ