Friday, 13/09/2024 | 02:31 GMT+7

Giúp người nuôi tôm tiết kiệm năng lượng

25/04/2013

Sử dụng động cơ điện thay thế động cơ diesel tại vùng nuôi tôm Cao Triều.

Để giúp người nông dân ở Cao Triều (Quảng Công – Quảng Điền - Thừa Thiên – Huế) tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí trong nuôi tôm, Dự án “Tăng cường năng lực về lập kế hoạch năng lượng bền vững ở miền Trung” (CESEP) đã được triển khai với mục đích hỗ trợ người dân chuyển đổi từ động cơ chạy dầu diesel sang động cơ chạy điện.

d74bcb8b8_18.4.nangluong.jpg

Sử dụng động cơ điện thay thế động cơ diesel tại vùng nuôi tôm Cao Triều. 

So với các địa phương khác trong cả nước, Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm khá lớn và chiếm tỷ lệ cao. Đáng chú ý để phục vụ việc nuôi, chăm sóc tôm ở các hồ nuôi người dân chủ yếu sử dụng động cơ điện và tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn. Đơn cử vùng Cao Triều - vùng nuôi tôm bán thâm canh tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền - rộng 20 ha với 40 ao nuôi, trong số 34 hộ gia đình tham gia nuôi tôm sú, cá và cua nước lợ thì số hộ sử dụng động cơ diesel chiếm đến 81,5% , sử dụng động cơ điện chỉ chiếm 18,5%. Tổng tiêu thụ năng lượng của vùng Cao Triều năm 2012 là 17,5 tấn dầu quy đổi.

“Các hộ nuôi tôm sú là nhóm tiêu thụ điện lớn thứ 2 tại huyện Quảng Điền và nuôi tôm là một trong những ngành nghề chủ đạo của tỉnh. Vì vậy, làm thế nào để tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho các vùng nuôi tôm Cao Triều là một trong những vấn đề mà dự án CESEP quan tâm và mong muốn thực hiện nhằm giúp các hộ nuôi tôm giảm chi phí và bảo vệ môi trường”, bà Lê Kim Thái, tư vấn WWF Việt Nam cho biết:

Dự án “Tăng cường năng lực về lập kế hoạch năng lượng bền vững ở miền Trung” (CESEP) tại vùng nuôi tôm Cao Triều - xã Quảng Công được tài trợ kỹ thuật bởi tổ chức Carbon Trust (Anh Quốc) và được triển khai thực hiện bởi Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế và Quỹ Bảo vệ thiên nhiên (WWF Việt Nam).

Bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2012 đến tháng 3/2013, một số hộ gia đình tại Cao Triều đã được hỗ trợ chuyển đổi từ động cơ diesel sang động cơ chạy điện. Tính toán bước đầu cho thấy một động cơ điện chạy quạt sục khí có mức tiêu hao ít hơn 4,6 lần so với chi phí chạy bằng động cơ diesel với công năng tương tự (1,34 triệu đồng so với 6,25 triệu đồng), dù thời gian hoạt động của nó nhiều hơn 15% (500 giờ so với 432 giờ). Tương tự như vậy, một máy bơm nước chạy điện tiêu tốn chi phí cho điện ít hơn 6,72 lần so với một máy bơm diesel (0,36 triệu đồng so với 2,43 triệu đồng), dù thời gian hoạt động của nó nhiều hơn 72% (276 giờ so với 159,96 giờ).

Ông Nguyễn Ngọc Song (thôn 4 Cao Triều) chia sẻ: “Tôi làm nghề nuôi tôm được gần 10 năm, trước đây, các động cơ phục vụ nuôi tôm như động cơ sục khí hay máy bơm nước đều sử dụng dầu diesel. Thời gian gần đây, được sự giúp đỡ tư vấn của dự án, tôi chuyển sang sử dụng động cơ điện. Sau 6 tháng, dự kiến, với tình hình như hiện nay, sử dụng động cơ chạy hoàn toàn bằng điện sẽ giúp tiết kiệm được hơn tám triệu đồng/năm so với động cơ diesel cũ”.

Để có thể giảm tổng tiêu thụ năng lượng tại Cao Triều xuống khoảng 20% vào năm 2015, dự án sẽ tiếp tục lập kế hoạch và đưa ra các phương án hợp lý cũng như tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát nắm bắt tình hình nhằm nâng cao kết quả thực hiện. Được biết, dự án đang khẩn trương thành lập tổ dịch vụ năng lượng ở khu vực Cao Triều; Xây dựng kế hoạch chi tiết; Tập huấn tăng cường chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật và tổ dịch vụ; Tiếp tục thay thế các động cơ diesel ở các ao nuôi bằng các động cơ điện… Chi phí cho giai đoạn tiếp theo của dự án là 185 triệu đồng, và ước tính sẽ tiết kiệm 137,41 triệu đồng tiền điện/năm và tổng tiết kiệm năng lượng là 4,71 tấn dầu quy đổi.

Những lợi ích từ dự án đã thấy rõ, tuy nhiên, Cao Triều chỉ là thí điểm và kết quả đạt được quá nhỏ bé so với diện tích nuôi tôm rộng lớn của toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chính vì vây, ông Nguyễn Duy Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn thúc đẩy việc sử dụng năng lượng bền vững trong các hoạt động sản xuất trên toàn tỉnh. Nếu dự án thành công trong việc giúp người dân Cao Triều, xã Quảng Công sử dụng năng lượng hiệu quả và tạo nguồn thu nhập tốt thì sẽ xem xét để nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

Thúy Hằng


Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện