Friday, 27/12/2024 | 09:30 GMT+7

Phi cơ điện mở ra kỷ nguyên mới cho hàng không

09/10/2011

Việc phi cơ điện đoạt giải nhất trong cuộc thi chế tạo máy bay tiết kiệm nhiên liệu tại Mỹ có thể mở ra kỷ nguyên mới trong ngành hàng không.

Việc phi cơ điện đoạt giải nhất trong cuộc thi chế tạo máy bay tiết kiệm nhiên liệu tại Mỹ có thể mở ra kỷ nguyên mới trong ngành hàng không.

04cec4a30_maybay00.jpg

Taurus G4, tên của máy bay điện đoạt giải nhất trong cuộc thi CAFE Green Light Challenge, cất cánh tại thành phố Santa Rosa, bang California vào ngày 26/9

Space đưa tin vào năm 2009, NASA đã tổ chức cuộc thi chế tạo máy bay điện mang tên CAFE Green Light Challenge để khuyến khích người dân thiết kế, lắp ráp và trình diễn những máy bay sử dụng nhiên liệu hiệu quả. Kết quả cuộc thi vừa được công bố.

Pipistrel-USA.com, một đội từ Đại học Pennsylvania, giành giải nhất và nhận phần thưởng trị giá 1,35 triệu USD. Giải nhì, trị giá 120.000 USD thuộc về một đội có tên eGenius và tới từ bang California. Máy bay của cả hai đội đều không sử dụng nhiên liệu mà hoạt động nhờ điện.

“Chúng ta vừa chứng minh rằng máy bay điện đã rời khỏi tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và xuất hiện trong cuộc sống thực”, ông Joe Parrish, quyền giám đốc công nghệ của NASA, tuyên bố.

14 đội đã tham gia cuộc thi CAFE Green Light Challenge. Ban tổ chức yêu cầu các đội chế tạo những phi cơ có khả năng bay 322 km trong khoảng thời gian dưới hai giờ và sử dụng dưới 3,78 lít xăng trên mỗi hành khách. Chỉ có ba trong số 14 đội đạt yêu cầu.

“Hai năm trước ý tưởng về việc bay qua quãng đường 322 km bằng phi cơ điện chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết giả tưởng. Giờ đây chúng ta có thể chờ đợi kỷ nguyên của máy bay điện”, Jack Langelaan, trưởng nhóm Pipistrel-USA.com, phát biểu.

Mô hình phi cơ điện đã xuất hiện từ thập niên 70, song ngày nay phần lớn chúng (cả máy bay có người lái và không người lái) chỉ bay trong các thử nghiệm.

Theo VNE