Tập đoàn Panasonic thông báo đã phát triển một loại đèn lồng năng lượng mặt trời đi kèm với một bộ pin sạc cho các gia đình sống ở những khu vực chưa có điện. Pin được tích hợp bên trong đèn lồng, lưu trữ năng lượng mặt trời vào ban ngày và cũng là nguồn điện cho các thiết bị nhỏ khác như điện thoại di động. Tập đoàn Panasonic dự định sẽ tung ra thị trường trong mùa thu năm nay sau khi tiến hành nghiên cứu thị trường tại các khu vực châu Á và châu Phi.
Đèn lồng năng lượng mặt trời của Tập đoàn Panasonic
Đèn năng lượng mặt trời này đã được trưng bày tại Hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi lần thứ 5 diễn ra ở thành phố Yokohama - Nhật Bản từ ngày 01-03/6 vừa qua.
Hiện nay, ước tính có khoảng 1,32 tỷ người, tương đương với 20% dân số thế giới sống ở những nơi không có điện. Người ta sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Tuy nhiên, đèn dầu không cung cấp đủ ánh sáng mà nó còn phát ra khói độc hại và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Ngoài ra, những người sống ở những nơi không có điện đang đối mặt với một vấn đề là không thể dùng điện thoại di động, mà ngày nay điện thoại di động đã trở thành một công cụ giao tiếp phổ biến.
Để chuẩn bị cho đèn năng lượng mặt trời ra mắt thị trường vào mùa thu này, Tập đoàn Panasonic sẽ tiếp tục hoàn thiện để sản phẩm tiện lợi, đơn giản hơn cho người sử dụng, hoàn thiện các thông số kỹ thuật như độ sáng, thời gian sáng, thông số pin và chức năng sạc pin cho điện thoại di động và các thiết bị khác.
Sản phẩm sẽ được bày bán tại các cửa hàng bán lẻ, đồng thời Panasonic có chiến lược đưa sản phẩm đến gần hơn với công chúng thông qua các chương trình được hỗ trợ bởi các Chính phủ và các tổ chức quốc tế NPO và NGO; bên cạnh đó Panasonic sẽ tăng cường các hoạt động tiếp thị và phát triển sản phẩm để cải thiện cuộc sống của người dân trong khu vực không có điện.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Tập đoàn vào năm 2018, Panasonic đã lên chương trình quyên góp 100.000 đèn lồng mặt trời đến nhiều nước trên thế giới, nơi mà người dân không được tiếp cận với nguồn điện, thông qua các tổ chức NPO và NGO.
Lê My Theo http://phys.org