Friday, 08/11/2024 | 04:45 GMT+7

Khu công nghiệp Hoà Bình, Long An thúc đẩy sử dụng năng lượng mặt trời

10/12/2021

Khu công nghiệp Hòa Bình, tỉnh Long An dự kiến sẽ chuyển hoá sang sử dụng năng lượng mặt trời trong thời gian tới.

Phát triển dự án với quy mô ước tính là 42 MW
Mới đây, tại Lễ ký kết Hợp đồng kinh doanh Dự án Điện mặt trời áp mái Khu công nghiệp Hòa Bình, Shire Oak International (SOI) và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình (HBI) thoả thuận sẽ cùng nhau thúc đẩy quá trình chuyển hóa sang sử dụng năng lượng mặt trời Khu công nghiệp Hòa Bình Long An (HBIPLA).
Đại diện ký kết hợp đồng là ông Mark Shorrock, Tổng Giám đốc Shire Oak International (SOI), ông Lê Viết Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình (HBI), và ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Năng lượng Tái tạo Hòa Bình (HRE).
Đại diện các công ty bàn luận về việc phát triển Dự án Điện mặt trời áp mái Khu công nghiệp Hòa Bình.
Với hơn 34 năm hình thành và phát triển từ năm 1987, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) hiện là một trong những tổng thầu xây dựng lớn nhất của Việt Nam. Tính đến nay Công ty đã hoàn thành hơn 500 dự án trải dài khắp cả nước và nước ngoài.
Theo hợp đồng được kí kết, SOI và HBI sẽ cùng nhau thúc đẩy quá trình chuyển hóa sang sử dụng năng lượng mặt trời Khu công nghiệp Hòa Bình Long An (HBIPLA) với mục tiêu hợp tác thực hiện các dự án tương tự tại các khu công nghiệp khác tại thị trường Việt Nam và trong khu vực. HBI, với tư cách là chủ sở hữu của Khu công nghiệp Hòa Bình (HBIPLA), và có mối quan hệ tốt đẹp với các Nhà máy trong KCN và chính quyền địa phương, sẽ hỗ trợ SOI trong việc ký Thỏa thuận mua bán điện và quá trình lắp đặt hệ thống Điện mặt trời áp mái (ĐMTAM). HRE, với chuyên môn xây dựng lâu năm, sẽ xây dựng hệ thống ĐMTAM phù hợp với các hợp đồng đã ký giữa SOI và Nhà máy. Toàn bộ quy mô dự án ước tính là 42 MW.
SOI chịu trách nhiệm thiết kế, cung ứng vật liệu và thiết bị, xây dựng và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Thỏa thuận này giúp HBI góp phần bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích kinh tế và nâng cao hình ảnh thương hiệu cho công ty.
Các hệ thống ĐMTAM này đi vào hoạt động sẽ giúp Khu công nghiệp Hòa Bình giảm phát thải carbon hàng năm lên đến 49.733 tấn và các dự án sẽ tạo ra khoảng 59 triệu kilowatt giờ mỗi năm. Các doanh nghiệp tại HBIPLA dự kiến ​​sẽ tiết kiệm ước tính 141 triệu USD từ hóa đơn tiền điện của các dự án này trong vòng đời của tài sản.
Mức giá sử dụng điện mặt trời mà Shire Oak đưa ra thấp hơn hẳn so với giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Việc tiết kiệm chi phí giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng và đầu tư. Hơn nữa, thông qua việc sử dụng năng lượng sạch, HBI tiếp tục nhấn mạnh phương châm lâu đời của doanh nghiệp "Vì sự hài lòng của khách hàng và phát triển bền vững", thể hiện hình ảnh của mình là một tập đoàn xây dựng thân thiện với môi trường, ưu tiên chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Lê Viết Hà, Tổng giám đốc HBI cho biết lý do thúc đẩy ông lắp đặt hệ thống ĐMTAM là "giảm chi phí điện năng và góp phần bảo vệ môi trường góp phần hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng điện hóa thạch truyền thống. ”
Về phía SOI, ông Mark Shorrock đánh giá cao những nỗ lực đóng góp vào sự phát triển bền vững cho Việt Nam của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình: “Mô hình kinh doanh của chúng tôi là đầu tư toàn bộ dự án ĐMTAM và bán nguồn điện “xanh” và rẻ hơn cho khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng chào đón HBI là đối tác mới của Shire Oak International. Tôi càng vui hơn nữa khi sự hợp tác này nằm trong chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn Hòa Bình."
Sự phát triển của các dự án điện mặt trời góp phần vào chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu .
Cần nhiều dự án điện mặt trời hơn tại Việt Nam
Giám đốc Điều hành Hiệp Hội Thương mại Anh Quốc tại Việt Nam, Matt Ryland, cho hay: “Tôi rất vui mừng khi Shire Oak International và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã đạt được thỏa thuận thành công cho dự án bền vững và ý nghĩa này tại Khu công nghiệp Hòa Bình, tỉnh Long An. Thật tuyệt vời khi sự kiện này diễn ngay ở giai đoạn then chốt của một bước đi mới của toàn cầu hướng tới một hành tinh xanh hơn và cũng là lúc Việt Nam công bố cam kết đạt mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050, điều này thực sự giúp đưa Việt Nam dẫn đầu trong việc thực hiện các cam kết khí hậu tại COP26, và chắc chắn sẽ có tác động to lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Như tất cả chúng ta đều nhận thức rõ Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, và do đó, việc xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Việt Nam đặt mục tiêu giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) bằng nguồn lực trong nước và 27% với sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030 theo đóng góp do Quốc gia xác định (NDC). Điều này hy vọng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tại Việt Nam tích cực tìm kiếm các phương án bền vững ”.
Ông cũng cho biết thêm, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với những lợi thế khác biệt, và Long An là một trong những 'ngôi sao đang lên' của ngành sản xuất. 
“Tôi muốn nhấn mạnh trọng tâm của chúng tôi là giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư, và ưu tiên của chúng tôi là thúc đẩy các giải pháp kinh doanh bền vững cho các doanh nghiệp quốc tế muốn đang quan tâm thị trường này. Chúng tôi hy vọng sẽ chứng kiến thêm nhiều sự hợp tác hơn nữa góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Chúng tôi mong muốn có thể sử dụng vai trò của mình với tư cách là Hiệp hội Thương mại Anh tại Việt Nam để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ đối tác giữa hai nước”, ông Matt Ryland nói.
Theo: Pháp luật Plus