Monday, 18/11/2024 | 15:48 GMT+7
Theo tin từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành , công ty đã liên kết với Công ty Jatro để thực hiện dự án trồng cây Jatropha trên diện tích 100.000 hecta từ năm 2011 tại Việt Nam.
Lễ
ký kết Biên bản Ghi nhớ về sự hợp tác giữa Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành và
Công ty Jatro – một công ty châu Âu có trung tâm điều hành và quản lý khu vực
Châu Á tại Singapore - trong việc trồng cây Jatropha tại Việt Nam, nhằm tạo ra
nguồn nhiên liệu sinh học (dầu bio-diesel) thân thiện với môi trường, khi mà
các nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt có giá trị tổng cộng từ 15 – 20 tỷ USD chỉ
có thể khai thác trong vòng 10 năm nữa.
Cây Jatropha ở Việt Nam gọi là cây Cọc Giậu, Cọc rào, Dầu mè…và là một loài cây có lịch sử 70 triệu năm, nguồn gốc từ Mexico. Từ năm 1991, Giáo sư người Đức là Klause Becker của Trường Đại học Stuttgart đã nhận đơn đặt hàng của Tập đoàn Daimler Chrysler hợp tác với hãng tư vấn của Áo tiến hành nghiên cứu cây Jatropha ở Nicaragua để làm nguyên liệu sản xuất diesel sinh học. Và theo ước tính, cho đến nay, cả thế giới đã trồng hơn 5 triệu ha Jatropha. Hiệu quả kinh tế của cây Jatropha được đánh giá là rất khả quan tại Ấn độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin, Miến Điện và nhiều nước Châu Phi.
Ở Việt Nam, cây Jatropha có thể trồng được ở mọi nơi của vùng đồi núi, vùng đất cằn cỗi vì đây là giống cây rất dễ tính, chịu hạn, chịu đất xấu, không cháy, không bị gia súc ăn và rất ít sâu bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các dự án trồng Jatropha tại Việt Nam chưa đạt được hiệu quả như các nhà đầu tư mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là do giống cây, kỹ thuật trồng… chưa được nghiên cứu kỹ trước khi đưa vào ứng dụng, dẫn đến việc năng suất cho hạt của cây không cao. Do đó, khi thực hiện dự án này, TTF đã chọn hợp tác với Jatro – một công ty có kinh nghiệm về kinh doanh dầu bio-diesel hơn 15 năm, nắm giữ các bí quyết quan trọng trong biến đổi gen và trồng trọt các loại cây này với hiệu suất lên đến hơn 2 tấn dầu/ hecta cho mỗi năm thu hoạch cũng như vận hành sản xuất dầu bio-diesel.
Với dự báo đến năm 2020, nếu chỉ cần 10% xe hơi trên toàn cầu dùng nhiên liệu sinh học, thì thị trường cho loại dầu này cũng có giá trị lên đến 300 tỷ USD. Đó là chưa kể đến thị trường ngành công nghiệp hàng không, mà Lufthansa đang là tiên phong trong sử dụng nguồn nhiên liệu sinh học này. Từ đó có thể khẳng định trồng cây Jatropha để sản xuất diesel sinh học có thị trường khá bền vững. Ngoài ra, dự án này của Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành còn tạo ra vô số công ăn việc làm cho xã hội, và giữ cho trái đất thêm xanh.
Thúy Hằng