Thursday, 14/11/2024 | 09:51 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng tại các trung tâm đào tạo lái xe

11/03/2013

Sử dụng hiệu quả năng lượng đang trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt khi tổn hao năng lượng cao và nước ta đang trở thành một nước nhập khẩu năng lượng.

Sử dụng hiệu quả năng lượng đang trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt khi tổn hao năng lượng cao và nước ta đang trở thành một nước nhập khẩu năng lượng. Trong đó, giao thông vận tải (GTVT) đang là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng lớn, vì vậy việc nghiên cứu và thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực này sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Năng lượng mặt trời ngày càng được quan tâm

Ở các quốc gia phát triển, việc tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong GTVT rất được chú trọng. Hiện nay Mỹ, Italia, Nhật Bản, Thái Lan... hiện là những nước đi đầu về các công nghệ TKNL trong GTVT với nhiều chính sách được thực hiện triệt để. Tại Nhật Bản có chương trình Top runner, được khởi động từ năm 1998 và được xem là hình mẫu cho việc áp đặt chỉ tiêu hiệu quả năng lượng cho các sản phẩm. Chương trình Top runner của Nhật Bản đặt mục tiêu hiệu suất năng lượng cho xe hơi và xe tải của họ khá cụ thể. Theo đó, hạn mức tối ưu cho xe hơi và xe tải nhẹ là trên 20km/lít xăng.

Còn ở Thái Lan đã thành lập Quỹ Hỗ trợ TKNL trên cơ sở đánh thuế 0,07 baht/lít nhiên liệu thu được khoảng 2,5 tỉ baht/năm và các công cụ thuế thu nhập trong nhóm ngành liên quan là tiền đề quan trọng giúp Thái Lan thực hiện nhiều chương trình TKNL hiệu quả. Trong số những biện pháp TKNL, việc ứng dụng năng lượng mặt trời (NLMT) vào chiếu sáng trong giao thông và các trung tâm sát hạch, đào tạo lái xe đang được chú trọng.

cf95bbadc_annl1.jpg

Chi phí dùng trong chiếu sáng tại các trung tâm sát hạch, đào tạo lái xe rất lớn

NLMT được con người biết đến từ rất sớm, nhưng ứng dụng NLMT vào công nghệ sản xuất và trên quy mô rộng chỉ thực sự diễn ra ở cuối thế kỷ XVIII. Ban đầu chủ yếu ở những nước có nguồn NLMT lớn, những vùng sa mạc. Từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới năm 1968 và năm 1973 năng lượng mặt trời càng được quan tâm đặc biệt.

Với lãnh thổ trải dài từ vĩ độ 23023’ Bắc đến 8027’ Bắc, Việt Nam nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời khá cao, rất có tiềm năng trong việc ứng dụng NLMT. Cơ sở dữ liệu về lượng ánh sáng trung bình của đài khí tượng NASA - thường được dùng trong tính toán, lắp đặt tấm điện mặt trời cho thấy: lượng ánh sáng mặt trời trung bình năm tại TP HCM là 5,20 kWh/ngày, Hà Nội là 4,3kWh/ngày, Đà Nẵng là 4,88kWh/ngày.

Với lượng ánh sáng như vậy, tại nhiều nơi và rất nhiều công trình điện chiếu sáng sử dụng NLMT đã lắp đặt thành công và sử dụng tốt như: hệ thống pin mặt trời hòa vào lưới điện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trạm pin mặt trời nối lưới lắp đặt trên mái nhà làm việc Bộ Công Thương, cột đèn NLMT kết hợp năng lượng gió đầu tiên được lắp đặt tại Ban Quản lý dự án Công nghệ cao Hòa Lạc, ứng dụng thí điểm đèn báo hiệu sử dụng NLMT, ứng dụng thí điểm hệ thống đèn đường sử dụng NLMT trên quốc lộ và sắp tới là dự án liên doanh với Công ty Methis Environmental (Vương quốc Bỉ) triển khai dự án ứng dụng NLMT công suất 2.5MWp tại cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD...

Tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo

Việt Nam là một quốc gia điển hình ở khu vực và trên thế giới về sử dụng xe môtô, xe gắn máy khi chiếm tới 95% tổng số xe cơ giới. Trong vòng 10 năm qua số lượng xe môtô, xe gắn máy đăng ký đã tăng khoảng 5 lần đạt 25.273.088 chiếc vào cuối năm 2008, khiến cho Việt Nam trở thành nước đứng thứ 3 trên thế giới về sử dụng xe môtô, xe gắn máy sau hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Do vậy, TKNL trong GTVT và đặc biệt tại các trung tâm sát hạch lái xe đang là vấn đề hết sức cấp thiết.

Cuối năm 2012, Chính phủ đã chính thức thông qua và phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015, một trong đó là nội dung thúc đẩy TKNL trong ngành GTVT. Trong nội dung này, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm “áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong GTVT nhằm TKNL, giảm phát thải chất ô nhiễm ra môi trường”; bên cạnh đó “triển khai ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế nhiên liệu truyền thống (CNG, LPG, LNG, nhiên liệu sinh học, năng lượng điện, năng lượng có tiềm năng khác) đối với phương tiện, thiết bị GTVT nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng”. Một trong những biện pháp TKNL hiệu quả là ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo - NLMT vào các hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe.

Đến nay cả nước có khoảng 460 cơ sở đào tạo lái xe môtô, gần 300 cơ sở đào tạo lái xe ôtô, hơn 80 trung tâm sát hạch lái xe, đáp ứng nhu cầu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của người dân theo hướng xã hội hóa, hiện đại và tiện lợi; tuy nhiên chi phí về điện chiếu sáng tại các mặt bằng trung tâm rất lớn. Với đặc điểm mặt bằng sân rộng, ít bị che khuất ánh sáng mặt trời, nên việc lắp đặt đèn chiếu sáng bằng NLMT vừa đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, vừa tiết kiệm.

Hầu hết các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đang sử dụng các đèn chiếu sáng sử dụng nguồn điện lưới với thời gian chiếu sáng dài để phục vụ thi, học lái xe và bảo đảm an ninh trên sân với ít nhất 10 cột đèn chiếu sáng. Vì vậy, chi phí về điện chiếu sáng tại các mặt bằng trung tâm thường rất lớn.

Theo đánh giá, sử dụng NLMT trong chiếu sáng sân sát hạch tuy chi phí đầu tư lắp đặt ban đầu khá lớn nhưng được bù lại bởi rất nhiều lợi ích như: chi phí tiền điện hằng tháng, chi phí cho lắp đặt hệ thống đồng hồ đo đếm điện giảm đáng kể; chi phí cho nhân lực đóng cắt điện giảm bớt do có hệ thống đóng cắt điện tự động; bảo đảm tính thẩm mỹ do không phải đi dây phức tạp; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi dùng nguồn điện 12V, trong khi nguồn điện lưới truyền thống cho điện áp rất cao (220-320V). Ngoài ra, nguồn điện từ NLMT dễ lắp đặt, vận hành, bảo trì hệ thống; các thiết bị năng lượng mặt trời có tuổi thọ cao hơn so với các thiết bị thông thường, ví dụ pin mặt trời có tuổi thọ trung bình từ 20 đến 25 năm và tăng hiệu quả sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.

Đơn cử như cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe Sơn Tây thuộc Trường cao đẳng Nghề GTVT Trung ương I với mặt bằng diện tích 5,2ha nằm ở phía tây thị xã Sơn Tây bên ngoài cánh đồng, không có nhà cao tầng che khuất, thời gian chiếu sáng từ 7 đến 8 giờ mỗi ngày rất thích hợp để lắp đặt thử nghiệm thiết bị chiếu sáng sử dụng NLMT. Dự án đã tiến hành lắp đặt thử nghiệm 5 cột đèn sử dụng NLMT tại trung tâm này nhằm đánh giá các hiệu quả về kinh tế - kỹ thuật khi sử dụng. Qua theo dõi, đánh giá kể từ khi lắp đặt đến nay các thiết bị vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo độ rọi theo thiết kế, ánh sáng trắng dịu đảm bảo cho các phương tiện hoạt động trong mặt bằng trung tâm cũng như phục vụ cho công tác bảo đảm an ninh ban đêm tại trung tâm.

Dự án được lắp đặt và sử dụng sẽ phát huy được hiệu quả kinh tế, hiệu quả đầu tư; môi trường và xã hội mở ra tiềm năng mới trong việc nội địa hóa các thiết bị của hệ thống và ứng dụng thành công tại các cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe trên cả nước cũng như chiếu sáng trên các tuyến đường quốc lộ nhằm đạt mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thúy Hằng