Sunday, 17/11/2024 | 06:27 GMT+7
Một công nghệ hàn mới dùng để chế tạo đường ống áp lực
phục vụ cho công trình thủy điện vừa và nhỏ vùa được đưa vào áp dụng thành công
tại Việt Nam.
Đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị hàn
tự động nối ống có đường kính lớn ở trạng thái không quay” do TS Hoàng Văn Châu
– Viện nghiên cứu cơ khí làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu sáng 11/9 tại
Hà Nội. Công nghệ này để chế tạo đường ống áp lực phục vụ cho công trình thuỷ
điện vừa và nhỏ.
Hệ thống thiết bị hàn tự động nối ống có đường kính lớn ở trạng thái không quay
Trước đây, các công trình xây dựng các tuyến đường ống
thường sử dụng 2 phương pháp ghép nối là phương pháp ghép bằng các mặt
bích và phương pháp ghép nối bằng phương pháp hàn. Nhược điểm của các
phương pháp này là năng suất lao động không cao, chất lượng mối hàn không ổn
định, công nhân thực hiện rất khó khăn, đôi khi mất an toàn lao động hay chỉ có
thể áp dụng được trong nhà xưởng, không áp dụng được ngoài công trường thi công
các tuyến đường ống lớn và dài.
Hệ thống hàn tự động nối ống đường kính lớn ở trạng thái không quay đã được ứng
dụng để hàn đường ống áp lực cho công trình thủy điện Nậm Khánh tại huyện Bắc
Hà, Lào Cai và được đánh giá đảm bảo yêu cầu chất lượng công nghệ hàn.
Nhờ quá trình tự động hóa việc cấp dây hàn, tự động dịch chuyển theo quỹ đạo đúng tốc độ hàn mà có thể định vị chính xác rãnh hồ quang ổn định, tăng năng suất lao động gấp 3 – 4 lần so với hàn thủ công bằng que hàn tay, đặc biệt mối hàn ổn định không phục thuộc nhiều vào người thợ hàn.
Đề tài dự kiến sẽ chuyển giao kết quả nghiên cứu theo 2 hướng là chuyển giao công nghệ trọn gói và nhận thực hiện theo hợp đồng kinh tế thi công hàn ống đường kính lớn ở trạng thái không quay tại hiện trường bằng hệ thống thiết bị, nguyên vật liệu, công nghệ, nhân công của Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ hàn và Xử lý bề mặt cho các công trình xây lắp thủy điện.
Hoàng Anh