Monday, 18/11/2024 | 08:27 GMT+7

Fujisawa - Thị trấn "xanh" bền vững của tương lai

14/08/2011

Kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả năng lượng đã trở thành quốc sách ở Nhật Bản.

Kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả năng lượng đã trở thành quốc sách ở Nhật Bản.

Hàng loạt các dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và khai thác các nguồn năng lượng tái sinh đã liên tục ra đời trên “đất nước mặt trời mọc.” Trong số này, đáng chú ý có dự án xây dựng thị trấn thông minh và bền vững Fujisawa (Fujisawa Sustainable Smart Town) của Panasonic.

Tham vọng của Panasonic

Ông Hiroyuki Morita, người đứng đầu Nhóm Thị trấn thông minh của Panasonic, cho biết tập đoàn sẽ hợp tác với thành phố Fujisawa và 8 tập đoàn tên tuổi khác của Nhật Bản để xây dựng một thị trấn mới trên một mảnh đất rộng khoảng 19ha nằm ở thành phố Fujisawa, tỉnh Kanagawa, cách thủ đô Tokyo khoảng 50km về phía Tây.

1dad53f45_thi_tran_xanh_2.jpg

Theo ông Morita, thị trấn này sẽ được xây dựng dựa trên ý tưởng về phong cách sống xanh của Panasonic, một trong những tập đoàn đi đầu trong công nghệ thân thiện với môi trường ở Nhật Bản.

Quan chức này cũng cho biết Panasonic sẽ muốn biến Fujisawa thành một mô hình thị trấn hiện đại và sử dụng hiệu quả năng lượng thông qua việc tận dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và kết hợp giữa các giải pháp sản xuất, lưu trữ và quản lý năng lượng.

Theo kế hoạch, các tập đoàn trên sẽ đầu tư khoảng 60 tỷ yen cho dự án này, trong đó Panasonic đầu tư 25 tỷ yen. Thị trấn mới sẽ bắt đầu hoạt động vào khoảng tháng 3/2014 và sẽ được lấp kín vào năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Panasonic.

Thị trấn của tương lai


Khác với các thị trấn hiện nay, theo ông Morita, Panasonic muốn biến Fujisawa thành một thị trấn thông minh và bền vững điển hình của tương lai.

Trong thị trấn thông minh Fujisawa, các hệ thống điện và dữ liệu được kết nối với nhau và được quản lý một cách tập trung bằng công nghệ thông tin.

62757eb41_thi_tran_xanh1.jpg

Tất cả các căn hộ ở Fujisawa sẽ được lắp đặt các tấm pin mặt trời và các thiết bị lưu điện để có thể tự đảm bảo nguồn cung điện trong các tình huống khẩn cấp.

Bên cạnh đó, các căn hộ này cũng được trang bị các thiết bị tiết kiệm năng lượng do chính Panasonic sản xuất như đèn LED, điều hòa không khí, tủ lạnh hay máy giặt.

Cùng với nhà ở, các cửa hàng ở đây cũng sử dụng các công nghệ quản lý việc sử dụng và tiết kiệm năng lượng mà Panasonic đang thử nghiệm ở Thái Lan, Trung Quốc và thành phố Sapporo của Nhật Bản.

Nhằm giảm lượng khí thải cácbon, khoảng 3.000 cư dân của thị trấn sẽ sử dụng chung xe đạp và xe ô tô điện thế hệ mới.

Ông Morita cho biết Panasonic đặt mục tiêu cắt giảm 70% lượng khí thải CO2 và tiết kiệm 30% lượng nước tiêu thụ so với các mức khí thải và tiêu thụ nước ở thị trấn này vào năm 1990.

Bên cạnh đó, Panasonic cũng muốn xây dựng Fujisawa thành một thị trấn bền vững. Đó sẽ là sự kết hợp giữa các cơ sở hiện đại nhất với cảnh quan thiên nhiên.

Fujisawa cũng sẽ là một trong thị trấn an toàn nhất trên thế giới khi được trang bị các thiết bị giám sát hiện đại, kết hợp giữa đèn LED tự động, các camera an ninh và các cảm biến. Mọi công dân của thị trấn đều được bảo đảm an toàn một cách bí mật nhờ hệ thống giám sát rất khó nhận thấy này.

Trong bối cảnh có những nghi ngờ về tính kinh tế của công nghệ khai thác nguồn năng lượng tái sinh như điện mặt trời và phong điện, ông Masaru Maruo, Giám đốc Bộ phận phụ trách châu Á và châu Đại Dương của Panasonic, cho biết tập đoàn này không thể chờ các công nghệ đó hoàn chỉnh mới thực hiện dự án trên.

“Chúng tôi muốn đi đầu trong việc thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ xanh,” ông Maruo nói. Ông Maruo cũng khẳng định Panasonic sẽ nhân rộng mô hình thị trấn Fujisawa này ra khắp Nhật Bản và thế giới. 

Theo Vietnam+