Tuesday, 07/05/2024 | 01:07 GMT+7

Đan Mạch: Hỗ trợ hết mình giúp Việt Nam tăng trưởng xanh

16/01/2014

Là một trong những quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ về tăng trưởng xanh, Đan Mạch đã và đang hỗ trợ hết mình giúp Việt Nam đạt được mục tiêu TKNL, bảo vệ môi trường.

Là một trong những quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ về tăng trưởng xanh, Đan Mạch đã và đang hỗ trợ hết mình giúp Việt Nam đạt được mục tiêu TKNL, bảo vệ môi trường. Ông John Neilsen – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã chia sẻ như vậy với phóng viên.

0a64435e1__minh_giup_vn_tang_truong_xanh_dai_su_dan_mach.jpg

Đại sứ John Neilsen

Tại sao Đan Mạch lại chọn tăng trưởng xanh là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, thưa ông?

Được mệnh danh là một trong những quốc gia “xanh” nhất thế giới khi sở hữu những công nghệ TKNL hàng đầu và chỉ riêng việc xuất khẩu những công nghệ này đã đem lại khoảng 10% - 12% tổng kim ngạch xuất khẩu Đan Mạch, ít ai ngờ, vào những năm 1970, Đan Mạch đã từng trải qua thời gian khủng hoảng năng lượng trầm trọng đến mức phải cấm ô tô đi lại trong thành phố vào ngày chủ nhật. Ở thời điểm đó, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Đan Mạch đã phải sử dụng nhiều chính sách khác nhau, từ việc thúc đẩy TKNL tại các hộ gia đình đến khuyến khích thành lập những công ty tư nhân chuyên kinh doanh các giải pháp tăng trưởng xanh. Với những nỗ lực của Chính phủ, tính đến nay, Đan Mạch đang sở hữu một “gia tài” đồ sộ các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này. Ở Đan Mạch, bất cứ thứ gì, từ gió, mặt trời, nước… thậm chí đến rác thải cũng có thể biến thành năng lượng. Thậm chí, Đan Mạch còn nhập khẩu rác để sản xuất năng lượng (điện, khí nóng làm ấm các tòa nhà). Nền kinh tế Đan Mạch đã tăng trưởng đến 80% trong vòng 30 năm qua nhưng mức sử dụng năng lượng vẫn giữ nguyên và lượng phát thải CO2 giảm dần– điều mà chưa một quốc gia nào trên thế giới làm được. Tăng trưởng xanh đã không đơn thuần là mục tiêu mà đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Đan Mạch. Bên cạnh đó, Đan Mạch đang đặt ra mục tiêu cho đến năm 2050 sẽ xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng năng lượng hóa thạch gây hại môi trường. Nếu đạt mốc này, Đan Mạch sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới làm được điều này.

Vậy ngoài những nỗ lực từ Chính phủ, người dân có ý thức như thế nào trong việc góp phần vào tăng trưởng xanh?

Không chỉ có những quyết sách mạnh từ Chính phủ, thành tựu tăng trưởng xanh của Đan Mạch còn là kết quả từ những hành động bình dị của người dân. Người Đan Mạch không những có ý thức rất cao để TKNL, bảo vệ môi trường trong mọi khâu của đời sống như thích đi xe đạp, thích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thích ánh sáng và gió tự nhiên… mà họ còn có xu hướng đầu tư vào các công ty có ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả thay vì tích lũy để dành cho lúc về hưu.

08c04a995__mach_ho_tro_het_minh_giup_vn_tang_truong_xanh.jpg

Ký kết xây dựng tòa nhà tối ưu hóa năng lượng đầu tiên tại Việt Nam – một trong những hợp tác tăng trưởng xanh trọng tâm với Đan Mạch

Với những kinh nghiệm của một quốc gia đi trước về tăng trưởng xanh, ông đánh giá như thế nào về những giải pháp tăng trưởng xanh mà Việt Nam đang làm, thưa ông?

Việt Nam có tiềm năng lớn về TKNL, về bảo vệ môi trường trong rất nhiều lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp đến xây dựng, trong các tòa nhà và hộ gia đình. Bên cạnh đó, ý thức được rằng không thể dựa mãi vào nguồn năng lượng hóa thạch, Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét những giải pháp để thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng lớn như mặt trời, gió, hạt nhân… 

Tôi tin rằng Việt Nam đã có quyết định đúng đắn trong việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường cũng như tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, từ định hướng cho đến thực hiện vẫn còn là một khoảng cách rất xa. Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ mạnh hơn dưới dạng khuyến khích cho khu vực tư nhân bởi nếu DN tư nhân chưa nhìn thấy được cơ hội thu lợi nhuận cũng như cơ hội kinh doanh thì họ sẽ không dám đầu tư vào lĩnh vực này. Nhà nước Việt Nam vẫn còn bao cấp giá năng lượng. Điều này khiến nhà đầu tư e ngại khi bước chân vào thị trường Việt Nam. Một thị trường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch, nơi có được một mức giá phản ánh đúng thị trường, và những khuyến khích đầu tư trong công nghệ từ Chính phủ chính là các phương cách đến tiến lên phía trước.

Vậy Đan Mạch sẽ hỗ trợ như thế nào cho Việt Nam trong lĩnh vực này, thưa ông?

Thời gian qua, Đan Mạch đã trở thành một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều hoạt động như chương trình Giờ trái đất, Chiến dịch hiệu quả năng lượng 2011 – 2015 đến những dự án dài hơi như Dự án hỗ trợ TKNL trong các DNNVV, xây dựng tòa nhà hiệu quả năng lượng, Xây dựng Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh... Đặc biệt, dù ngoài Việt Nam, Đan Mạch còn hợp tác tăng trưởng xanh với nhiều quốc gia khác như Mexico, Kenya, Tazania, Hàn Quốc nhưng nếu xét riêng về nguồn vốn hỗ trợ ODA trong lĩnh vực này thì Việt Nam là quốc gia nhận được nhiều ODA nhất với khoảng 60 triệu USD tính từ năm 2010 đến nay. 

Ngoài ra, một trong những công trình hợp tác trọng tâm giữa hai quốc gia mà Đan Mạch đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng là tòa nhà hiệu quả năng lượng. Đây là một mô hình tòa nhà hiện đại rất phổ biến ở Đan Mạch với chức năng tự sản sinh ra năng lượng phục vụ cho những hoạt động trong tòa nhà. Tôi hy vọng rằng sau khi hoàn thành, tòa nhà sẽ thu hút nhiều người đến thăm quan và tìm ra những giải pháp TKNL cho chính mình.

Chúng tôi luôn hy vọng sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng xanh đã đề ra.

Ngoài những giải pháp mang tầm vĩ mô, để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh nói chung và TKNL nói riêng, tại Đại sứ quán Đan Mạch đã được triển khai thế nào, thưa ông?

Đại sứ quán Đan Mạch, nhiều giải pháp TKNL cũng đã được triển khai. Dọc con đường dài dẫn từ cổng vào khu nhà chính được đặt những tấm thiệp nhỏ nhắc nhở TKNL. Tất cả các phòng ban trong đại sứ quán đều được thiết kế hợp lý như sử dụng gam màu trắng để hạn chế hấp thụ nhiệt, sử dụng nhiều kính và cửa lớn để tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên… Năm 2012, sứ quán giảm được 7% lượng nước tiêu thụ và 5% lượng điện tiêu thụ so với năm 2011.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Anh thực hiện
Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện