Saturday, 09/11/2024 | 02:09 GMT+7
Nhiên liệu hóa thạch đang cạn
TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia về năng lượng, nhận xét nước ta có khá nhiều và đa dạng các nguồn năng lượng sơ cấp: nhiên liệu hóa thạch, sinh khối, năng lượng gió, năng lượng mặt trời... Tuy nhiên, nguồn năng lượng chủ yếu vẫn sử dụng từ các nhiên liệu hóa thạch: than đá, dầu thô, khí đốt... và thủy điện.
Trong thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI, nguồn năng lượng này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng và sản xuất nhưng đến năm 2030, Việt Nam sẽ không còn tiềm năng thủy điện lớn vì đã khai thác hết. Trữ lượng than đá cũng đang cạn dần. Năm 2015, khả năng khai thác than đá đáp ứng từ 96%-100% nhu cầu sử dụng. Năm 2020, khả năng khai thác chỉ đáp ứng được 60% và đến năm 2035, tỉ lệ này chỉ còn 34%.
Trước tình hình này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có kế hoạch nhập khẩu than đá từ Úc bắt đầu từ năm 2015. Ngay cả Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, trong cuộc họp ngày 8-10 vừa qua, cũng phải thừa nhận đến năm 2016 bắt buộc phải nhập khẩu than đá, năm 2020 phải nhập từ 20-30 triệu tấn than.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 thì vào năm 2020, Việt Nam sẽ nhập khẩu hơn 2.300 MW điện (chiếm 3,1% tổng cơ cấu năng lượng điện), năm 2030 sẽ nhập 7.100 MW (chiếm 4,9% tổng cơ cấu năng lượng điện).
Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng khiến nguồn cung năng lượng đã không bắt kịp cầu. Dự báo, nhu cầu năng lượng của Việt Nam các năm 2015-2020-2030 tăng từ 89.000 MTOE lên 150.000 MTOE và 256.000 MTOE, trong khi khả năng cung ứng chỉ nhích từng chút một: 91.000-96.000 -113.000 MTOE.
Lắp đặt pin năng lượng mặt trời cho Trạm Biên phòng bán đảo Sơn Chà, tỉnh Thừa Thiên - Huế
“Từ một nước xuất khẩu năng lượng, sắp tới, Việt Nam phải nhập khẩu năng lượng. Nguy cơ không bảo đảm an ninh năng lượng, giảm năng lực cạnh tranh và tụt hậu so với các nước trong khu vực ngày càng cao” - TS Lâm cảnh báo.
Cơ hội cho năng lượng bền vững
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước thích nghi với biến đổi khí hậu, cho rằng việc cạn kiệt các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong sức ép về nhu cầu năng lượng cũng mở ra cơ hội phát triển cho ngành năng lượng Việt Nam. Cụ thể, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ được tận dụng khai thác và mở rộng tìm kiếm, nghiên cứu các nguồn năng lượng mới, bền vững hơn. Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng tiết kiệm năng lượng sẽ được chú trọng và thực hiện một cách nghiêm túc hơn.
“Như vậy, không chỉ giải được bài toán năng lượng mà còn giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Tất nhiên, thách thức không thể tự nhiên mà trở thành cơ hội nếu không có chiến lược và quy hoạch cụ thể” - TS Tứ nhận xét.
Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương ước tính công suất lắp máy từ năng lượng sinh khối (sản sinh từ phân, rác thải...) vào khoảng 500-2.000 MW, điện gió từ 1.000- 6.200 MW, các năng lượng tái tạo khác (quang năng, năng lượng sóng...) từ 2.700- 5.600 MW. Còn theo ông Nguyễn Dương Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Mặt Trời Bách Khoa, Việt Nam có tổng số giờ nắng lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam, là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời. Nếu chính sách về việc mua điện từ các hộ dân hay tổ chức cá nhân được thông qua như ở một số nước trên thế giới thì việc đầu tư điện từ năng lượng mặt trời sẽ trở thành một mô hình đầu tư hấp dẫn.
Kinh nghiệm của Đan
Mạch Đan Mạch là một đất nước có ngành năng lượng phát triển
ấn tượng: tốc độ sản xuất ngày càng tăng nhưng tỉ lệ sử dụng năng lượng ngày
càng giảm. Ông Jakob Jespersen, chuyên gia năng lượng của Đan Mạch, cố vấn dự
án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng - Bộ Công
Thương, cho biết từ một nước phải nhập khẩu năng lượng những năm 1970 về
trước, đến năm 1980, Đan Mạch đã tự chủ được nguồn năng lượng và bắt đầu xuất
khẩu. Hiện nay, Đan Mạch là nước xuất khẩu điện nhờ lắp đặt turbin gió và sản
xuất điện than giá rẻ. Ông Jakob đánh giá Việt Nam dồi dào nguồn năng lượng tái
tạo có thể sử dụng mà không cần nhập khẩu. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đang
gây tranh cãi cần phải làm rõ trước khi xây dựng các chiến lược, kế hoạch sử
dụng năng lượng tại Việt Nam. “Nhiều ý kiến cho rằng giá điện quá thấp để đưa ra giải
pháp mới thay thế. Theo tôi, điều này đúng nhưng cần phải xét đến tình trạng
phân phối điện không ổn định và giá điện dự phòng. Hoặc tranh cãi quanh vấn
đề phát triển năng lượng hạt nhân để giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu.
Thật ra, sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhận thậm chí còn gây ra hậu quả
nặng nề hơn việc nhập khẩu than” - ông Jakob nói.
|