Friday, 03/05/2024 | 10:48 GMT+7

Các nước Bắc Âu tiến tới chuyển đổi năng lượng hoá thạch sang năng lượng sinh khối

11/02/2015

Kế hoạch trị giá 530 triệu USD của Fortum là một phần trong lộ trình tiến tới năng lượng xanh của Thuỵ Điển. Năng lượng sinh khối, bao gồm mọi thứ từ rác thải và bã gỗ cho đến thực phẩm dư thừa và phân bò, đã sẵn sàng để thay thế nhiên liệu hóa thạch vào đầu năm 2018.

Nếu cần có một bài học về lịch sử năng lượng toàn cầu, không có lựa chọn nào tốt hơn nhà máy điện lâu đời nhất ở Stockholm, Thuỵ Điển. Từ năm 1903, tại bến cảng Vaerta, công ty Fortum Oyj đã bắt đầu sản xuất điện từ than, dầu, khí đốt và thậm chỉ là cả năng lượng hạt nhân.

Giờ đây, công ty này đang tiến đến việc loại bỏ lò than cuối cùng và thay thế nó bằng nhà máy nhiệt - điện chạy bằng mạt và phế liệu gỗ lớn nhất thế giới vào năm 2016. "Điều này có lẽ sẽ đánh dấu chu kỳ phát triển mớitrong chính sách năng lượng của Thuỵ Điển", Ulf Wikstroem, nhà quản lý môi trường của Fortum, cho biết qua điện thoại ngày 13 tháng 1 từ Stockholm. "Chúng tôi dự định chuyển toàn bộ các nhà máy điện sang chạy bằng năng lượng sinh khối chậm nhất là vào năm 2030".

Kế hoạch trị giá 530 triệu USD của Fortum là một phần trong lộ trình tiến tới năng lượng xanh của Thuỵ Điển. Năng lượng sinh khối, bao gồm mọi thứ từ rác thải và bã gỗ cho đến thực phẩm dư thừa và phân bò, đã sẵn sàng để thay thế nhiên liệu hóa thạch vào đầu năm 2018, theo Markedskraft ASA, một công ty cố vấn năng lượng ở Arendal, Na Uy.

Công ty Dong Energy A/S của Đan Mạch đang tiến hành chuyển đổi một nửa số nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng năng lượng sinh khối vào năm 2020. Trong khi đó, công ty Vattenfall AB của Thụy Điển cũng đang gia tăng sử dụng năng lượng sinh khối, đồng thời hạn chế sản xuất điện từ các loại nhiên liệu hóa thạch, nguồn phát thải khí COchủ yếu trên toàn cầu. Mặc dù không phải là dạng sạch nhất trong số các nguồn năng lượng, nhưng năng lượng sinh khối gây ít tác động đến môt trường hơn vì lượng Onó tạo ra trong suốt vòng đời nhiều hơn lượng CO2 nó phát thải với tư cách là một nhiên liệu. Tỷ lệ này có thể lên đến 57% vào năm 2030 nếu tiếp tục thi hành những chính sách hiện tại, theo Cơ quan Năng lượng Thụy Điển.

Mục tiêu của EU là đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 20% vào năm 2020, tăng 6% so với mức 14% năm 2012. Còn ở Mỹ, tổng thống Obama đã yêu cầu chính quyền liên bang phấn đấu đạt mục tiêu tỉ lệ năng lượng tái tạo 10% trong năm nay (2015). Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, cũng có kế hoạch đưa tỷ lệ năng lượng phi nhiên liệu hoá thạch lên 15% vào năm 2020. Đặc phái viên từ 190 quốc gia sẽ gặp nhau trong một cuộc đàm phán tài trợ của Liên Hợp Quốc tại Paris vào tháng 12 năm 2015 để bàn về mức giới hạn phát thải khí CO2. Mục tiêu hiện này là kêu gọi các nhà hoạch định chính sách đề ra biện pháp nhằm kiểm soát mức nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Trên khắp Thụy Điển, các nhà máy sử dụng nhiên liệu sinh khối để sản xuất điện đã tăng 26% trong giai đoạn 2009 - 2014, theo một báo cáo của Svebio, một nhóm vận động hành lang cho việc sử dụng năng lượng sinh khối tại Stockholm, công bố vào tháng 9 năm 2014. Sản lượng là 10,4 TWh vào năm 2013, theo Mạng lưới vận hành hệ thống truyền dẫn điện châu Âu (ENTSO-E). Con số này lớn hơn cả sản lượng điện 9,2 TWh của nhà máy Oskarshamn-3, lò phản ứng hạt nhất lớn nhất quốc gia Bắc Âu này năm ngoái.

Khoảng 6% năng lượng của các nước Bắc Âu được sản xuất từ năng lượng sinh khối, so với mức trung bình 3% của châu Âu, số liệu năm 2013 của ENTSO-E cho biết. Dong, một công ty của Đan Mạch, có kế hoạch đưa tỷ lệ sử dụng nhiên liệu sinh học trong 10 nhà máy của nó tăng lên đến 50% trong 5 năm tới, so với mức 18% hiện tại, ông Jens Price Wolf, Giám đốc quản lý tài sản cho các nhà máy nhiệt điện của công ty, cho biết.

Vattenfall đã bán 2 trong số 3 nhà máy nhiệt điện than và đang tìm cách bán nốt nhà máy cuối cùng, ông Magnus Hakk, giám đốc điều hành của công ty nói với phóng viên và các nhà phân tích hôm thứ Năm vừa qua. Công ty Vattenfall cũng có kế hoạch chuyển đổi toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than và nhiệt điện dầu có tổng công suất 610 MW sang năng lượng sinh khối, theo thông tin trên trang web của mình.

Mặt khác, một khi lò phản ứng hạt nhân Olkiluoto-3 với công suất 1600 MW của Phần Lan đi vào hoạt động trong 4 năm tới, phần lớn các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hoá thạch của các nước Bắc Âu sẽ trở nên quá đắt đỏ, theo ông Olav Botnen, một nhà phân tích tại Markedskraft cho biết. Điều này có nghĩa là sản lượng điện từ năng lượng sinh khối sẽ lần đầu tiên vượt qua than vào năm 2019.

Anh Tuấn (Theo Bloomberg)

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện