Monday, 23/12/2024 | 22:21 GMT+7

Chung tay sử dụng điện tiết kiệm mùa nắng nóng

12/05/2022

Miền Bắc bước vào mùa nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Dự báo việc đảm bảo điện cho sản xuất, tiêu dùng gặp khó khăn. Trong khi nguồn điện mới không tăng. Các dự án đầu tư không thể thực hiện một sớm một chiều, thì tiết kiệm điện được xem như giải pháp khả thi dễ thực hiện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Hướng đến sử dụng điện tiết kiệm 
Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, tình hình cung cấp điện năm 2022 dự báo sẽ rất căng thẳng. Riêng các khách hàng công nghiệp trong năm 2022 đăng ký sản lượng 3.400 MW, tăng khoảng 24% so với năm 2021, chưa kể các phụ tải sinh hoạt cũng tăng trưởng mạnh vào giai đoạn nắng nóng.
EVNNPC dự báo, phụ tải đỉnh Hè năm nay sẽ tăng 12 - 15%, có thể đạt 16.500 - 16.950 MW, tức là tăng thêm 2.000 MW so với mùa nắng nóng năm 2021. Dù vậy, ở phía nguồn cung thì sự bổ sung nguồn điện mới lại chưa nhiều. Ngoài ra, nhập khẩu điện từ nước ngoài cũng bị hạn chế. EVNNPC dự báo, trong các ngày nắng nóng cực đoan, miền Bắc sẽ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm buổi trưa (12h00 -15h00) và cao điểm tối (21h00 - 24h00).
Ngành điện tăng cường sửa chữa, bảo dưỡng đảm bảo cung ứng điện. (Ảnh: EVN)
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 là rất lớn, tạo áp lực trong nhiệm vụ đảm bảo điện. Qua tính toán cân đối cho thấy, khu vực miền Bắc năm 2022 sẽ thiếu khoảng 1.500 - 2.400 MW trong một số giờ cao điểm trong điều kiện thời tiết cực đoan. Do vậy, EVN đã tập trung tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất có thể vào cuối năm 2021, nhất là các hồ khu vực miền Bắc để đảm bảo cấp điện mùa khô năm 2022. EVN cũng huy động tối ưu các nguồn miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc; dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thủy điện nhỏ; tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết các nhà máy điện để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy. EVN bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý; trong đó không thực hiện sửa chữa các nhà máy điện khu vực phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền Bắc.
Ngoài ra, EVN cũng đưa ra các giải pháp bổ sung nguồn điện như: Nghiên cứu đầu tư các hệ thống lưu trữ điện - BESS tại khu vực miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh; tăng cường nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc; các doanh nghiệp có máy phát diesel hỗ trợ. Đặc biệt, giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả được EVN hướng đến trước mắt và lâu dài.
Mặc dù ngành điện đã đưa ra các giải pháp trong cung ứng song sẽ là rất khó để đảm bảo điện ổn định, liên tục trong mùa nóng năm nay, khi nhu cầu sử dụng được dự báo sẽ tăng mạnh. Do vậy, điều quan trọng là người dân, doanh nghiệp phải hướng tới việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Hiện nay, với khoảng 30% sản lượng điện dành cho chiếu sáng (dân dụng, công cộng…), chỉ cần tiết kiệm một nửa số điện hiện dùng bằng công nghệ đèn Led... sẽ tiết kiệm tương đương việc phải xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất khoảng 4.000 MW... Do vậy, tiết kiệm từ nguồn cầu sử dụng điện phải là giải pháp ưu tiên hàng đầu, thay vì việc đi tìm kiếm hay chỉ tập trung xây dựng thêm các nhà máy điện.
Doanh nghiệp chủ động tiết kiệm điện
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp hiện chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. 
Những năm gần đây nhiều giải pháp về tiết kiệm năng lượng, trong đó ưu tiên thực hiện các giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ để cải thiện chế độ sử dụng năng lượng và giảm suất tiêu hao năng lượng trên đơn vị sản phẩm được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng tại các cơ sở sử dụng năng lượng đã có hiệu quả rất lớn, góp phần giảm phát thài khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Điểm sáng là một số doanh nghiệp thuộc các ngành nghề tiêu tốn năng lượng như thép, xi măng, sản xuất chế tạo... đã chủ động hướng đi, đầu tư tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp tìm ra những giải pháp tối ưu để tiết kiệm năng lượng như đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng điện an toàn và hiệu quả.
Chi Nhánh Công ty TNHH Long Sơn tại Thanh Hóa - Nhà máy xi măng Long Sơn là một doanh nghiệp điển hình trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Với mức tiêu thụ sản lượng điện hơn 600 triệu kWh/năm, tương đương gần 1.000 tỷ đồng/năm, việc tiết kiệm điện luôn được nhà máy này đặt lên hàng đầu và là một trong những mục tiêu cốt lõi.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH Long Sơn: "Đầu tiên chúng tôi đưa việc quản lý điện năng vào mục tiêu chính và xuyên suốt của nhà máy. Sau đó, tìm giải pháp phù hợp với điều kiện làm việc của nhà máy để giảm tối đa việc sử dụng điện không hiệu quả". Đặc biệt, Long Sơn đã thực hiện việc thu hồi nhiệt từ quá trình sản xuất clinker, góp phần lớn vào mục tiêu giảm chi phí điện năng trên 1 tấn sản phẩm. Việc thu hồi nhiệt dư đã giúp nhà máy tiết giảm điện hơn 168 triệu kWh/kWh (khoảng 26% tổng tiêu hao điện). Năm tới, doanh nghiệp tìm giải pháp để tiếp tục nâng cao công suất phát điện từ hệ thống nhiệt dư lớn nhất có thể.
Ngoài các giải pháp trên, Xi măng Long Sơn cũng đã trang bị các thiết bị tiên tiến để giảm điện năng, đơn cử như: Lắp đặt và thay thế hệ thống ánh sáng bằng đèn tiết kiệm điện; thiết kế lắp đặt biến tần điều khiển vào các máy có thể tiết kiệm được; thiết kế, viết chương trình điều khiển hệ thống van xả nước tự động cho các bình tích áp trạm nén khí; chỉnh sửa chương trình các lọc bụi túi đóng mở các khoang hợp lý để tiết kiệm tốt nhất…
Hay tại Khu liên hợp sản xuất Gang thép Dung Quất – Quảng Ngãi, ông Hồ Đức Thọ, Phó giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, áp dụng công nghệ mới ngoài việc giúp công ty tiết kiệm lượng lớn điện tiêu thụ, còn giúp thân thiện môi trường, như giải pháp công nghệ tuần hoàn khép kín. Cụ thể, nhà máy được trang bị công nghệ lò cao được khép kín, không xả thải ra môi trường, toàn bộ chất thải, khí thải, nước thải đều được xử lý triệt để, tuần hoàn tái sử dụng, không xả nước sản xuất ra môi trường.
"Việc sử dụng công nghệ thu hồi nhiệt chạy máy phát điện trong nội bộ khu liên hợp giúp Hòa Phát Dung Quất tự chủ khoảng 70% tổng nhu cầu điện sản xuất. Điện tiết kiệm được sẽ giúp doanh nghiệp tăng cạnh tranh. Đây cũng là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp nếu muốn phát triển một cách bền vững." - Ông Hồ Đức Thọ cho hay.
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát áp dụng cơ chế tuần hoàn toàn bộ nguồn nước và công nghệ thu hồi nhiệt thân thiện với môi trường
Ngoài việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện, nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành với ngành điện trong việc điều chỉnh phủ tải (DR), thay đổi thời gian sản xuất vào giờ thấp điểm là một cách để giảm thiểu áp lực lên cung ứng điện. Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia chương trình DR tự nguyện đã dịch chuyển thời gian sản xuất đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất và công suất hoạt động của máy móc nhưng vẫn tiết kiệm được một sản lượng điện nhất định. Từ đó, đảm bảo chia sẻ cùng ngành điện trong những thời điểm thời tiết thiên tai nắng nóng cực đoan có khó khăn về nguồn cung ứng điện phải điều chỉnh phụ tải, điều tiết vận hành để đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện Quốc gia.
Nếu như năm 2019, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) mới có 2.440 khách hàng (chiếm tỷ lệ 84%), thì đến năm 2020, chương trình DR của EVNNPC đã thu hút 3.303 khách hàng tham gia (đạt tỷ lệ 95,4%). Năm 2021 vừa qua đã có 3.225 khách hàng tham gia điều chỉnh phụ tải tự nguyện tại 27 tỉnh miền Bắc với tổng tiềm năng tiết giảm khoảng 1.000 MW điện. 
Việc các doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm điện không chỉ tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị mà còn góp phần hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.
Hiện khối sản xuất công nghiệp sử dụng gần một nửa tổng sản lượng điện cả nước, tức là vào khoảng 100 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp chung tay tiết kiệm 1% trong số này, tương đương giảm 1 tỷ kWh/năm, thì số tiền tiết kiệm được là 1.600 tỷ đồng. 
Khánh An