Saturday, 23/11/2024 | 04:25 GMT+7

Hàn Quốc vận hành nhà máy điện thủy triều đầu tiên

26/10/2011

Khi nhà máy điện thủy triều Sihwa được vận hành hết công suất, có thể sẽ giúp giảm bớt 862 nghìn thùng dầu nhập khẩu, đồng thời giảm 315 nghìn tấn CO2 phát thải hằng năm.

Với những ưu điểm như giá thành thấp, không gây hại cho môi trường, các nguồn năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, gió, đặc biệt là sản xuất điện từ năng lượng thủy triều được xem là một nguồn năng lượng thay thế hữu ích, đang được nhiều nước chú trọng phát triển.

834233243_han_quoc.jpg

Nhà máy điện thủy triều Sihwa  (Hàn Quốc) bắt đầu được đưa vào vận hành cuối tháng 8 vừa qua. Nhà máy được xây trên một khu đất rộng 140 nghìn mét vuông, với 10 động cơ tua-bin 25,4 MW và 8 cửa cống đã được lắp đặt ở phần dưới của nhà máy điện cao 15 tầng. Đường kính của máy phát điện chạy bằng tua-bin lên tới 14m và chiều dài cánh quạt là 7,5m. Những máy phát điện chạy bằng tua-bin khổng lồ này sản xuất ra 254 nghìn kW điện một ngày và 552,7 triệu kW điện một năm, đưa sản lượng điện của nhà máy điện Sihwa vượt qua nhà máy điện La Răng-xơ của Pháp và trở thành nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới với hiệu suất năng lượng 544 triệu kW/năm. Lượng điện này đủ để cung cấp cho 500 nghìn hộ gia đình trong khu vực. Với dự án Sihwa, Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện  giai đoạn đầu của kế hoạch biến bờ biển phía Tây nước này thành vành đai nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới.

Sản xuất điện thủy triều hay năng lượng thủy triều là phương thức biến năng lượng của thủy triều thành điện năng hay các dạng năng lượng có ích khác. Để thu được năng lượng từ sóng, người ta sử dụng phương pháp dao động cột nước. Sóng đánh vào bờ biển, đẩy mực nước lên trong một phòng rộng được xây dựng bên trong dải đất ven bờ biển, một phần bị chìm dưới mặt nước biển. Khi nước dâng, không khí bên trong phòng bị đẩy ra theo một lỗ trống vào một tua-bin. Khi sóng rút đi, mực nước hạ xuống, bên trong phòng sẽ hút không khí đi qua tua-bin theo hướng ngược lại. Tua-bin xoay tròn làm quay một máy phát để sản xuất điện. Các tua-bin này có các cánh quay theo cùng một hướng, bất chấp hướng chuyển động của luồng khí. Nhưng hệ thống mới này cũng có những vấn đề của nó, các máy phát dính tới nước biển bị ăn mòn nhanh hơn nên chi phí bảo trì khá cao. Hơn nữa, máy móc đều có kích thước lớn cồng kềnh có thể cản trở giao thông đường thủy và đời sống hoang dã. Tuy nhiên theo tính toán của các chuyên gia, với giá thành sản xuất điện thủy triều là 0,1USD/kilowatt, cao hơn giá thủy điện và nhiệt điện và tương đương giá thành của động cơ điện sức gió. Tuy nhiên, không như sản xuất thủy điện, có thể bị gián đoạn do lũ lụt, thủy triều có thể cung cấp một nguồn năng lượng ổn định. Những giá trị này khiến cho việc sản xuất điện bằng thủy triều trở thành hình thức sản xuất điện thích hợp nhất cho tăng trưởng xanh.

Bờ biển Hàn Quốc đã từng ghi nhận sự khác biệt của thủy triều là 9m, nên quốc gia này có môi trường tự nhiên lý tưởng để sản xuất điện thủy triều. Lượng điện thủy triều tiềm năng ở Hàn Quốc được dự tính lên tới hơn 5 triệu kW. Khả năng to lớn này đã đưa việc sản xuất điện thủy triều của Hàn Quốc lên đầu danh sách những nguồn năng lượng mới. Khi nhà máy điện thủy triều Sihwa được vận hành hết công suất, có thể sẽ giúp giảm bớt 862 nghìn thùng dầu nhập khẩu, đồng thời giảm 315 nghìn tấn CO2 phát thải hằng năm.

Theo QĐND