Sunday, 19/01/2025 | 22:13 GMT+7

Công nghệ LED: triển vọng cho chiếu sáng Việt Nam

06/08/2012

Với ưu điểm tiết kiệm điện, công nghệ LED là một trong những hướng phát triển quan trọng trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng cho chiếu sáng của nhiều quốc gia.

Với ưu điểm tiết kiệm điện, sử dụng hiệu quả trong chiếu sáng nói chung và chiếu sáng chuyên dụng nói riêng và không gây ô nhiễm môi trường, công nghệ LED là một trong những hướng phát triển quan trọng trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng cho chiếu sáng của nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, công nghệ LED còn rất mới mẻ. Hiệu quả đã có nhưng cũng không ít tồn tại, thách thức cần phải giải quyết trước khi công nghệ này có thể thay thế phương pháp chiếu sáng truyền thống hiện nay.

d05c123ad_led_1.jpg
Đèn LED sử dụng hiệu quả trong việc kích thích sự sinh trưởng các loại cây trồng trong nuôi cấy mô


Hiệu quả cao

Theo GS.TS Phan Hồng Khôi, Giám đốc điều hành Dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam, ở Việt Nam, điện tiêu thụ cho chiếu sáng trên toàn quốc chiếm hơn 25% tổng lượng điện tiêu thụ. Việc sử dụng các thiết bị chiếu sáng truyền thống như đèn sợi đốt, đèn Halogen, đèn huỳnh quang compact (CFL) gây tiêu tốn năng lượng rất cao. Công nghệ chiếu sáng bằng LED đã và đang được các nước trên thế giới nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả, được đánh giá là công nghệ chiếu sáng của thế kỷ 21, một trong những hướng phát triển quan trọng trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng cho chiếu sáng của nhiều quốc gia. Công nghệ LED nổi trội hơn so với các nguồn sáng thông thường khác bởi hiệu suất phát quang cao, độ rọi tăng, tiết kiệm điện và không gây ô nhiễm môi trường.


Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ công bố mới đây, dự báo đến năm 2020 sản phẩm công nghệ LED chiếm trên 70% thị trường chiếu sáng nói chung trên toàn thế giới, doanh thu đạt gần 100 tỷ USD, trong đó châu Á chiếm 45%, châu Âu 25% và Bắc Mỹ 20%. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan đã hình thành và phát triển mạnh công nghiệp LED.

Hệ thống chiếu sáng công nghệ LED đang được lắp đạt thử nghiệm tại một số nơi như Tòa nhà Bộ Công thương, Viện KH&CN Việt Nam, một số tuyến đường tại TP.HCM…đều cho kết quả rất khả quan, hiệu suất phát quang liên tục tăng cao lên tới 150Lm/W, độ rọi tăng đến 60%, tiết kiệm điện 30-70% và tuổi thọ đạt từ 30-60 nghìn giờ, gấp 6 lần so với bóng đèn huỳnh quang compact và 60 lần so với bóng đèn sợi đốt.

Ngoài mục đích chiếu sáng chung, công nghệ LED còn sử dụng hiệu quả trong chiếu sáng chuyên dụng ở các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp như giảm chi phí nhiên liệu đánh bắt thủy sản, kích thích sự sinh trưởng cho tất cả các loại cây trồng trong nuôi cấy mô, sản xuất cây giống; điều khiển cây ra hoa; cải thiện rất đáng kể mật độ cây trồng; cải thiện chất lượng nông sản giúp tăng giá trị dinh dưỡng, giảm nồng độ nitrat đến 65% của rau quả, tạo ra các sản phẩm sạch, trái vụ có giá trị kinh tế cao…

Ông Trần Trọng Huệ, Phó Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam cho biết, đèn LED (Light Emiting Diode- điốt phát quang) sử dụng các điốt có khả năng phát ra ánh sáng hay tia hồng ngoại, tử ngoại, có nhiều màu sắc khác nhau, thay đổi đa dạng, tuổi thọ đèn cao, không sử dụng các vật liệu độc hại như chì, thủy ngân nên không gây ô nhiễm môi trường. “Mặc dù công nghệ LED cho chiếu sáng ở Việt Nam còn khá mới mẻ, hiện mới có khoảng 20 công ty sản xuất đèn chiếu sáng LED với công suất và thị trường chưa nhiều. Tuy nhiên, với các ưu điểm nổi bật, dễ tích hợp với các công nghệ điều khiển hiện đại và sử dụng phù hợp với các nguồn năng lượng tái tạo như pin mặt trời, phong điện nên tương lai không xa công nghệ LED hoàn toàn có khả năng thay thế được tất cả các loại đèn truyền thống khác” ông Huệ khẳng định.

Triển vọng lớn

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ứng dụng phát triển công nghệ chiếu sáng LED ở Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn và rào cản. GS Khôi cho rằng, Việt Nam còn thiếu thức, hiểu biết chưa đầy đủ về công nghệ chiếu sáng LED, thiếu trình độ chuyên môn trong việc xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống công nghệ chiếu sáng LED, thiếu sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, đánh giá chất lượng sản phẩm và các nhà sản xuất, cung cấp các sản phẩm chiếu sáng LED dẫn đến tình trạng sản xuất, lắp ráp đèn LED một cách tự phát; thiếu cơ sở khoa học và nền tảng công nghệ, vì vậy chất lượng sản xuất chưa đồng đều. Đặc biệt, chưa có chính sách cụ thể và hiệu quả cùng với các công cụ chính sách đi kèm nhằm khuyến khích việc phát triển và thực hiện công nghệ chiếu sáng LED ở Việt Nam.
bd17b2d5e_led_2.jpg
Một số loại đèn LED chiếu sáng trong nhà, chiếu sáng ngoài trời do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất

Ông Nguyễn Danh Hòa, Trưởng phòng Thử nghiệm điện- điện tử, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) thừa nhận, mặc dù đã có 3 bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho đèn LED nhưng chưa đủ để đánh giá một cách toàn diện về đèn LED. Bộ KH&CN cũng đang xây dựng thêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đèn LED để có thể ứng dụng rộng rãi cho chiếu sáng ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đại diện Bộ Công thương, ông Nguyễn Duy Hòa, Vụ KH&CN cho rằng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng cụ thể là phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm giai đoạn 2006-2015 và ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, Nhà nước tăng đầu tư, áp dụng đa dạng hình thức huy động các nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khuyến khích sử dụng phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng; từng bước loại bỏ các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp.

Ông Lê Trọng Đỉnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần Năng lượng xanh Kim Đỉnh, cho biết giá thành của công nghệ chiếu sáng LED còn quá cao so với các công nghệ chiếu sáng truyền thống khác cũng là một trong những rào cản chính đối với việc sử dụng rộng rãi công nghệ chiếu sáng led ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Đỉnh cũng khăng định, trong tương lai công nghệ LED sẽ phát triển cao, nếu được đầu tư sản xuất ở quy mô lớn và hạ thấp giá thành chắc chắn công nghệ LED sẽ thay thế các loại đèn chiếu sáng truyền thống hiện nay.

Theo số liệu năm 2006 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), điện tiêu thụ cho chiếu sáng trong năm 2005 toàn thế giới là hơn 3,4 TWh, chiếm khoảng 19% tổng lượng điện tiêu thụ, gấp 1,2 lần sản lượng điện hạt nhân toàn cầu. Để đáp ứng nhu cầu điện lớn như vậy, mỗi năm các nhà máy điện trên toàn thế giới đã thải ra 1,9 triệu tỷ tấn khí CO2 , lớn hơn 3 lần lượng khí CO2 do máy bay trên toàn thế giới thải ra, bằng 70% lượng khí CO2 do toàn bộ xe ô tô thải ra trong một năm.


Theo truyenthongkhoahoc.vn