Friday, 08/11/2024 | 19:50 GMT+7

Đèn 2 cấp công suất - Giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả

14/11/2008

Chiếu sáng đô thị hiện nay đang tiêu thụ một lượng điện không nhỏ. Một trong các giải pháp đang được áp dụng nhằm tiết kiệm điện là cắt giảm 50% điện năng ở khu vực chiếu sáng công cộng theo phương pháp cách 1 bóng tắt 1 bóng.

Tuy nhiên, giải pháp này vừa không đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, vừa làm giảm mỹ quan đô thị. Trong khi đó, ban đêm, điện áp lưới điện chiếu sáng thường vượt định mức 5-10% dẫn đến làm giảm tuổi thọ bóng đèn. Để khắc phục tình trạng này, hiện Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM đã đưa vào sử dụng loại đèn 2 cấp công suất, vừa tiết kiệm điện, vừa đảm bảo yêu cầu về chiếu sáng.

 

Mỗi bộ đèn gồm: bóng đèn cao áp Natri Son TPA Plus (loại cải tiến), tăng phô tự điều chỉnh độ sáng, bộ điều khiển điện lập trình thời gian, kích và tụ điện.

 

Ưu điểm của loại bóng đèn 2 cấp công suất là có thể điều chỉnh mức tiêu thụ điện từ 250W xuống 150W. Vào giờ cao điểm (18 giờ - 22 giờ) bóng đèn được cài đặt để hoạt động 100% công suất là 250W, đến giờ thấp điểm (từ 22 giờ đến 5 giờ) bóng được cài đặt để tự điều chỉnh công suất, loại bóng đèn này có khả năng tiết kiệm từ 25%- 30% điện năng. Kết quả cho thấy, loại đèn chiếu sáng truyền thống công suất 300W cho độ sáng đồng đều chung là 36,1%. Nếu thực hiện tắt xen kẽ thì độ sáng đồng đều chung chỉ còn gần 30%. Trong khi đó, nếu dùng đèn tự điều chỉnh 2 mức công suất từ 250W xuống 150W thì trong 4 giờ cao điểm độ đồng đều chung đạt hơn 42%. 8 giờ thấp điểm công suất đèn đạt độ đồng đều chung là 40%. Tổng điện năng tiêu thụ giảm được 30,9%. Đặc biệt, khi sử dụng loại bóng 2 cấp công suất từ 150W xuống 100W, kết hợp với chóa đèn có độ phản quang tốt thì giảm được 59,4% chi phí điện năng tiêu thụ.

 

Mặc dù giá thành bộ đèn 2 cấp công suất cao hơn giá bộ đèn truyền thống hiện nay, nhưng nếu tính vào chi phí tiền điện thì sử dụng loại bộ đèn 2 cấp công suất vẫn kinh tế hơn nhiều. Với tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng để lắp đặt 12.000 bộ đèn, khoản tiền tiết kiệm được sẽ vào khoảng 10 tỷ đồng/năm nhờ tiết kiệm điện, Vì vậy, Tp.HCM đang tiến hành sử dụng đồng loạt loại đền này vào năm 2008 trên địa bàn thành phố.

 

Với 1.500km đèn đường, tiêu tốn khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm, vấn đề tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng cũng đang là mỗi quan tâm của Hà Nội. Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Viện Năng lượng nghiên cứu thực hiện đang triển khai đề án ứng dụng thiết bị tự động điều chỉnh điện áp theo thời gian và yêu cầu chiếu sáng để tiết kiệm điện trong chiếu sáng đô thị. Theo đề án, hệ thống đèn đường của thành phố được áp dụng thiết bị tiết kiệm điện năng điều khiển tập trung, nhằm tự động điều chỉnh, giảm điện áp dẫn đến giảm công suất tiêu thụ cho đèn đường, Khi lắp đặt, hệ thống chiếu sáng công cộng sẽ tự động bật đèn khi trời tối, tự động tắt khi trời sáng, tự động giảm 45% công suất điện vào ban đêm. Với giải pháp kỹ thuật này, hệ thống chiếu sáng đô thị vẫn đảm bảo phủ đều ánh sáng, chỉ giảm độ sáng. Đề án nghiên cứu sẽ kết thúc vào tháng 10 tới.

 

(Theo Báo Công Thương)