Wednesday, 20/11/2024 | 03:37 GMT+7

Tổng quan về tiết kiệm điện khi sử dụng máy tính

15/12/2006

Các chế độ tắt máy tạm thời như Stand by, Hibernate, Suspend to RAM sẽ giúp máy tính tiêu tốn rất ít năng lượng khi không làm việc, và trở lại nhanh trạng thái làm việc mà không phải qua giai đoạn khởi động. Nhưng áp dụng chế độ nào, cho loại máy nào là thích hợp nhất?

Phải thiết lập các option phần cứng và phần mềm như thế nào thì mới tận dụng được những tính năng này? Trường hợp chế độ tạm nghỉ không hiển thị thì có thể giải quyết ra sao?... Đó là những vấn đề được đề cập trong bài viết này.

Giá điện sắp tăng, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên tính đến vấn đề tiết kiệm điện năng (và tiết kiệm thời gian) bằng cách tìm hiểu cặn kẽ hơn cách thức quản lý năng lượng trong máy tính.

1. Advanced Configuration and Power Interface (ACPI)

Từ những năm 1996, đây là chuẩn đặc tả phần cứng để quản lý điện năng cho PC được phát triển bởi HP, Intel, MS, Toshiba. Mới đầu cho laptop rồi bước qua desktop với Windows, Mac OS, Unix, Linux. Trước đó đã có Advanced Power Management (APM) được điều khiển bởi BIOS với sự can thiệp có giới hạn của hệ điều hành như Windows 95 nên còn rất nhiều hạn chế.

ACPI trải qua nhiều phiên bản, và đến phiên bản 3.0a (2006) mới nhất đã có nhiều cải tiến đáng kể đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dùng với các chế độ tiết kiệm năng lượng.

2. Các chế độ tắt máy tạm thời

Suspend To Ram (S3, STR): Đây là một trong các chế độ stand by (chờ sẵn) tuyệt vời nhất của ACPI. Nó cho phép người dùng khi không làm việc có thể đưa máy tính vào chế độ giống như giấc ngủ đông của các sinh vật để tiết kiệm năng lượng. Toàn bộ tình trạng của máy tính ở phiên làm việc hiện hành được đưa vào RAM. Hệ thống sẽ ngừng toàn bộ mọi hoạt động của CPU, đĩa cứng, đồ họa, các chip, màn hình... để kéo dài tuổi thọ của chúng. Nó chỉ duy trì một nguồn điện nhỏ hơn 5 W bảo tồn "cuộc sống" cho RAM, để đánh thức (wake up) cả hệ thống sau này. Khi bị đánh thức, máy tính sẽ thức dậy và đi ngay vào phiên làm việc lúc trước để ta tiếp tục công việc mà không bị mất thời giờ boot máy, không bị gián đoạn công việc.

Hibernate (S4, STD): Đây là mode ngủ đông hoàn toàn của máy, tương tự S3 ở trên nhưng trạng thái của máy tính sẽ được ghi xuống đĩa cứng (Save To Disk, Suspend To Disk) thành file Hiberfil.sys nên tốc độ khi đóng máy và mở máy hơi chậm hơn S3 vì phụ thuộc vào toàn cảnh phiên làm việc. Kích thước file này thường bằng dung lượng RAM trên máy, vì đó là toàn bộ tình trạng cả hệ thống ghi vào RAM được save lại nên dung lượng của RAM càng lớn thì Hiberfil.sys càng lớn.

Stand By, Power On Suspend (S1, POS): Mode ngủ mặc định tùy thuộc sự kiểm soát của hệ điều hành, cho phép hệ thống giảm bớt hoạt động các thiết bị phần cứng nhưng ở mức độ thấp hơn các mode trên vì máy vẫn còn hoạt động ngầm để duy trì phiên làm việc. Dữ liệu sẽ toàn vẹn khi máy được đánh thức.

3. So sánh

Trong 3 chế độ trên thì mỗi cái có ưu điểm riêng nhưng có vẻ S3, STR là hay nhất vì dễ dùng và có tốc độ nhanh nhất mà vẫn tiết kiệm điện năng. Nó rất hữu dụng khi người dùng tạm nghỉ máy tính vì bận việc như đi ăn uống, toilet... hay thậm chí tranh thủ ngủ vài tiếng hoặc cả đêm cũng được. Nhược điểm của S3 là nếu điện cúp rồi có lại thì cả hệ thống phải bắt đầu lại từ đầu vì thông tin lưu trong RAM đã mất hết. Riêng laptop không bị lỗi này vì nó xài pin.

Chế độ Hibernate S4 thì khá tốn đĩa, tốc độ đóng máy hơi chậm khi có nhiều thông tin cần ghi lên đĩa. Khi bị đánh thức, máy sẽ vào phiên làm việc khá nhanh nhưng không thể nhanh bằng S3 vì máy sẽ phải chuyển dữ liệu file Hiberfil.sys vào RAM rồi hệ thống mới được đánh thức như S3. Bù lại S4 có cái ưu điểm nhất là không tốn điện, không lệ thuộc vào nguồn điện nên điện cúp cũng không ảnh hưởng đến quá trình ngủ đông vì thông tin vẫn được lưu trên HDD. Điểm yếu là ổ cứng cài hệ điều hành nếu thiếu chỗ trống thì máy rất dễ bị lỗi vì file Hiberfil.sys không thể di dời.

Còn chế độ stand by thông thường S1 thích hợp cho máy cấu hình bình thường, không quá cao cấp, tạm nghỉ trong thời gian ngắn.

Tùy hoàn cảnh mà người dùng lựa chọn một trong các phương pháp trên. Với các máy mạnh đời mới hiện nay nên sử dụng tính năng Suspend to RAM là cách tiết kiệm điện năng hay nhất, rất phù hợp với phong cách nhanh nhẹn của tác phong công nghiệp. Đối với người dùng thường phải tải file lớn nên chọn chế độ standby bằng tay, không nên chọn auto theo thời biểu để Turn off hard disk, chỉ nên chọn Turn off monitor.

Dân overclocker khi cần cho máy chạy hàng giờ qua đêm để ổn định chúng dần dần theo các mức ép xung từ thấp lên cao tốt nhất là dùng màn hình LCD hay tắt hẳn màn hình. Đối với laptop nên chọn dòng máy Centrino có công nghệ SpeedStep để tiết kiệm điện năng cả trong khi đang làm việc, còn khi tạm nghỉ thì vẫn nên dùng Stand by với Suspend to RAM hay Hibernate, nhưng thỉnh thoảng cũng nên shutdown (tắt máy) một cách tự nhiên, cho máy có thể khởi động theo cách tự nhiên để làm tươi lại hệ thống.

4. Cách thiết lập

Boot máy rồi nhấn phím Del (hay F1, F2, F8, Esc tùy theo BIOS) vào BIOS Setup > Power Management Setup, thiết đặt các tùy chọn sau xong thoát ra và save lại bằng phím F10:

ACPI Suspend Type > S3(STR) (kiểu mặc định là S1(POS) dành toàn quyền cho hệ điều hành).

Chỉ cần chọn như trên là đủ, các tùy chọn sau là tùy ý thiết đặt thêm:

- Resume by Alarm > Enabled nếu muốn tự động mở máy theo giờ định trước.

- Power On by Mouse > Enabled để mở máy bằng double click chuột (Win XP, 2000).

- Power On by Keyboard > Enabled phối hợp với KB Power On Password để mở máy theo mật khẩu định trước. Một số mainboard có thể phải set lại jumper để 2 tùy chọn này có tác dụng.

- USB device wake-up from S3 > Enabled để có thể đánh thức S3 từ mouse hay keyboard qua cổng USB.

- Vào Control Panel > Power Options tùy chọn với các tab chức năng như Hibernate để Enable hibernation theo ý muốn

- Trong màn hình Shutdown, để vào mode S3: chọn Stand by (Suspend); để vào mode S4: dùng phím Shift để chuyển Stand by thành Hibernate và chọn nó bằng chuột.

- Để Logon tự động, vào Power Options > Advanced bỏ chọn Prompt for password when computer resumes from standby.

- Từ Win Me trở lên ta có thể tắt máy nhanh nhất bằng... "nhất dương chỉ", nghĩa là bấm nút Power trên thùng máy bất kỳ lúc nào (không cần phải vào menu Start > Shutdown...), bất kể bàn phím có phím Power hay không, với tùy chọn Shutdown when I press the Power button on my computer (mặc định trong XP).

- Đánh thức từ mode S3, S4 bằng bấm nút Power ở thùng máy thật nhanh, máy mới có điện để đánh thức cả hệ thống. Riêng S3, trên một số máy có thể khua chuột, bàn phím hay nhấn phím Wake up như mode Standby thông thường S1, nhưng có khi lại không được. Muốn dùng chuột hay bàn phím ta có thể vào BIOS Setup, chọn chức năng mở máy bằng nhấp chuột 2 lần hay bằng keyboard với password như đã nói ở trên.

5. Một số trở ngại

ACPI cần bộ nguồn ATX điện thế ổn định đủ công suất kèm RAM có chất lượng và quan trọng nhất là mainboard, CPU kế đến là VGA card và sound card, monitor... có tính năng hỗ trợ ACPI. Các thành phần cơ bản này phải đồng bộ tương thích lẫn nhau và đạt chuẩn chất lượng để hỗ trợ tốt cho ACPI, nhất là S3 nếu phần cứng không ổn định máy rất dễ bị lỗi. Windows 2000 và XP tự động nhận ra ACPI và đưa vào Device Manager nếu phần cứng hỗ trợ ACPI. Nếu nó không nhận ra ACPI thì không thể hoặc rất khó add ACPI cho nó.

Chức năng Stand by bị mờ

Mainboard không hỗ trợ: phải update BIOS, nếu mainboard hỗ trợ thì vào BIOS thiết lập chức năng ACPI rồi cài mới lại Windows.

Driver card màn hình bị lỗi hoặc chưa được cài đặt chính xác: cài lại driver card màn hình.

Bản Ghost Windows bị lỗi không tương thích hardware vì nó không add được Hardware Abstraction Layer như Acronis Universal Restore (LBVMVT 171). Thường xảy ra trên một số máy P4 và phần lớn máy PIII. Cách khắc phục là cài mới lại Windows và đừng dùng bản Ghost đó nữa, chỉ nên dùng bản Ghost của chính máy của mình./.

(Nguồn: khoahocphothong.com.vn)