Friday, 10/01/2025 | 04:00 GMT+7

Thế giới chú trọngTKNL trong giao thông vận tải

29/07/2011

Trên thế giới, các quốc gia như Mỹ, Italy, Nhật Bản, Thái Lan... hiện là những nước đi đầu về các công nghệ TKNL trong GTVT

 Khác với Việt Nam chú trọng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong công nghiệp, các nước phát triển lại tập trung chú yếu TKNL trong giao thông vận tải (GTVT) bởi vì đối với họ, GTVT mới là nguồn tiêu hao năng lượng lớn nhất.

Trên thế giới, các quốc gia như Mỹ, Italy, Nhật Bản, Thái Lan... hiện là những nước đi đầu về các công nghệ TKNL trong GTVT. Có rất nhiều bài học thiết thực Việt Nam có thể học từ các quốc gia này.

Kinh nghiệm Mỹ


Ở Mỹ, lĩnh vực vận tải chiếm 2/3 tổng lượng xăng tiêu thụ. Do đó, Chính phủ Mỹ đã ban hành chương trình TKNL cho các phương tiện giao thông bằng cách đặt hạn mức tiêu thụ nhiên liệu/quãng đường cho các loại xe, phát triển các loại xe hybrid (xe chạy bằng nhiên liệu sạch như CNG, LPG hoặc năng lượng sinh học...)

86a3a31a0_the_gioi.jpg

Được biết mỗi năm, Chính phủ Mỹ sẽ nâng tiêu chuẩn hiệu suất xe hơi lên 4%, đến năm 2015 sẽ có khoảng 1 triệu chiếc xe hơi chạy bằng động cơ nạp điện hỗn hợp được sử dụng. Mục tiêu trong năm 2012 là một nửa số xe hơi của chính phủ sẽ chạy bằng động cơ nạp điện hỗn hợp hoặc xe điện.

Đặc biệt, chính phủ Mỹ rất chú trọng đến quy hoạch đô thị. Phương pháp quy hoạch giao thông của người Mỹ được thực hiện theo cụm chức năng, làm sao cho việc vận chuyển ít nhất. Thay vì phải đi làm 4-5 km, chính phủ Mỹ thiết kế giao thông sao cho người dân đi làm chỉ trong vòng 2-3 km, và các trường học không quá xa.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn có kế hoạch chi ra 189 tỷ USD trong vòng 10 năm tới cho hệ thống “giao thông xanh”, trong đó chủ yếu là cải tạo hệ thống giao thông và công trình quốc lộ.

Với những cách làm trên, ước tính người Mỹ đã tiết kiệm được 1,8 tỉ thùng dầu/năm; và giảm lượng khí thải CO2 là 950 triệu m3 trong vòng 2012- 2016.

Kinh nghiệm của Nhật Bản

Nhật Bản từ lâu đã quan tâm đến vấn đề TKNL cho ngành GTVT. Hệ thống giao thông công cộng (tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt, xe buýt...) của Nhật luôn tiện lợi và người dân ít có xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân.

Đặc biệt Nhật Bản có chương trình Top runner (khởi động từ năm 1998) được xem là một hình mẫu cho việc áp đặt chỉ tiêu hiệu quả năng lượng cho các sản phẩm. Cho đến nay, các sản phẩm của Nhật vẫn được xem là sự lựa chọn tối ưu về mặt năng lượng.

Chương trình Top runner đặt mục tiêu hiệu suất năng lượng cho xe hơi và xe tải khá cụ thể. Theo đó, hạn mức tối ưu cho xe hơi và xe tải nhẹ là trên 20 km/lít xăng.

Kinh nghiệm từ Thái Lan

Thái Lan lập hẳn một quỹ hỗ trợ tiết kiệm năng lượng trên cơ sở đánh thuế 0,07 baht/lít nhiên liệu, nguồn thu được khoảng 2,5 tỉ baht/năm sẽ được đầu tư lại cho việc thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng cho giao thông vận tải.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm TKNL TP.HCM (ECC-HCM) nhận xét rằng, chỉ mới bắt đầu triển khai thực hiện các chương trình TKNL trong GTVT 3-4 năm gần đây, nhưng Thái Lan đã thành công đáng kể. Khách du lịch đến Băng Cốc, thủ đô của Thái Lan hôm nay sẽ thấy xanh, xanh sạch đẹp và hiện đại hơn so với 3-4 năm về trước.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước, nhiều bài học có thể được rút ra và áp dụng thành công ở Việt Nam. Theo Giám đốc ECC – HCM, các bài học cần áp dụng linh hoạt và triệt để. Như quy hoạch đô thị cần tính toán đến hệ thống giao thông để người dân không phải đi những đoạn đường dài từ nơi cư ngụ đến nơi làm việc; phát triển hệ thống giao thông công cộng; lập lộ trình chuyển đổi sử dụng các dạng nhiên liệu sinh học và khí đốt hóa lỏng như E5, E10, LP6, CN6… Ông Tước nói thêm: “Việc thay đổi hành vi của tài xế như tạo thói quen bảo hành, bảo trì, sử dụng xe đúng thì cũng đã tiết kiệm được từ 10-15% năng lượng!“.

Linh Hùng