Theo phản ánh của người tiêu dùng về sự xuất hiện của bộ thiết bị được quảng cáo là "bộ tiết kiệm điện", Trang thông tin điện tử của Chương trình MTQG Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Tietkiemnangluong.com.vn) đã có cuộc khảo sát để tìm hiểu rõ hơn thực hư hiệu quả của thiết bị này.
Theo quảng cáo, bộ thiết bị có khả năng tiết kiệm từ 15-30% điện năng tiêu thụ, tăng khả năng chịu tải, tăng tuổi thọ các thiết bị động cơ, bảo vệ máy tính, tủ lạnh... Bộ thiết bị được giao bán với giá “khuyến mại” từ 350-400 ngàn đồng và miễn phí bảo hành 2 năm. Với những thông tin như nội dung quảng cáo, bộ thiết bị nói trên đang thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng "cả tin" bởi đánh trúng vào tâm lý của người tiêu dùng nhất là trong những tháng cao điểm sử dụng như hiện nay.
Không thấy bóng dáng của bộ tiết kiệm điện tại các cửa hàng điện dân dụng
Sự xuất hiện của bộ tiết kiệm này khiến nhiều người nhớ tới một loại thiết bị tiết kiệm điện từng gây “sốt” trên thị trường chỉ mới cách đây vài tháng, cũng với quảng cáo tiết kiệm từ 30-40% lượng điện tiêu thụ. Thế nhưng, khi thiết bị này được mang đi thử nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, thì thu được kết quả không hề có tác dụng tiết kiệm điện.
Không biết, không bán bộ tiết kiệm điện
Ghé qua cửa hàng bán đồ điện dân dụng Thảo Lộc (Hà Đông, Hà Nội), khi được hỏi về bộ tiết kiệm điện, chủ cửa hàng lắc đầu cho biết: “Chúng tôi chỉ có bộ đổi điện, chứ bộ tiết kiệm điện thì chưa nghe bao giờ”. Khảo sát một loạt các cửa hàng đồ điện tại khu vực gần đó, phóng viên cũng chỉ nhận được câu trả lời tương tự là không biết, hoặc không bán.
Trong vai người mua hàng, chúng tôi tiếp tục ghé vào cửa hàng đồ điện An Huy (Thanh Xuân, Hà Nội). Khi hỏi về bộ tiết kiệm điện, cậu nhân viên tỏ ra ngơ ngác, phải chạy vào hỏi chủ cửa hàng. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Huy, chủ cửa hàng cho biết, cửa hàng của anh không bán loại thiết bị nào với tên gọi và công năng như đã miêu tả. Tuy nhiên, anh Huy cho biết có nghe nói đến bộ tiết kiệm điện có nguồn gốc Trung Quốc, đã từng xuất hiện trên thị trường vài tháng trước.
Theo anh Huy, bộ tiết kiệm điện đó chỉ là trò lừa phỉnh những khách hàng nhẹ dạ, cả tin. Bởi, chính một người họ hàng của anh đã mua bộ tiết kiệm điện và mang đến nhờ anh kiểm tra sau một thời gian sử dụng nhưng không có hiệu quả. Khi mở nắp thiết bị, anh cũng chẳng hề ngạc nhiên khi bên trong là một đống đá răm trộn với nhựa đường.
Tại cửa hàng đồ điện Dung Thủy (Thanh Trì, Hà Nội), anh Hùng, chủ cửa hàng niềm nở đón tiếp chúng tôi. Khi hỏi về bộ tiết kiệm điện, anh Hùng khẳng định với kinh nghiệm nhiều năm lắp đặt thiết bị điện gia dụng, anh chưa hề biết đến và cũng tin chắc rằng không có thiết bị nào được gọi là bộ tiết kiệm điện.
Biện pháp tiết kiệm điện tốt nhất chính là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng sản phẩm đã được chứng nhận và có dán nhãn năng lượng do Bộ Công Thương cấp.
Khi nghe chúng tôi trình bày nguyên lý hoạt động với việc cắm bộ tiết kiệm điện vào ổ điện, chúng sẽ giúp giảm điện năng tiêu thụ của các thiết bị khác từ 15-30%, anh Hùng xua tay. “Không có chuyện cắm cái này vào mà lại giảm điện tiêu thụ cho cái khác. Điều này quá phi lý, bởi mỗi thiết bị phải có đủ công suất thì mới hoạt động được. Chẳng hạn như, một gia đình đang dùng bóng sợi đốt 60W, sau đó thay bằng bóng compact 20W, giảm được 40W mà vẫn sáng tương đương, thì tôi cho đó mới là tiết kiệm điện. Chứ tiết kiệm bằng cách này thì không hề có cơ sở”, anh Hùng giải thích.
Anh Hùng cũng khuyên chúng tôi không nên mất công tìm kiếm bộ tiết kiệm điện nữa, bởi anh không tin vào hiệu quả của loại thiết bị này như lời quảng cáo. Trước khi chúng tôi ra về, anh còn dặn nếu tìm mua được bộ tiết kiệm điện, thì nên mang đến cho anh kiểm tra trước khi dùng, kẻo lại “tiền mất, tật mang”.
Khảo sát các cửa hàng điện tại một loạt các tuyến đường như Chiến Thắng, Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt…chúng tôi cũng không tìm được thiết bị nào được gọi là bộ tiết kiệm điện với công năng như trên. Len lỏi vào cả các cửa hàng đồ điện tại các khu chợ như Hà Đông, Thượng Đình, Cầu Giấy…câu trả lời cũng là không.
Như vậy có thể khẳng định, bộ tiết kiệm điện nói trên chỉ là một sản phẩm trôi nổi trên thị trường, chưa được các cơ quan chức năng kiểm duyệt và không được bày bán qua các kênh phân phối chính thức.
Chưa qua kiểm nghiệm
Để hiểu rõ hơn về thiết bị kể trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Thiết bị điện- điện tử, Khoa Điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. TS.Phùng Anh Tuấn cho biết: “Theo tôi, về mặt nguyên lý, không có thiết bị nào có khả năng giúp tiết kiệm được đến 15-30% lượng điện. Đó là một con số quá lớn”.
Nhãn năng lượng - Nhãn do Bộ Công Thương cấp - Dấu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết
sản phẩm tiết kiệm điện
Khi được hỏi về cơ chế hoạt động của bộ tiết kiệm như lời quảng cáo, chỉ cần cắm vào ổ điện, sẽ giúp giảm điện năng tiêu thụ cho các thiết bị khác, TS.Phùng Anh Tuấn đã bác bỏ: “Khi cắm thêm một thiết bị vào nguồn điện, sự can thiệp của thiết bị này không thể làm giảm lượng điện năng tiêu thụ, mà thậm chí còn làm tăng lên. Bởi, bản thân thiết bị đó cũng cần tiêu thụ một lượng điện nhất định”.
TS.Phùng Anh Tuấn cũng khuyến cáo người sử dụng cần thận trọng với những thiết bị chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm bởi các cơ quan chức năng. Tránh tình trạng mua phải thiết bị “rởm”, không có tác dụng tiết kiệm điện, thậm chí là tiếp tay cho hành động ăn cắp điện. Bởi, nhiều thiết bị tự “xưng danh” là tiết kiệm điện thực chất chỉ là các thanh nam châm gây ra lực hút làm sai lệch kim đồng hồ của công tơ điện.
Thiết nghĩ, có ý thức tiết kiệm điện là điều rất đang hoan nghênh. Song, thay vì việc tìm mua và sử dụng những thiết bị tiết kiệm điện chưa được khuyến cáo, người dân có thể thực hiện tiết kiệm điện ngay từ những hành động nhỏ nhất như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, hoặc lắp cắc thiết bị tiết kiệm điện như bóng đèn compact, bình nước nóng năng lượng mặt trời. Đây là 2 thiết bị chính thức được Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khuyến cáo sử dụng.
Hải Yến