Saturday, 27/04/2024 | 08:57 GMT+7

Cải thiện quy hoạch và giao thông đô thị có thể tiết kiệm đến 25% năng lượng

11/02/2015

Theo một nghiên cứu mới in trong Kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học Hoa Kỳ, chính sách quy hoạch và giao thông đô thị có thể hạn chế đến 25% tiêu thụ năng lượng của các thành phố trong tương lai, từ 730 EJ xuống còn 540 EJ vào năm 2050.

Theo một nghiên cứu mới in trong Kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học Hoa Kỳ, chính sách quy hoạch và giao thông đô thị có thể hạn chế đến 25% tiêu thụ năng lượng của các thành phố trong tương lai, từ 730 EJ xuống còn 540 EJ vào năm 2050.

Nếu xu hướng đô thị hóa hiện nay tiếp tục, tiêu thụ năng lượng tại các đô thị sẽ tăng hơn gấp ba lần vào năm 2050. Các thành phố ở những nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Trung Đông có tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong quá trình đô thị hoá cao nhất - chiếm 86% tổng tiềm năng của thế giới.

Tuy nhiên, để đạt được những khoản tiết kiệm trên, việc quy hoạch đô thị phải được định hướng theo cách tạo ra những khoảng cách ngắn nhất giữa nhà riêng và nơi làm việc thông qua các phương tiện giao thông công cộng, kết hợp với việc sử dụng đúng đắn quỹ đất.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mercator về Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu (MCC) cùng các đồng nghiệp tại Đại học Yale, Đại học Maryland và Viện nghiên cứu Tác động biến đổi khí hậu Postdam đã tìm ra những cách thức giảm nhẹ tác động tiêu cực của quá trình đô thị hoá đối với cả các thành phố mới được thành lập lẫn các thành phố đã trưởng thành.

"Thông qua nghiên cứu này, chúng tôi cung cấp những nhận thức mới về những cách giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các loại thành phố khác nhau", nhà nghiên cứu Felix Creutzig, tác giả chính của nghiên cứu và trưởng nhóm nghiên cứu về Sử dụng đất, Cơ sở hạ tầng và Giao thông của MCC, cho biết. Trong nghiên cứu trên, nhóm của Felix Creutzig đã chỉ ra 8 loại thành phố khác nhau và cách thức đối phó biến đổi khí hậu hiệu quả nhất đối với từng loại.

Liên quan đến các lựa chọn chính sách, Creutzig khẳng định: "Tiềm năng giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tập trung ở các thành phố đang phát triển nhanh và có cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Nếu các cách thức ứng phó được thực hiện hiệu quả, chúng ta có thể tránh được việc phát thải một lượng lớn khí CO2."

Chính sách ở cấp quốc gia cũng rất quan trọng. "Ở các nước như Iran hoặc Mỹ, sự tăng giá nhiên liệu sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các thành phố hiệu quả năng lượng", Creutzig nói.

Trong bài viết với tiêu đề "Một cách tiếp cận toàn cầu về sử dụng năng lượng tại đô thị và tiềm năng ứng phó với các tác động tiêu cực của quá trình đô thị hoá", các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu của Ngân hàng Thế giới và Global Energy Assessment để mô hình hoá sự phát triển của 274 thành phố, đại diện cho các đô thị với quy mô khác nhau thuộc các khu vực trên bản đồ thế giới.

Đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ rõ vai trò của các thành phố trong việc đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu khi cho thấy các thành phố trên thế giới chiếm đến 76% tiêu thụ năng lượng toàn cầu và phát thải 75% lượng khí CO2. Hơn 50% dân số thế giới sống ở các đô thị và tỷ lệ này vẫn đang gia tăng nhanh chóng.

"Phương pháp được đưa ra trong nghiên cứu cho phép chúng tôi không chỉ nhận thức được sự khác biệt giữa các thành phố, mà còn đưa ra các giải pháp thích hợp để các thành phố này đóng góp vào công tác tiết kiệm năng lượng và giải thiểu phát thải khí nhà kính trên quy mô toàn cầu," giáo sư Giovanni Baiocchi, Khoa Khoa học địa lý, Đại học Maryland, khẳng định.

Anh Tuấn (Theo Stiftung Mercator)

 

 

 

 

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện