Sunday, 17/11/2024 | 11:47 GMT+7
Sau cải cách ngành điện lực, các quỹ phúc lợi công cộng hay những khoản phí tổn truyền tải được áp dụng ở nhiều nước. Mục đích của việc thu phí là quyên góp lợi tức nhằm hỗ trợ cải thiện hiệu quả năng lượng. Trong số những quốc gia áp dụng cơ chế trên, Braxin là đất nước duy nhất áp dụng cơ chế trả phí tổn truyền tải như quy định. Cũng chính nhờ cơ chế này mà ngành điện lực Braxin có thể tồn tại và phát triển trong những năm qua.
Kết quả đạt được
Năm 1995 Braxin bắt đầu thực hiện tái cơ cấu ngành năng lượng, theo đó, các công ty điện lực đã tư nhân hóa đều bị bắt buộc đầu tư vào việc nâng cao hiệu quả năng lượng và các hoạt động nghiên cứu phát triển. Đến năm 1998 điều này được chính thức hóa thông qua cơ quan thẩm quyền của ngành năng lượng, quy định bắt buộc trả một khoản tiền “phí tổn truyền tải” hàng năm là 1% lãi ròng của công ty điện lực, khoản tiền này được sử dụng để nâng cao hiệu quả năng lượng.
Trong giai đoạn đầu, 65 đến 90% số tiền thu được từ phí tổn truyền tải dùng phân bổ cho các nhà cung cấp dịch vụ hiệu quả năng lượng nhằm giảm thất thoát năng lượng về mặt kỹ thuật. Quốc hội cũng quy định 50% số tiền đó phải được dùng vào các biện pháp nâng cao hiệu quả năng lượng cho đối tượng là các hộ có thu nhập thấp. Các chương trình công ích để giáo dục về tiết kiệm và quản lý năng lượng đô thị cũng được ưu tiên lựa chọn.
Ngành năng lượng Braxin sau khí tái cơ cấu đã hoạt động rất hiệu quả
Tuy nhiên, qua một thời gian, qua nhiều thay đổi trong quy định của cơ quan thẩm quyền ngành năng lượng, các công ty điện lực bắt đầu đòi hỏi tỷ lệ chi phí – lợi ích tối đa phải là 80% do hầu hết các dự án đều phục vụ chiếu sáng công cộng điều này đã khiến hiệu quả chương trình là không đáng kể do thực tế chiếu sáng công cộng chỉ chiếm khoảng 3% điện năng tiêu thụ hàng năm.
Kết quả thống kê cho thấy, vào những năm 1998- 1999 với 17
công ty cung cấp điện, tổng số tiền đầu tư là gần 70 triệu USD, lượng điện năng
tiết kiệm được là 754 GWh. Càng về sau số lượng công ty điện lực tăng lên, số
tiền đầu tư tương đương song hiệu quả năng lượng là không có. Ví dụ, năm 2004,
với 40 công ty cung cấp điện, số vốn đầu tư là 67 triệu USD song lượng điện
năng tiết kiệm là bằng 0.
Theo các nhà phân tích, các nguồn tài chính rót vào thông qua phí tổn truyền chủ yếu làm lợi cho một số công ty dịch vụ cung cấp điện và các hãng tư vấn.
Theo khảo sát của Hiệp hội các công ty phân phối điện, các công ty dịch vụ cung cấp điện của Braxin xếp những chương trình hiệu quả năng lượng là nguồn cung cấp tiền vốn chính của họ. Một số các công ty điện lực lớn trong nước có xu hướng chuyển giao dần các dự án hiệu quả năng lượng cho các công ty dịch vụ cung cấp điện từ việc thiết kế đến triển khai. Trong năm 2002, các công ty điện lực đã ký 117 hợp đồng với các công ty dịch vụ cung cấp điện, chiếm khoảng 20% các khoản đầu tư vào các chương trình điều chỉnh hiệu quả năng lượng của những công ty này. Tuy nhiên, các hợp đồng đó không phải là những hợp đồng thực hiện mà là những hợp đồng nhượng quyền dịch vụ công với mức thù lao trên cơ sở cộng chi phí.
Hạn chế
Cơ chế phí tổn truyền tải được thực hiện ở Braxin là một trong những nguồn đầu tư quan trọng vào việc điều chỉnh hiệu quả năng lượng ở đất nước này. Tuy nhiên cơ chế trên sẽ không hữu hiệu trong ngành điện lực đã bị tư nhân hóa nếu không bị luật bắt buộc. Sở dĩ cơ chế này không đạt được hiệu quả như mong muốn là góp phần chuyển đổi thị trường các dịch vụ hiệu quả năng lượng là bởi vẫn còn những hạn chế không khắc phục được.
Phí tổn truyền tải giúp ngành điện có nhiều kinh phí hơn trong việc nghiên cứu phát triển
Phí tổn truyền tải được thực hiện bởi các công ty điện lực trong khi bản thân các công ty này ít có sự quan tâm trong việc làm giảm nhu cầu thông qua tiết kiệm năng lượng. Khi thực hiện chương trình các cơ quan chủ quản đã quá cứng nhắc trong việc xác định tiêu chí phân chia chi phí dẫn đến việc bỏ qua kích cỡ của công ty, đặc tính thị trường khi tiến hành chuyển nhượng. Chính việc cắt vụn chương trình thành những dự án nhỏ lẻ đã khiến lợi ích mang lại manh mún, chưa tương xứng với chi phí bỏ ra trước đó.
Một trong những nguyên nhân khiến chương trình còn tồn tại hạn chế là bởi ngay từ ban đầu đã không có được các chính sách về hiệu quả năng lương làm hậu thuẫn do đó không tạo được đòn bảy thúc đẩy nguồn tài chính hay góp vốn thương mại.
Cơ chế thu phí tổn truyền tải thực chất là cách làm hay góp phần huy động tài chính phục vụ cho các dự án hiệu quả năng lượng ở mỗi quốc gia. Để cơ chế này trở thành công cụ hữu hiệu giúp chuyển đổi thị trường hiệu quả năng lượng nói chung cần phải có sự sắp xếp và điều chỉnh lại, đặc biệt là cần những cơ chế chính sách hậu thuẫn để cung cấp hướng dẫn chiến lược về cách tối đa hóa lợi nhuận xã hội.
Linh Hùng