Saturday, 23/11/2024 | 09:05 GMT+7
Ấn Độ là một trong số những quốc gia đang có nhiều kế hoạch đẩy mạnh phát triển và ứng dụng năng lượng tái tạo vào đời sống và sản xuất, đặc biệt khi 300 triệu dân ở Ấn Độ vẫn đang sống trong cảnh thiếu điện trầm trọng. Tuy nhiên, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO mới đây đã giáng một đòn vào ngành năng lượng mặt trời tại quốc gia Nam Á này khi tuyên bố Mỹ thắng trong phiên phân xử giữa Mỹ và Ấn Độ khi Mỹ cho rằng kế hoạch phát triển năng lượng mặt trời của Ấn Độ đã tạo ra sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Ấn Độ.
Chính phủ Mỹ và ngành năng lượng mặt trời của Mỹ vô cùng phấn khởi đón chào chiến thắng này dưới danh nghĩa bảo vệ tự do thương mại đối với các nước thành viên WTO. Đây cũng là một bài học đắt giá đối với nhiều quốc gia khác để tránh khỏi tình trạng tương tự khi xây dựng một ngành công nghiệp non trẻ. Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng quyết định này đã kìm hãm những nỗ lực to lớn của Ấn Độ khi tự mình cố gắng phát triển một ngành công nghiệp năng lượng vững bền.
Đại diện phía thương mại Hoa Kỳ, ông Michael Froman cho biết: “Đây là một kết quả quan trọng không chỉ đối với trường hợp giữa Mỹ và Ấn Độ mà còn là lời cảnh báo đối với tất cả các quốc gia đang có ý định thực hiện các chính sách nội địa hóa có tính chất phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài.”
Các chính sách của Ấn Độ được đề cập đến ở đây là những chính sách nằm trong chương trình Nhiệm Vụ Năng Lượng Mặt Trời Quốc Gia, là ý tưởng của chính phủ nước này để thúc đẩy sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và giảm giá thành điện trên thị trường. Dự án này đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện các cam kết của chính phủ Ấn Độ đối với Hiệp Nghị Paris về Chống Biến Đổi Khí Hậu khi đưa ra mục tiêu đạt được 100,000 MW điện mặt trời vào năm 2022, con số này tương đương với hơn 40% sản lượng điện hiện tại của Ấn Độ. Trong các kế hoạch mà chính phủ Ấn Độ đưa ra yêu cầu 10% trong số đó phải do thị trường nội địa cung cấp, chính điều này đã khiến WTO cho rằng kế hoạch này là không hợp lý, bất công và thiếu tính cạnh tranh, đồng thời không nhất quán với các thỏa thuận thương mại và thuế quan quốc tế.
Phát ngôn viên của Hiệp Hội Công Nghiệp Năng Lượng Mặt Trời, Dan Whitten cho biết: “Quyết định này của WTO sẽ loại bỏ mọi rào cản, tạo điều kiện cho sự phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở Ấn Độ nhanh và mạnh hơn dưới áp lực cạnh tranh, đồng thời cũng tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.” Như vậy, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ tại thị trường Ấn Độ có thêm nhiều lợi thế để tiếp tục tồn tại và cạnh tranh.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chương Trình Thương Mại có Trách Nhiệm, Ilana Solomon lại phản đối rằng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của Mỹ hiện tại đã chiếm phần lớn thị phần trên thị trường Ấn Độ, vì vậy nên hạn ngạch đóng góp 10% sản xuất nội địa là vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Ấn Độ. Solomo cho biết: “Ấn Độ không hề có ý định đóng cửa thị trường và ngăn cản cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây chỉ là vấn đề phát triển tiềm lực quốc gia nhằm cân bằng giữa nhập khẩu và xây dựng một nền công nghiệp chế xuất nội địa mà thôi. Hai nhà sản xuất điện mặt trời của Mỹ là First Solar và Sun Power đã chiếm được phần lớn thị phần ở Ấn Độ. Mới năm trước, First Solar còn thông báo rằng một trong số những nhà máy điện của họ đã giành được hợp đồng cung cấp điện cho một bang phía nam Ấn Độ trong thời hạn 20 năm.”
Phía đại diện của công ty First Solar đã từ chối cho ý kiến về quyết định của WTO.
Ở Ấn Độ, ô nhiễm môi trường từ các nguồn năng lượng bẩn đã gây nên những tổn thất vô cùng lớn. Theo thông tin từ một nghiên cứu mới đây, ô nhiễm môi trường ở Ấn Độ là nguyên nhân gây nên 1.4 triệu ca chết non ở người trong năm 2013. Vấn đề cấp bách mà Ấn Độ đang phải đối mặt đó là làm thế nào để giảm đói nghèo trong khi thực hiện Cách Mạng Công Nghiệp để chuyển hướng sang năng lượng sạch như năng lượng mặt trời.
Ấn Độ tranh luận rằng hàng rào bảo vệ mà Ấn Độ đặt ra cho các nhà sản xuất trong nước phục vụ lợi ích chung là tạo thêm việc làm và thúc đẩy chuyển hóa năng lượng tại Ấn Độ. Bà Solomo cho biết: “Quyết định này của WTO cho thấy các quốc gia không thể linh hoạt trong việc tự mình phát triển con đường riêng khi gia tăng quy mô phát triển năng lượng tái tạo để chống biến đổi khí hậu.”
Thanh Thảo (theo news.vice.com)