Saturday, 23/11/2024 | 10:51 GMT+7
I. Lắp điện ngoài trời
Để đảm bảo an toàn, cần thực hiện đúng các quy định sau:
1.Đường dây dẫn điện thắp sáng được dùng dây đơn (1 sợi) loại bọc cách điện, đường dây động lực 3 pha phải dùng dây cáp (nhiều sợi vặn xoắn) loại bọc cách điện chịu được mưa, nắng. Dây dẫn điện phải gắn trên sứ cách điện đúng tiêu chuẩn: Đủ độ bền chắc, cách điện tốt, không dùng loại sứ phế phẩm.
Tuyệt đối cấm tháo dây nhiều sợi vặn xoắn để làm dây đơn và cấm dùng dây điện thoại thay dây điện.
Cấm các hộ đóng cọc đất thay thế dây nguội và chỉ kéo 1 dây nóng vào nhà để sử dụng điện, mà phải kéo đủ cả 2 dây: 1 dây nóng và 1 dây nguội.
2.Dây dẫn điện khi kéo qua đường có nhiều xe cộ và người đi lại, qua chỗ đông người thì tiết diện nhỏ nhất của dây dẫn phải là 10mm2 (nếu dùng dây đồng) và 16mm2 (nếu dùng dây nhôm).
3.Cột điện có thể dùng cột sắt, cột bêtông cốt thép hoặc bằng gỗ, nhưng dù dùng loại nào cũng phải bảo đảm đúng kích thước, đủ độ bền chắc.
Đối với cột gỗ, nên dùng loại gỗ tròn, đường kính ở ngọn không được nhỏ hơn 12cm, phải có biện pháp xử lý chống mục, thời gian sử dụng tối thiểu là 3 năm.
Cột phải được chôn chắc chắn, có độ sâu dưới mặt đất ít nhất là 15% chiều cao cột, ở những nơi đất không chắc phải đắp thêm hoặc làm dây chằng.
Cột sắt và cột bêtông cốt thép đặt nơi có nhiều người thường xuyên qua lại phải được trang bị thêm dây tiếp đất bảo vệ.
4.Dây dẫn điện ngoài trời phải được bắt chặt trên sứ cách điện.
4.1.Khoảng cách giữa các dây dẫn không nhỏ hơn các trị số sau: (đối với điện hạ áp).
a.20cm khi bố trí dây dẫn nămg ngang với khoảng cột là 30m.
b.30cm khi bố trí dây dẫn theo chiều thẳng đứng
c.Khoảng cách giữa các dây dẫn vào nhà là 15cm.
4.2.Khoảng cách từ dây dẫn điện đến cột và các bộ phận khác không nhỏ hơn 5cm.
4.3.Khoảng cách từ các dây dẫn điện của đường dây ngoài trời, tại chỗ có độ võng lớn nhất, đến mặt đất, mặt sông ngòi, ao hồ không nhỏ hơn:
a.6m ở khu vực đông dân cư như: trường học, câu lạc bộ, bệnh viện, chợ, làng xóm...
b.5m ở khu vực ít dân cư.
5.Đối với đường dây điện trên không đi vào nhà thì khoảng cách nhỏ nhất từ dây dẫn điện đến mặt đất là 3,5m. Nếu khoảng cách đó nhỏ hơn quy định này thì phải trồng thêm cột phụ.
6.Đường dây dẫn điện trên không (trừ cáp vặn xoắn ABC) đi cạnh đầu nhà thì phải cách bất kỳ điểm nào của nhà ít nhất là 1,5m. Khoảng cách đó cũng được áp dụng đối với đường dây đi cạnh cửa sổ nhà.
Không đặt dây dẫn điện ở trên mái nhà. Không được kéo dây dẫn điện đi qua trên mái nhà tranh. Được phép kéo dây dẫn điện đi phía trên nhà mái ngói, nhưng phải cách bất kỳ điểm nào của nhà ít nhất là 2,5m.
7.Tuyệt đối cấm kéo đường dây dẫn điện đi trên các nhà kho, công trình có chứa các chất dễ cháy, nổ.
8.Cấm quấn dây dẫn điện trực tiếp vào cột điện và các cây cối khác.
9.Đường dây dẫn điện đi qua chỗ có cây thì phải đảm bảo sao cho khi có gió bão cành cây không chạm vào hoặc cây đổ vào đường dây.
Trên đây là những vấn đề mà chúng tôi mong muốn mọi người dân cùng thực hiện, hoặc kịp thời phản ánh những vấn đề không đúng như các nội dung hướng dẫn trên đến cơ quan điện lực gần nhất để xem xét giải quyết.
II.Kỹ thuật đường dây điện đối với thuỷ điện cực nhỏ
1.Dây dẫn phải dùng dây bọc cách điện, tiết diện tối thiểu là 2,5mm2, tất cả các chỗ nối dây đều phải bọc cách điện, cấm sử dụng dây trần.
2.Cột đỡ dây điện có thể dùng cột gỗ loại có thớ dọc hoặc cột tre già. Khoảng cách cột không dài quá 20m. Cột không được chắp nối. Độ sâu chôn cột không được nhỏ hơn 12% chiều cao cột. Không dùng những cột bị mục, ải, bị sâu mọt có khả năng gãy ngang cột.
3.Khoảng cách an toàn thẳng đứng từ dây dẫn điện đến mặt đất tại chỗ võng nhất không được nhỏ hơn 2,5m; đến mặt đường có ôtô đi lại không được nhỏ hơn 5m.
4.Cột đỡ dây điện vượt đường ôtô phải chắc, khoẻ hơn các cột khác. Đường kính tối thiểu của cột vượt đường ôtô là 10cm. Cột phải cách mép đường ôtô tối thiểu là 1m. Dây điện vượt đường ôtô không được có mối nối.
5.Phải phát quang những cành cây dọc tuyến dây điện để khi có gió bão, cành cây không đập vào gây đứt dây điện.
6.Lắp đặt cầu dao cắt nguồn điện khi có chạm chập đường dây điện, dụng cụ, thiết bị điện trong gia đình.
III.Những biện pháp bảo đảm an toàn điện trong nhân dân
1.Không leo lên cột điện của ngành điện vì bất cứ lý do gì.
2.Không buộc trâu bò vào cột điện, không lợi dụng cột điện để buộc tre nứa làm nhà ở hoặc làm lều để buôn bán hàng.
3.Cấm tàu, thuyền đi trên sông rạch neo buộc tàu thuyền vào cột điện trên bờ sông rạch làm biến dạng, xiêu đổ các cột điện.
4.Giải thích và giáo dục cho trẻ em hiểu và không thả diều gần các cột điện, đường dây điện.
5.Cấm người đánh bóng, đá bóng gần cột điện, đường dây điện, nhất là ở ngay dưới đường dây điện.
6.Khi thấy cành cây khô hoặc tươi hoặc bất kỳ vật gì rơi vướng trên cột điện, đường dây điện, không dùng bất cứ phương tiện gì để lấy xuống, vì có thể xảy ra điện giật nguy hiểm mà phải báo ngay cho chi nhánh điện gần nhất đến xử lý.
7.Không chặt cây cối gần dây điện và cao quá đường dây điện để tránh cây cối ngã đổ vào đường dây, phải báo cho chi nhánh điện đến xử lý.
8.Khi giông gió có sấm sét không đứng dưới các cây cao để đề phòng sét đánh nguy hiểm.
9.Khi có giông, gió, mưa to không đứng trú mưa dưới các cột điện và đặc biệt không sờ vào cột điện để đề phòng rò điện hoặc nước mưa chảy thành dòng có thể dẫn điện gây nguy hiểm cho người.
10.Khi giống gió gây sập đổ nhà cửa, cây cối, làm đứt đường dây điện, ngã trụ phải cấp báo cho chi nhánh điện gần nhất để có công nhân điện đến kiểm tra cô lập điện rồi mới được tiến hành thu dọn để đề phòng tai nạn điện giật.
11.Khi thấy có dây điện đứt rơi xuống đất, hoặc cột điện ngã đổ, cấm mọi người đến gần. Nếu là rơi xuống ruộng nước, ao, hồ, sông, rạch phải đề phòng điện rò xuống nước, cấm đến gần và lội xuống nước. Ai trông thấy phải cấp báo ngay cho chính quyền, công an và chi nhánh điện đến xử lý, đồng thời phải lập ngay rào chắn xung quanh chỗ đó, cử người canh gác ngăn chặn mọi người qua chỗ dây đứt, cột đổ.
12.Khi có sự cố mất điện, không đến các trạm biến thế tự tiện mở cửa trạm, mở cửa thùng cầu dao đóng cắt cầu dao điện hoặc thay chì tại các cầu dao đó vì dễ gây ra sự cố hư hỏng thiết bị điện trên lưới và gây nguy hiểm cho công nhân ngành điện đi dò tìm sự cố và gây nguy hiểm cho tính mạng nhân dân khu vực và chính bản thân người làm công tác đó.
13.Dưới gầm các cầu cống có các đường cáp ngầm cao thế đi qua, không va chạm vào đường dây cáp điện vì dễ gây nổ và phóng điện nguy hiểm.
14.Không làm hỏng hoặc tháo gỡ dây điện, dây chống sét, dây chằng cột, dây nối đất, biển báo hoặc biển cấm trên cột điện, trạm điện.
15.Không lấn chiếm lối ra vào và đột nhập vào khu vực trạm biến thế.
16.Không lợi dụng tường rào, tường trạm hoặc các kết cấu của trạm biến thế để làm bất cứ việc gì.
IV.Phòng ngừa sự cố và tai nạn điện khi có bão lụt
Nước ta bị ảnh hưởng của các cơ bão từ biển Đông, năm nào cũng có một số vùng bị bão, lụt. Bão lụt thường gây ra nhiều sự cố về điện, gây hư hỏng cột điện, đứt dây điện, gây ngắn mạch, dẫn tới cháy nhà cửa, công trình, nghiêm trọng hơn có thể gây ra tai nạn điện.
Có những cơn bão lớn, gió giật mạnh làm gãy, đổ các cột điện cao thế. Một cột điện bị đổ gãy thường kéo các cột lân cận đổ theo. Các cột hạ áp thì còn bị cây cối đung đưa va đập vào, làm đứt dây, đổ cột, gây chập mạch. Dây điện đứt rơi xuống nước, điện truyền trong nước, người dẫm xuống nước sẽ bị điện giật, những vùng bị lụt, nếu không cắt điện từ trước, nếu dây có điện chìm trong nước, điện sẽ truyền trong nước, người đi vào sẽ bị điện giật. Phải có các biện pháp đề phòng tai nạn điện như sau:
-Khi có thông báo trên đài, trong những vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão phải kiểm tra đường dây điện, chặt bỏ các cành cây có khả năng va đập làm đứt dây điện, đổ cột điện. Chuẩn bị nến, đèn dầu, đèn pin, ắc quy đề phòng mất điện. Chuẩn bị các dụng cụ cách điện, trang bị phòng hộ như ủng, găng cách điện.... đề phòng điện giật do đứt dây điện gây ra.
-Ở những vùng có nguy cơ bị úng, lụt, các dụng cụ điện phải được đặt trên cao, kể cả ổ cắm, đề phòng nước ngập dây điện, ổ cắm, dùng cụ điện. Khi có nguy cơ nước ngập dây điện, ổ cắm điện, để đề phòng điện truyền ra nước, phải cắt điện dẫn vào khu vực có nguy cơ bị ngập. Chuẩn bị các trang bị phòng hộ như ủng, găng cách điện, mũ bảo hộ lao động bằng nhựa.
-Trong lúc có bão, đề phòng dây điện đứt, cột điện đổ, khi ra đường nên đội mũ đi xe máy hay mũ bảo hộ lao động, đi ủng cách điện hoặc ủng đi mưa.
-Khi phát hiện có dây điện đứt hoặc đổ cột điện, phải cử người gác, không để những người khác đi vào vùng có dây điện đứt, đề phòng điện giật. Đồng thời cử người báo cho trạm điện hay chi nhánh điện cắt điện và khắc phục kịp thời.
(Nguồn: TCCN)