Saturday, 11/01/2025 | 13:20 GMT+7

Bài toán điện tái tạo

13/06/2013

Để phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển sang nghiên cứu và phát triển điện tái tạo như một xu hướng tất yếu.

Để phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển sang nghiên cứu và phát triển điện tái tạo như một xu hướng tất yếu.

259f02fd1_110613_nl_diengio1.jpg

Điện gió Việt Nam: cuộc chơi chỉ mới bắt đầu 
 
Kỳ 1: Nói hoài nhưng ... chờ mãi

Những thành công ban đầu của điện gió Việt Nam gần đây đã đánh dấu sự trở lại của điện tái tạo Việt Nam sau nhiều năm nằm yên trong hồ sơ dự án. Tuy nhiên, dường như sự bất cập trong giải pháp thực hiện khiến ngành điện tái tạo vẫn chỉ dừng ở hai chữ “tiềm năng”.

Trong khi đó, nhu cầu về năng lượng ngày càng cao và những khó khăn trong sản xuất thủy điện, nhiệt điện… khiến kinh tế khó phát triển bền vững. Bằng chứng là theo báo cáo “Môi trường kinh doanh 2012” của Ngân hàng Thế giới (WB), với lý do thất bại trong việc cải thiện hệ thống điện, Việt Nam đã tụt 8 bậc, xếp vị trí thứ 98/183 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời, chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý BCI năm 2011 đã giảm từ 70 xuống còn 53 điểm.

Khát năng lượng – bài toán nan giải

Tình hình an ninh năng lượng ngày càng trở nên nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thì năm 2010, tổng năng lượng thế giới đã sử dụng đạt mức 12.852 triệu tấn (quy ra dầu). Con số này được dự báo là hơn 16.000 triệu tấn năm 2030, tăng 50% so với năm 2005. Bộ Năng lượng Mỹ dự báo đến năm 2037, thế giới sẽ không còn đủ dầu mỏ và khí đốt.

Tại Việt Nam, năng lượng đã và đang trở thành vấn đề thách thức và là bài toán nan giải cho mọi hoạt động sản xuất, phát triển đất nước. Nghiên cứu cho thấy nhu cầu dùng điện mỗi năm tăng rất nhanh, tối thiểu là 12 – 13% – đạt mức gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP. Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), nhu cầu tiêu thụ điện năm 2020 sẽ tăng gấp 3,5 lần so với năm 2009. Còn Ngân hàng Nhà nước dự báo từ năm 2011 – 2015, trung bình mỗi năm nhu cầu dùng điện tăng 14%.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình tiếp tục được duy trì ở mức 7,1%/năm thì nhu cầu điện sản xuất của Việt Nam vào năm 2020 sẽ khoảng 200.000GWh, vào năm 2030 là 327.000GWh.

Trái với những con số ngày một “khủng” của nhu cầu sử dụng điện, con số sản lượng điện quốc gia những năm gần đây có xu hướng khiêm tốn hơn rất nhiều. Ước tính, nếu nỗ lực hết sức vào các ngành năng lượng truyền thống thì năm 2020, sản lượng điện cũng chỉ chạm (hoặc dưới) mốc 165.000GWh và 10 năm sau đó cũng chỉ chạm mức 208.000GWh.

Trước những khó khăn và sự chênh lệch cung – cầu như trên, không khó hình dung rằng Việt Nam sẽ phải nhập khẩu điện với giá thành gấp 2 – 3 lần giá điện nội địa để bù đắp lượng điện thiếu hụt (có thể lên tới 20 – 30% mỗi năm từ nay cho đến mấy mươi năm tới).

Đứng trước tiềm năng vô tận

Nếu so với năng lượng hóa thạch thì năng lượng tái tạo vẫn là nguồn năng lượng vô tận xét về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sự vô tận được thể hiện ở khả năng cung cấp nguồn năng lượng tiềm năng dồi dào, không hữu hạn về số lượng như điện than, thậm chí thủy điện.

Hiện nay, việc xây dựng nhà máy điện tại Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu về điện một cách ổn định và dài hạn khi hết năm 2010, tổng lượng nước thiếu để tích đầy các hồ thủy điện là 12 tỷ m3 (khoảng 3 tỷ kWh). Bằng chứng gần nhất là từ đầu năm 2013 đến nay, không ít địa phương “điêu đứng” vì tình trạng khô hạn, thiếu nước canh tác và sinh hoạt. Đồng thời, sản lượng thủy điện sụt giảm do các con sông thiếu nước.

Trong khi đó, nếu xét ở góc độ thế mạnh tự nhiên, Việt Nam là quốc gia thuộc khu vực cận nhiệt đới gió mùa, được thiên nhiên ban tặng những điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Nguồn gió ở Việt Nam được xem là rất dồi dào khi Việt Nam sở hữu bờ biển rất dài. WB khi khảo sát chi tiết về năng lượng gió cũng thừa nhận Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước tính lên đến 513.360MW (tức bằng hơn 200 lần công suất thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020!).

Mặt khác, Việt Nam cũng được xem là quốc gia có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt ở các vùng miền Trung và miền Nam có số ngày nắng trung bình khoảng 300 ngày/năm, cung cấp cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5 kWh/m2. Theo tính toán thì Việt Nam mới chỉ khai thác được 25% nguồn năng lượng tái tạo và còn lại 75% vẫn chưa được khai thác.

Cần một chiến lược dài hơi

Theo ông Vũ Thành Tự Anh – Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và ông Đàm Quang Minh – ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội thì năng lượng tái tạo có vai trò như một cứu cánh quan trọng không chỉ cho giai đoạn khó khăn trước mắt mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành năng lượng Việt Nam trong dài hạn.

Tuy nhiên, tính “vô tận” cần được lưu ý nhất hiện nay của điện tái tạo chính là “không ai khai thác”. Tính đến nay, nhiều chuyên gia nhận định: “Điện gió Việt Nam: cuộc chơi chỉ mới bắt đầu”. Đó là chưa nhắc đến “cuộc chơi” điện mặt trời dường như đã chìm vào quên lãng sau khi Tập đoàn Năng lượng First Solar (Mỹ) tuyên bố rút đầu tư dự án pin mặt trời 1,2 tỷ USD tại Việt Nam hồi năm ngoái.

Nhìn sang Đan Mạch – cường quốc số 1 thế giới về điện gió, không ai không thán phục khi chứng kiến sự phát triển vượt bậc về điện gió của nước này. Họ đã bỏ ra 40 năm nghiên cứu kiến thức tua-bin gió, 20 năm tích lũy kinh nghiệm năng lượng gió, toàn cầu hóa và hoàn thành chuỗi giá trị năng lượng gió, thường xuyên giám sát, kiểm tra toàn diện cơ sở máy móc thiết bị… Từ đó có thể nói, dù cuộc chơi đã bắt đầu nhưng để duy trì và phát triển điện tái tạo, đòi hỏi Việt Nam phải có những chiến lược mang tính dài hơi.

Việt Nam ưu tiên phát triển kinh tế xanh

Theo Windpowermonthly.com (chuyên trang năng lượng gió của Mỹ, được TTXVN trích dẫn), năm 2000, quá trình sản xuất điện năng từ nhiên liệu hóa thạch đã thải ra 9,1 tỷ m3 khí CO2. Gần 10 năm sau, con số này tăng 1,3 lần, tức đạt mức 11,8 tỷ m3. Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo sự quan ngại khi lượng khí CO2 trên toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 30,6 Gt trong năm 2010 (với 44% lượng khí thải từ than đá, 36% từ dầu mỏ và 20% từ khí đốt tự nhiên); năm 2011 tiếp tục tăng lên 3,2% . IEA còn khẳng định CO2 từ sản xuất điện là nguyên nhân chủ chốt khiến nhiệt độ Trái đất có thể tăng hơn 2 độ C vào năm 2035.

Thế nên, việc áp dụng điện tái tạo mà gần nhất là điện gió và điện mặt trời sẽ đảm bảo được yếu tố “xanh” trong quá trình phát triển kinh tế. Thực tế hiện nay cho thấy kinh tế xanh được xem là thiết yếu và chủ điểm, được nhiều quốc gia phát triển trên thế giới nghiên cứu và xây dựng.

Trong kế hoạch phát triển năng lượng của Bộ Công Thương Việt Nam, năng lượng các-bon được giảm thấp và đặc biệt, năng lượng tái tạo được đưa vào danh sách ưu tiên. Một trong những lợi thế lớn nhất của năng lượng tái tạo là chúng có thể đáp ứng 47% chỉ tiêu giảm khí thải CO2 vào năm 2035.

Năm 2020, Việt Nam có điện nguyên tử

Để hướng tới nguồn năng lượng mới thay thế cho năng lượng hóa thạch cùng thủy điện đang gặp khó khăn, ngày 03/01/2006, Thủ tướng đã phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tới năm 2020”.

Theo dự báo của Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia thì vào năm 2020, nếu theo đúng tiến độ thì công suất điện hạt nhân sẽ đạt mức 2.000MW, bằng 7% tổng công suất quốc gia.


Thúy Hằng