Thursday, 26/12/2024 | 23:43 GMT+7

Tòa nhà xanh giúp tiết kiệm năng lượng

19/06/2023

Theo các chuyên gia, trong các toà nhà, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tương đối lớn, đạt khoảng 10 - 40%, nhờ đó các tòa nhà xanh hơn và giảm phát thải CO2.

Tọa lạc trên phố Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tòa nhà Corner Stone Building không chỉ là một biểu tượng của thiết kế hiện đại và đẹp mắt, mà còn là một mô hình cho sự phát triển bền vững. Tòa nhà được thiết kế với mục đích tiết kiệm năng lượng, hệ thống điều hòa khí thải thấp, hệ thống chiếu sáng hiệu quả và hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà để tiết kiệm chi phí điện.
Toà nhà Corner Stone Building.
Ông Lê Sơn Tùng - Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH VIBank - NGT (đơn vị quản lý Toà nhà Corner Stone Building), cho biết: Tòa nhà Corner Stone Building là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, do vậy, ngoài việc thực thi kiểm toán năng lượng 3 năm/lần theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tòa nhà cũng đã đầu tư trang bị hệ thống BMS quản lý các hệ thống cơ bản. Bên cạnh đó, tòa nhà cũng thành lập Ban quản lý năng lượng, ban hành các chính sách về quản lý và sử dụng năng lượng như: Tiết giảm một số bóng đèn không cần thiết khu vực hành lang, nhà để xe; phân lộ chiếu sáng hành lang phù hợp với nhu cầu thực tiễn sử dụng của tầng để xe; theo dõi thống kê thông số kỹ thuật, tiêu thụ năng lượng của các trạm biến áp; vệ sinh bộ giải nhiệt của hệ thống chiller; xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng hàng năm theo kế hoạch của tòa nhà…
Về giải pháp quản lý nội vi, tòa nhà đã xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 giúp tiết kiệm được 42.433 kWh, tương đương với số tiền tiết kiệm 133.733.000 đồng, chi phí đầu tư 150 triệu đồng.
Về kỹ thuật, tòa nhà đã thay bóng đèn compact, huỳnh quang, bằng đèn led tiết kiệm năng lượng. Ông Lê Sơn Tùng chia sẻ: Nhận thấy việc sử dụng đèn compact và đèn huỳnh quang chưa tiết kiệm điện, Ban Quản lý năng lượng và các cán bộ kỹ thuật đã đề xuất và thay thế các loại đèn trên sang sử dụng bóng đèn led tiết kiệm điện. Đồng thời, tiết giảm hệ thống chiếu sáng khu vực 3 tầng hầm thông qua việc chia lộ, bật - tắt và sử dụng các cảm biến ánh sáng.
Để tối ưu hóa việc thông gió tại các tầng hầm, tòa nhà đã lắp cảm biến khí CO để điều khiển quạt hút gió tầng hầm, khi nồng độ khí CO vượt quá 1000ppm, quạt hút gió sẽ được bật lên. Các PAU điều khiển bằng biến tần thông qua tín hiệu khí CO để điều chỉnh không khí tươi cấp vào trong phòng. Đồng thời, các bơm nước lạnh có lắp biến tần để điều khiển lưu lượng nước theo nhu cầu phụ.
Hệ thống chiếu sáng tại tòa nhà được bật - tắt bằng công tắc bố trí trên tường tại từng khu vực chiếu sáng. Ngoài ra, hệ thống BMS của tòa nhà cũng có thể điều khiển bật - tắt các thiết bị chiếu sáng tự động từ xa linh hoạt. Hệ thống chiếu sáng tại mỗi khu vực bên trong tòa nhà đều có một mục đích sử dụng riêng, nên có những cách vận hành khác nhau.
“Tại tòa nhà, đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, hàng năm phát được 132.143kWh điện, với vốn đầu tư là 1,8 tỷ đồng cho dàn pin năng lượng mặt trời, giúp giảm được trên 300 triệu tiền điện” - ông Lê Sơn Tùn chia sẻ.
Kết quả kiểm toán năng lượng năm 2022 của tòa nhà được Sở Công Thương Hà Nội thực hiện cho thấy, thông qua các giải pháp, tòa nhà đã tiết kiệm được 309.203 kWh/năm, tương đương với số tiền tiết kiệm được gần 815 triệu đồng.
Để đạt được mục tiêu môi trường đã đặt ra, Việt Nam cần nhiều hơn nữa những tòa nhà có thể tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao và vững bền, để giảm thiểu tác hại môi trường cũng như chi phí sửa chữa, sử dụng năng lượng.
Theo: Báo Công Thương