Monday, 06/05/2024 | 13:09 GMT+7

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển giao thông xanh

14/08/2015

Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP Hồ Chí Minh vừa giới thiệu Dự án “Phát triển giao thông xanh TP Hồ Chí Minh và hệ thống nhận diện thương hiệu Saigon BRT” với mục tiêu đầu tư phát triển tuyến xe buýt nhanh dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ.

Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP Hồ Chí Minh (UCCI) vừa giới thiệu Dự án “Phát triển giao thông xanh TP Hồ Chí Minh và hệ thống nhận diện thương hiệu Saigon BRT” với mục tiêu đầu tư phát triển tuyến xe buýt nhanh dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ.

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban UCCI cho biết, đây là bước tiến quan trọng trong định hướng ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nhất là xe buýt của TP Hồ Chí Minh. Tuyến xe buýt nhanh dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (tuyến xe buýt nhanh BRT số 1) sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề liên quan đến vận tải hành khách công cộng, phát triển đô thị và bảo vệ môi trường của thành phố.

Theo UCCI, thông qua tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt kết hợp các tuyến tàu điện ngầm sẽ hình thành mạng lưới vận tải hành khách công cộng đô thị khối lượng lớn, tốc độ cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Quá trình quy hoạch, thiết kế dự án được tích hợp với quy hoạch sử dụng đất, với các thiết kế đô thị dọc tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và nối kết với các tuyến tàu điện ngầm trong tương lai

Thông qua quá trình triển khai, xe buýt sẽ dần trở thành một loại hình giao thông công cộng thay thế các phương tiện giao thông cá nhân, trước mắt là trên tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và sau đó nhân rộng trên các tuyến đường khác, phù hợp với quy hoạch giao thông công cộng trong thời gian tới, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến cũng như cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng nhanh hơn, an toàn hơn, tiện nghi hơn và chính xác hơn. Tuyến xe buýt này được thiết kế theo định hướng thân thiện môi trường, tăng cường mảng xanh đô thị và sử dụng loại xe buýt dùng nhiên liệu CNG sẽ góp phần khắc phục vấn đề khí thải giảm ô nhiễm không khí.

Mô hình tuyến xe buýt nhanh BRT số 1

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Sử Ngọc Anh nhấn mạnh, dự án còn góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trong phạm vi dọc tuyến BRT và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Quá trình xây dựng công trình có thể thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp liên quan; kết nối các khu vực chức năng chính của thành phố, các khu dân cư và các khu vực xa trung tâm, cải thiện hiệu quả khai thác hệ thống giao thông vận tải; thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua dịch vụ giao thông nhanh và tiện lợi; cải thiện môi trường đầu tư.

Quy mô đầu tư xây dựng hợp phần 1 của dự án gồm nhiều hạng mục. Theo đó, sẽ xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 với tổng chiều dài 23 km và các hạ tầng hỗ trợ như 28 trạm dừng, 17 cầu đi bộ (11 cầu xây mới, sáu cầu cải tạo), một ga cuối tuyến, một bãi hậu cần kỹ thuật. Đầu tư 28 xe buýt nhanh BRT sử dụng nhiên liệu sạch CNG, đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) bao gồm hệ thống quản lý giao thông tiên tiến (tín hiệu giao thông thông minh, ca-mê-ra, hệ thống thông tin điện tử) và hệ thống vận hành quản lý xe buýt (hệ thống định vị toàn cầu, thiết bị giao tiếp), đầu tư các tiện ích bổ sung nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người sử dụng tiếp cận dịch vụ xe buýt nhanh BRT... Hợp phần 2 của dự án sẽ bao gồm: Huấn luyện đào tạo, nâng cao năng lực và nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị liên quan; hỗ trợ kỹ thuật cho việc vận hành tuyến xe buýt nhanh BRT trong tương lai; nghiên cứu việc tích hợp (giá vé, vận hành) tuyến xe buýt nhanh BRT với các tuyến tàu điện ngầm (MRT) trong tương lai; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển giao thông công cộng...

Bên cạnh đó, UCCI còn nghiên cứu khả thi phát triển các hệ thống xe buýt nhanh BRT khác trong thành phố như tuyến BRT số 1 nối dài đoạn Bến Thành - Thanh Đa và nối dài vòng xoay An Lạc - Bến xe Miền Tây mới; tuyến BRT số 2 và các tuyến khác theo quy hoạch giao thông công cộng; điều chỉnh một số tuyến xe buýt hiện hữu để tăng cường nối kết với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1.

Dự án sẽ đi qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh với tổng mức đầu tư khoảng 137,5 triệu USD. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (nguồn IDA) là 124 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 13,5 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến năm 2020. Dự kiến, tháng 12-2018, dự án sẽ được đưa vào vận hành, khai thác...

Theo Nhân Dân

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện