Sunday, 17/11/2024 | 22:46 GMT+7

Máy bay năng lượng mặt trời hoàn thành sứ mệnh

08/06/2012

Chiếc máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời hôm qua đã làm nên lịch sử khi hạ cánh xuống thủ đô Morocco, sau khi cất cánh từ Tây Ban Nha bay qua Eo biển Gibraltar, trong chuyến bay liên lục địa đầu tiên của máy bay loại này.

Chiếc máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời hôm qua đã làm nên lịch sử khi hạ cánh xuống thủ đô Morocco, sau khi cất cánh từ Tây Ban Nha bay qua Eo biển Gibraltar, trong chuyến bay liên lục địa đầu tiên của máy bay loại này.

 Bertrand Piccard, chuyên gia tâm lý và là nhà khí cầu học 54 tuổi người Thụy Sỹ, đã hạ cánh chiếc Solar Impulse xuống sân bay Rabat Sal vào 11h30 tối qua, dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Chiếc máy bay được giới chức Cơ quan năng lượng mặt trời Morocco nồng nhiệt chào đón.
 
Solar Impulse dự kiến sẽ lưu lại Rabat 5 ngày trước khi cất cánh đi Ouarzazate, nam Morocco, dự lễ động thổ nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất từng được xây dựng.

2b697fecc_solarimpulse.jpg

Khi bước ra khỏi máy bay, phi công Piccard có vẻ mệt mỏi sau gần 19 giờ bay, nhưng ông vẫn cười tươi. Một nhà ga đặc biệt đã được giới chức sân bay Morocco dựng lên để đón chào phi công và máy bay.
 
Hàng chục người, trong đó có những người điều hành chuyến bay và giới chức Morocco, đã tập trung trên đường băng để chứng kiến giây phút hạ cánh lịch sử.

 Piccard cất cánh từ sân bay Barajas của Madrid trước bình minh, vào 5h22 sáng ngày 5/6. Solar Impulse lớn bằng chiếc Airbus A340, tuy nhiên lại nhẹ như một chiếc xe hơi gia đình bình thường.

“Trong một tiếng, trăng sáng vằng vặc bên tay phải tôi và bên tay trái là mặt trời mọc. Thật kỳ diệu”, Piccard cho biết từ buồng lái. “Tôi được thấy tất cả sắc màu của cầu vồng trên bầu trời và trên mặt đấu”.
 
Sau hơn 10 tiếng bay, Piccard đã cho máy bay bay lên độ cao hơn 5.500m. Khi bay với tốc độ khoảng 45km/h ở độ cao đóng băng này, ông đã phải dùng đến mặt nạ oxy để thở.
 
Chiếc camera trên máy bay đã cho thấy hình ảnh về những cánh đồng, thung lung trải dài bên dưới chiếc máy bay với 12.000 tế bào pin mặt trời được gắn trên cánh.

 Để có được chuyến bay liên lục địa, Piccard phải bay ngang qua Eo Gibraltar, 14 km ở điểm hẹp nhất, từ châu Âu tới châu Phi. Vượt qua eo biển này là một trong những chặng thách thức nhất của hành trình bởi ông phải cần đến trợ thở oxy và nhiệt độ rớt xuống âm 29 độ C.

Tuy nhiên, cuối cùng Piccard đã hạ cánh an toàn chiếc máy bay và không cần dùng đến một giọt nhiên liệu.

K.ANh theo AFP