Monday, 23/09/2024 | 06:32 GMT+7

Công nghệ Wi-Fi mới siêu tiết kiệm năng lượng

27/02/2016

Công nghệ Wi-Fi thụ động (Passive Wi-Fi) cho phép mạng Wi-Fi sử dụng ít hơn khoảng 10.000 lần so với mức tiêu thụ của chip Wi-Fi thông thường.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) đã phát triển công nghệ Wi-Fi thụ động, cho phép mạng Wi-Fi chỉ sử dụng 59 microwatt điện năng khi hoạt động, tức là ít hơn khoảng 10.000 lần so với mức tiêu thụ của chip Wi-Fi thông thường. Và công ty khởi nghiệp mang tên Jeeva Wireless đã thành lập với mục tiêu thương mại công nghệ mà Đại học Washington phát triển, rất hữu ích để các thiết bị di động có thể tiết kiệm năng lượng khi hoạt động.

Hãy tưởng tượng hệ thống Wi-Fi hoạt động giống như một đèn pin. Router có các đèn pin, chiếu vào điện thoại của bạn và điện thoại của bạn là đối tượng cần chiếu sáng. Wi-Fi thụ động sẽ loại bỏ các đèn pin để thay thế bằng các tấm gương. Router của bạn vẫn sử dụng tín hiệu Wi-Fi hiện tại để gửi dữ liệu đến các tấm gương, sau đó dữ liệu được “đóng gói” lại thành chùm dữ liệu để gửi đến điện thoại với tốc độ lên đến 11 Mbps, đủ để phục vụ các hoạt động như truy cập mạng xã hội, kiểm tra email hay chat với bạn bè. Các nhà nghiên cứu nói rằng họ đã có thể gửi dữ liệu này ở khoảng cách lên dến 30 mét.

Thực chất của vấn đề này chính là việc thành phần linh kiện analog để phát sóng trong router hiện nay tốn quá nhiều điện, trong khi những linh kiện digital thì lại mang đến hiệu quả tiêu thụ điện năng rất tốt. Bộ phận chứa linh kiện analog sẽ được sử dụng nguồn điện lưới từ ổ cắm điện, gửi sóng đến cảm biến thụ động nằm riêng bên ngoài vốn không cần điện để chạy, tạo ra gói Wi-Fi trước khi gửi đến thiết bị thu Wi-Fi.

Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington, Wi-Fi thụ động vẫn còn mất một vài năm nữa để hoàn thiện, vì vậy sự xuất hiện của Jeeva Wireless sẽ giúp cơ hội tiếp cận đến công nghệ Wi-Fi mới được nhanh hơn.

Theo Thanh Niên

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện