Saturday, 23/11/2024 | 14:39 GMT+7

Nhật Bản muốn duy trì điện hạt nhân ở mức 30%

10/06/2011

Theo kế hoạch đưa ra năm 2010, Nhật Bản sẽ xây thêm 14 nhà máy điện hạt nhân và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ điện hạt nhân lên 53% tổng sản lượng điện vào năm 2030. Tuy nhiên, Thủ tướng Kan cho rằng sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, kế hoạch này khó có thể thực thi và chính phủ đang điều chỉnh theo hướng duy trì tỷ lệ điện hạt nhân ở mức 30% tổng sản lượng điện.

Mới đây Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức hội nghị Ủy ban chỉ đạo thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế mới do Thủ tướng Naoto Kan đứng đầu và thảo luận việc điều chỉnh chính sách năng lượng sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.


Tại hội nghị, Thủ tướng Kan đề nghị xem xét lại thực trạng các nhà máy điện hạt nhân, vốn được coi là trụ cột trong kế hoạch cơ bản về năng lượng hiện hành.

Theo kế hoạch đưa ra năm 2010, Nhật Bản sẽ xây thêm 14 nhà máy điện hạt nhân và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ điện hạt nhân lên 53% tổng sản lượng điện vào năm 2030. 


Tuy nhiên, Thủ tướng Kan cho rằng sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, kế hoạch này khó có thể thực thi và chính phủ đang điều chỉnh theo hướng duy trì tỷ lệ điện hạt nhân ở mức 30% tổng sản lượng điện.
 


Hội nghị đã quyết định thành lập “Ủy ban năng lượng và môi trường” do Bộ trưởng phụ trách chiến lược quốc gia Koichiro Genba làm trưởng ban. Ngoài vấn đề điện hạt nhân, ủy ban này sẽ tập trung thảo luận nhiều chủ đề khác, trong đó có chính sách tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái sinh.


avatar.aspx.jpg


Trong khi đó, nhật báo Nikkei đăng bài viết cho rằng tất cả lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản có thể sẽ phải ngừng hoạt động vào mùa Xuân tới do các công ty điện lực không thể thuyết phục người dân rằng các nhà máy điện hạt nhân là an toàn.


Theo quy định hiện hành, cứ sau 13 tháng hoạt động, các lò phản ứng phải tạm ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ. Để tái khởi động các lò phản ứng này, các công ty điện lực cần phải nhận được sự đồng ý của chính quyền địa phương.


Tuy nhiên, nhiều công ty điện lực đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục chính quyền và người dân ở các địa phương có nhà máy điện hạt nhân để tái khởi động các lò phản ứng này do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima. 


Báo này cho rằng nếu các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản phải ngừng hoạt động, nước này chắc chắn sẽ phải siết chặt các quy định về hạn chế sử dụng điện vào mùa Hè 2012.
 


Ngày 8/6, Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết đã phát hiện đồng vị phóng xạ Strontium trong đất ở 11 địa điểm trong tỉnh Fukushima, trong đó có thành phố Fukushima nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 tới 62km.


Theo bộ trên, đồng vị phóng xạ Strontium được tìm thấy trong mẫu đất lấy từ ngày 10/4 đến 19/5 có nồng độ khá cao, từ 250 đến 1.500 becquerel/kg, cao hơn những mẫu đất lấy từ trước đến nay trong phạm vi bán kính 20km từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. 


Đồng vị phóng xạ Strontium xuất hiện là do các thanh nhiên liệu bị nóng chảy ở nhiệt độ cao và bốc hơi. Đồng vị phóng xạ Strontium có chu kỳ bán phân hủy déo dài, nếu thâm nhập vào cơ thể sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.
 


Cùng ngày, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết cổ phiếu của TEPCO gị giảm 20%, mức thấp nhất từ trước tới nay do ảnh hưởng của khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima.


Thúy Hằng