Thursday, 02/05/2024 | 10:21 GMT+7

Giải pháp thu hồi nhiệt thải để phát điện

19/10/2011

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất, bảo trì, giảm tiêu hao năng lượng điện và nhiệt, trong những năm qua, Vicem đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai nhiều dự án tiết kiệm năng lượng

Vừa qua,  tại Hà Nội, Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) phối hợp Công ty JFE Engineering Corporation (Nhật Bản) và Công ty Pratt & Wintney Power Systems (PWPS) (Mỹ) tổ chức hội thảo về "Công nghệ thu hồi nhiệt dư để phát điện" trong ngành công nghiệp xi-măng và các ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam.

Tại hội thảo, hai công ty hàng đầu thế giới trong việc cung cấp giải pháp trong lĩnh vực điện năng, đặc biệt là công nghệ ORC (Organic Rankia Cycle) - thu hồi nhiệt để phát điện, đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến và trao đổi một số kinh nghiệm hoạt động, triển khai tại các dự án trên toàn cầu.

9879212ef_xm.jpg

Bắt buộc áp dụng Công nghệ thu hồi nhiệt lượng dư thừa để phát điện  đối với các nhà máy xi-măng
công suất 1 triệu tấn/năm trở lên tại Việt Nam từ năm 2015


Đại diện lãnh đạo của JFE cho biết đã cung cấp 277 nồi hơi, tổng công suất 790MW, trong đó cung cấp cho ngành xi măng là 56 nồi hơi công suất 260MW ở khắp các quốc gia trên thế giới (Trung Quốc 42 nồi hơi, Nhật Bản 213 nồi hơi, khu vực Đông Nam Á là 12 nồi hơi). JFE đã triển khai thực hiện thành công rất nhiều trạm phát điện tận dụng nhiệt thải truyền thống cho ngành công nghiệp sản xuất xi măng. Hiện tại, JFE đang tiến hành sản xuất nồi hơi tận dụng nhiệt thừa trong hệ thống ORC cho các trạm công suất phát điện nhỏ và nhiệt độ khí thải thu hồi từ quá trình sản xuất xi măng ở mức thấp. Bên cạnh đó, JFE có thể cung cấp hệ thống trạm phát điện WHR tối ưu cho các dây chuyền sản xuất xi măng...

Chia sẻ tại Hội thảo, các doanh nghiệp trong hệ thống của Vicem cho biết, hầu hết các đơn vị đang triển khai dự án tận dụng nhiệt thải để phát điện. Theo ông Lý Tân Huệ - Phó Tổng Giám đốc vicem, trước yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất, bảo trì, giảm tiêu hao năng lượng điện và nhiệt, trong những năm qua, Vicem đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai nghiên cứu, lập dự án cải tạo nâng cấp dây chuyền thiết bị, nâng năng suất lò nung thêm khoảng 10%, cải thiện được chất lượng của sản phẩm trong khi chi phí nhiên liệu, năng lượng điện tiêu hao chỉ tăng rất ít. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 400/QĐ-BXD ngày 23/03/2011 về việc đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện của Bộ Xây dựng, đồng thời qua kết quả và bài học kinh nghiệm của Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2, Vicem đang tích cực triển khai các dự án "Trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải" tại các nhà máy xi măng: Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hoàng Mai...

Công nghệ thu hồi nhiệt lượng dư thừa trong quá trình sản xuất xi-măng để phát điện mang lại rất nhiều lợi ích như: Hỗ trợ điện năng cho mạng lưới điện quốc gia, tự cung cấp năng lượng cho nhà máy, giảm lượng khí thải ra môi trường. Công nghệ này sẽ bắt buộc áp dụng đối với các nhà máy xi-măng công suất 1 triệu tấn/năm trở lên tại Việt Nam từ năm 2015.

Minh Sơn

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện