Thursday, 14/11/2024 | 10:25 GMT+7
Không lâu trước đây, chúng tôi đã đưa tin về “xỉ” (slag) – một loại xi-măng “xanh”. Quá trình sản xuất xỉ khá giống với cách mà người La Mã cổ đã sử dụng. Đây là quá trình không cần bất kì công đoạn gia nhiệt nào. Ngày nay, một nhà khoa học thuộc khoa Khoa Học Xã Hội trường Đại học Edinburgh đã tìm cách sản xuất loại xi-măng mới gọi là biostone (tạm dịch: đá sinh học) từ cát, vi khuẩn và nước tiểu. Điều này có thể làm thay đổi ngành công nghiệp theo hướng phát triển xanh và bền vững.
Peter Trimble chính là chủ nhân của phát minh này. Khi đang đi tìm giải pháp cho vấn đề hóc búa đang được nhiều người quan tâm, trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt mà nhu cầu sử dụng năng lượng của con người quá cao, ông đã lên kế hoạch phát triển một nguyên mẫu ban đầu tạo ra xi-măng thân thiện với môi trường để thay thế cho vật liệu hiện hành đang gây tổn thương nghiêm trọng tới hệ sinh thái.
Để tạo ra đá sinh học biostone cần khoảng 2 ngày. Đầu tiên bạn phải xác định được hình dáng của sản phẩm mà bạn muốn, rồi lấy một cái khuôn và đổ đầy cát vào trong. Sau đó bạn cần cho thêm vi khuẩn đã được nuôi trong nước dùng dinh dưỡng (nutrient broth: môi trường nuôi dưỡng vi sinh vật). Bạn trộn hỗn hợp này lại và để chúng tiếp tục phát triển qua đêm. Khi đó can-xi clorid, canh dinh dưỡng và u-rê trong nước tiểu của động vật có vú được đổ vào trong khuôn. Các vi khuẩn sẽ hấp thu can-xi cac-bo-nat khi dùng hợp chất u-rê và biến nó thành một hỗn hợp rắn, khiến cát bị dồn lại phía trong khuôn.
Peter đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và thách thức để có thể nghĩ ra một phương pháp đồng nhất và hiệu quả. Tuy khó khăn nhưng thành quả đạt được thì rất đáng giá. Cuối cùng thì Peter cũng đã thành công khi biến một quá trình sản xuất gây ô nhiễm và tốn nhiều năng lượng thành một quá trình sản xuất xi-măng bền vững.
Các thuộc tính của đá sinh học biostone không khác gì với xi-măng thông thường, điểm khác biệt chủ yếu là quá trình sản xuất không cần gia nhiệt, vì vậy nên không tạo ra khí thải nhà kính.
Với phát minh này, Peter hy vọng sẽ chứng minh cho ngành công nghiệp thấy rằng có phương pháp để giảm lượng khí thải mà không phải hy sinh chất lượng của sản phẩm. Peter cũng hy vọng vật liệu sinh học sẽ được nghiên cứu nhiều hơn và tạo ra nhiều cải tiến hơn trong lĩnh vực này.
Thanh Thảo (Theo greenoptimistic.com)