Monday, 06/05/2024 | 19:16 GMT+7

Khi gió vào “nhà khó”

25/08/2009

Việt Nam là nước có tiềm năng phong điện hơn cả trong số các nước Đông Nam Á. Nhưng trên thực tế hiện chưa có nhiều dự án phong điện, hoặc có triển khai thì cũng không mang lại hiệu quả cao.

Theo PGS.TS Đặng Đình Thống, Giám đốc Trung tâm Năng lượng mới - ĐH Bách Khoa Hà Nội: Tiềm năng thì có nhưng để tận dụng ở nước ta không đơn giản, bởi còn nhiều trở ngại.

PV: Xin ông cho biết cụ thể những trở ngại đó là gì?

PGS.TS Đặng Đình Thống: Mặc dù so với năng lượng mặt trời, kinh phí để khai thác năng lượng gió rẻ hơn, song vẫn đắt gấp 2-3 lần so với thủy điện. Theo khảo sát của WB, tiềm năng gió nước ta lớn hơn so với các nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia… là những nước nằm sâu trong nội địa, không có biển, nhưng so với các nước Bắc Âu còn kém xa. Thêm nữa, thông tin, số liệu về tốc độ gió của Việt Nam vẫn chưa thống nhất. Cùng về tốc độ gió ở  đảo Phú Quý, Côn Đảo, số liệu của Trung tâm Khí tượng Thủy văn là 2-3m/s, trong khi số liệu của WB là 10 m/s.

Năng lượng gió cần được khai thác ở độ cao 70-100 m. Ở độ cao như vậy, nước ta mới chỉ có vài cột đo thí nghiệm chứ chưa có đánh giá đầy đủ. Muốn đo gió, thời gian tối thiểu phải 1 năm cho đến 10 năm. Để lắp đặt một hệ thống phát điện sức gió công suất 2 MW cần đầu tư hơn 3 triệu USD, nếu thất bại, chi phí quá đắt. Mà khi không có đủ dữ kiện khoa học, nếu triển khai dự án thật, rất dễ gặp rủi ro. Ở nước ta, các nhà máy phong điện nếu làm chỉ có thể thực hiện tại khu vực Nam Trung Bộ chứ miền Bắc rủi ro rất lớn.

Đơn cử như Dự án phong điện ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), công nghệ của Tây Ban Nha, công suất 850 kW, độ cao xấp xỉ 100m, hoàn thành năm 2004, tuy nhiên sau một thời gian ngắn thì không hoạt động được nữa. Thời gian hoạt động phát điện cũng chỉ được 100 kW, bằng 1/8 công suất thiết kế. Có thể do dựa vào kết quả khảo sát trong thời gian ngắn, chưa chính xác nên tốc độ gió họ thiết kế cho quạt gió là 12m/s, nhưng khi vào vận hành thực tế và lâu dài, thì tốc độ gió ở Bạch Long Vĩ chỉ khoảng 8m/s.

PV: Được biết, năm 2006, Viện cơ học có triển khai một dự án phong điện trên đảo Cù Lao Chàm, thuộc tỉnh Quảng Nam. Ba năm đã qua và ông có thông tin gì về dự án này?

PGS.TS Đặng Đình Thống: Dự án đó Viện Cơ học làm để phục vụ nhu cầu điện cho dân trên đảo Cù Lao Chàm. Cột cao 13,5m. Khi lắp lên cột rung không chịu được, phải hạ độ cao của cột xuống 6-7m. Vì vị trí đặt cột ở chân núi, bị chắn gió, nên cánh quạt không quay được. Khi chúng tôi hỏi dân họ lắc đầu bảo: ”Từ khi lắp đặt cột, chưa thấy hoạt động ngày nào”.

Một khó khăn nữa trong việc phát triển điện gió là vấn đề giá thành. Hiện nay ngành Điện bán điện cho dân với giá 6 cent/kWh. Điện gió muốn hòa vốn phải bán 9 cent. Trong khi Nhà nước chưa có chính sách trợ giá, sản xuất điện ra không ai mua thì không nhà đầu tư nào dám bỏ vốn. Đến nay, Việt Nam chưa có chính sách bù giá, giảm thuế, tạo điều kiện về đất đai cho sản xuất năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng. Cho nên các nguồn năng lượng tái tạo nói chung và phong điện nói riêng của nước ta, mặc dù nói có tiềm năng nhưng không dễ để tận dụng. Làm cục bộ ở những nơi không có lưới điện quốc gia thì được chứ sản xuất nhiều để hòa lưới thì chưa được vì vướng lý do kỹ thuật.

PV: Lý do kỹ thuật đó là gì, thưa ông?

PGS.TS Đặng Đình Thống: Điện gió không ổn định. Khi gió to điện phát mạnh, khi không có gió lại không có điện. Các nhà đầu tư tư nhân không dám đầu tư vì các nhà máy có công suất cỡ MW trở lên phải nối vào lưới điện quốc gia, trong khi điện gió rất “phập phù”. Ở Việt Nam chưa có nhà máy điện gió  nào thỏa mãn các tiêu chí kỹ thuật như tần số điện áp, hệ số vô công v.v… để có thể đấu lên lưới điện quốc gia.

PV: Nói như vậy có nghĩa là không có giải pháp nào trong bối cảnh hiện tại để khai thác hữu hiệu nguồn điện từ năng lượng gió?

PGS.TS Đặng Đình Thống: Không hẳn như vậy. Với điều kiện Việt Nam, năng lượng tái tạo vẫn là nguồn năng lượng của tương lai và phải khai thác ở dạng hỗn hợp. Trung tâm Năng lượng mới (Đại học Bách Khoa Hà Nội) hiện đang triển khai mô hình năng lượng hỗn hợp 60% pin mặt trời, 40% dầu diesel tại Cù Lao Chàm. Một số trạm nghiên cứu của ngành Bưu chính Viễn thông ở ngoài đảo cũng dùng điện mặt trời kết hợp với dầu. Ngoài ra còn có hình thức điện mặt trời kết hợp với thủy điện nhỏ, và điện mặt trời với gió. Tuy nhiên, tất cả mới ở giai đoạn thí điểm.

Nhưng theo tôi, mô hình này chỉ nên áp dụng ở vùng sâu vùng xa hải đảo, những nơi chưa có lưới điện phủ đến, còn triển khai mô hình này ở thành phố tới hộ gia đình còn nhiều trở ngại. Bởi, để lắp đặt được đòi hỏi khá khắt khe về yêu cầu kỹ thuật. Hơn nữa, hiệu quả kinh tế không cao so với mức chi phí bỏ ra. Dùng điện lưới quốc gia vẫn rẻ hơn nhiều.

PV: Trong bối cảnh năng lượng hạt nhân còn nhiều tranh cãi; thủy điện không ổn định, năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ) ngày càng cạn kiệt, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng tốn kém, khó khai thác,… Vậy theo ông, hướng đi nào cho năng lượng Việt Nam?

PGS.TS Đặng Đình Thống: Ngoài năng lượng gió và mặt trời, nước ta cũng có tiềm năng về năng lượng sinh học (biomass), địa nhiệt, năng lượng thủy triều. Song song với việc tìm ra năng lượng mới để sử dụng thì cũng nên triển khai hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và sản xuất ra các thiết bị năng lượng có hiệu suất cao. Ví dụ như bóng đèn LED hiệu suất 99% trong khi bóng đèn tóc 5%. Máy điều hòa trước cần công suất 2 kW/giờ, hiện chỉ cần 700 W/giờ, có lẽ sắp tới chỉ cần 300 W. Đến giờ ta mới chỉ làm được “phần ngọn” là hô hào tiết kiệm, còn chế tạo và sử dụng thiết bị năng lượng có hiệu suất cao vẫn chưa chú trọng.

Hiện nay, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng còn đắt vì công nghệ chưa hoàn thiện. Khi công nghệ hoàn thiện thì giá thành giảm rất nhanh. Trong khi đó, năng lượng hóa thạch có xu hướng ngày càng đắt do trữ lượng có giới hạn. Theo tôi, đến một lúc nào đó, năng lượng tái tạo sẽ cạnh tranh được với năng lượng hóa thạch.

PV: Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Tạp chí Điện lực)

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện