Wednesday, 13/11/2024 | 03:22 GMT+7

Doanh nghiệp không đủ vốn đầu tư công nghệ sạch

23/09/2013

Quá trình tăng trưởng kinh tế và dân số đã tạo áp lực lên môi trường và việc sử dụng nước cũng như năng lượng.

Quá trình tăng trưởng kinh tế và dân số đã tạo áp lực lên môi trường và việc sử dụng nước cũng như năng lượng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là một trong các đối tượng được kỳ vọng là khu vực tiềm năng thúc đẩy tiết kiệm chi phí tiêu thụ nước và năng lượng.

96142f021_tknl2_12048.jpg

Tài chính là rào cản của DN trong sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng

Theo đánh giá của Dự án Meet-Bis Việt Nam (dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ sáng kiến kinh doanh bền vững do châu Âu tài trợ) thời gian qua, nhiều dự án giới thiệu CN tiết kiệm năng lượng và nước (TKNL&N) đã có mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà cung cấp CN sạch vẫn chưa khai thác, tiếp cận được thị trường này. Nguyên nhân do họ còn thiếu năng lực đưa ra các giải pháp kỹ thuật trở thành các sản phẩm kinh doanh thông minh và tiết kiệm chi phí. Mặt khác, DNVVN Việt Nam chưa nhận thức được hết những lợi ích từ việc đầu tư vào CN sạch và không đủ vốn để đầu tư vào CN sạch hơn.

Ngoài chi phí, còn có nhiều yếu tố khác đang là rào cản đối với việc đầu tư và TKNL&N của DN Việt Nam. Theo khảo sát của dự án Meet-Bis  thực hiện tại 172 DN, những lý do chủ yếu là quá bận (69%), thiếu các thông tin cần thiết (43%) và có quá nhiều thông tin để đưa ra quyết định (41%). Cho nên, dù dự án đã quảng bá về TKNL&N cho 4.000 DNVVN, nhưng đến nay chỉ có hơn 420 DNVVN bắt đầu đầu tư vào CN sạch, chủ yếu về TKNL.

Ông Remco Van Stappershoef- Giám đốc dự án Meet-Bis Việt Nam cho biết, hiện có rất nhiều thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc thúc đẩy DNVVN sử dụng CN TKNL&N. Trước hết, đó là mặc dù cơ sở hạ tầng ở Việt Nam được đánh giá là tương đối tốt, môi trường pháp lý đã thiết lập nhưng thiếu sự hỗ trợ thiết thực cho DN trong việc sử dụng CN. Tình trạng vi phạm về các quy định của phát luật về nước, môi trường vẫn diễn ra phổ biến, nhưng rất ít khi bị xử phạt. Đặc biệt, các ngân hàng đều chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh giá nhu cầu rủi ro trong việc cấp vốn cho các DN đầu tư và CN sạch, cũng như cho các nhà cung cấp loại hình CN này.

Để giải bài toán về vốn cho DN sử dụng CN sạch, theo bà Nienke Stam -chuyên viên của Dự án Meet-Bis, các thể chế tài chính cần phát triển các sản phẩm phù hợp cho DN. Giải pháp được cho là hiệu quả chính là kết nối các công ty cho thuê tài chính với các nhà cung cấp CN. Các công ty tài chính sẽ đóng vai trò như những đơn vị cung cấp vốn cho trang thiết bị chuyên dùng, hướng tới đối tượng khách hàng mục tiêu là các DN có quy mô vừa.

Thúy Hằng