Friday, 10/05/2024 | 20:29 GMT+7

Hội thảo “Sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả”

25/06/2009

Nhằm tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm điện năng trong các nhà máy công nghiệp và công trình xây dựng tại Việt Nam, sáng ngày 24 tháng 6 năm 2009 tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo “Sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả”. Hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) và Công ty Schneider Electric tổ chức với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi kinh nghiệm và trình bày những giải pháp tiết kiệm năng lượng áp dụng cho các tòa nhà cũng như nhà máy công nghiệp.

Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong 5 năm qua, sản xuất điện năng của Việt Nam tăng trung bình 13%/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ lại tăng đến 15%/năm. Những con số đó cho thấy Việt Nam đang đứng trước thách thức về sự thiếu hụt điện năng. Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy định hay tiêu chuẩn cụ thể nào nhằm quản lý tiêu thụ điện năng, dẫn đến tình trạng các ngành công nghiệp chính như dệt may, khai khoáng… sử dụng lãng phí 15-50% điện năng so với nhu cầu thực tế.

Các chuyên gia cũng dự báo trong 10 năm tới, nhu cầu điện năng trong nước sẽ tiếp tục tăng từ 15-20%/năm, thiếu hụt điện chắc chắn sẽ xảy ra nếu không có các giải pháp tiết kiệm năng lượng kịp thời cho các ngành công nghiệp và công trình xây dựng vốn chiếm đến hơn 50% nhu cầu tiêu thụ điện năng của cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, ông Oliver Jacquet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu cho biết, để đẩy manh việc sử dụng hiệu quả năng lượng, chúng ta không thể chỉ quan tâm đến những giải pháp về kỹ thuật và công nghệ mà còn phải đặc biệt chú trọng vào việc nâng cao nhận thức của các đối tượng sử dụng năng lượng, cần nghiên cứu và triển khai những chiến dịch truyền thông thích hợp đối với từng đối tượng nhằm giúp họ ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả năng lượng đồng thời có những chính sách hỗ trợ hợp lý để giúp các doanh nghiệp đưa nội dung sử dụng hiệu quả năng lượng vào chương trình hành động của họ bởi trên thực tế, chi phí đầu tư thông thường cho trang thiết bị tiết kiệm năng lượng không lớn, có khả năng hoàn vốn trong 2-3 năm nhưng giúp giảm đến 20-30% trên tổng lượng tiêu thụ điện của toàn bộ hệ thống sản xuất.

Đề cấp đến vai trò quản lý nhà nước đối với việc sử dụng năng lượng tại Việt Nam, ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh văn phòng tiết kiệm năng lượng Bộ Công Thương cho biết tuần qua Bộ Công Thương đã trình lên Chính phủ dự thảo Luật Tiết kiệm năng lượng, dự tính sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận vào cuối năm nay. Sau khi được ban hành, Luật Tiết kiệm năng lượng sẽ là công cụ đắc lực để “khuôn khổ hoá” việc sử dụng năng lượng, đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Huyền Anh

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện