Sunday, 17/11/2024 | 14:34 GMT+7

Tiết kiệm điện năng tại các nhà cao tầng

19/11/2012

Vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà đang trở nên cực kỳ bức thiết nhằm tiết kiệm điện năng, giảm thiểu chi phí và bảo vệ môi trường.

Vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà đang trở nên cực kỳ bức thiết nhằm tiết kiệm điện năng, giảm thiểu chi phí và bảo vệ môi trường.

Theo thống kê, tổng năng lượng tiêu thụ cho các công trình xây dựng chiếm từ 40-70% năng lượng cung cấp cho đô thị, trong đó các công trình tòa nhà cao tầng như: khách sạn, tòa nhà thương mại… tiêu thụ từ 35-40%. Như vậy, việc sử dụng năng lượng hiệu quả tại các công trình, đặc biệt là các công trình cao tầng sẽ góp phần giảm đáng kể lượng tiêu thụ điện cũng như chi phí cho các tòa nhà, đặc biệt là đối với các công trình có chi phí điện năng lớn như các tòa nhà văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại…

Hiện nay, tại các thành phố lớn, số lượng tòa nhà cao tầng đang mọc lên ngày càng nhiều, kéo nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất lớn. Cùng với đó, vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà đang trở nên cực kỳ bức thiết nhằm tiết kiệm điện năng, giảm thiểu chi phí và bảo vệ môi trường.

Lãng phí từ điều hòa nhiệt độ

Thực tế hiện nay, khoảng 95% các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam không tích hợp tính hiệu quả sử dụng năng lượngvào khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình. Đây là một sự lãng phí rất lớn, đặc biệt khi nước ta đang có tốc độ tăng trưởng xây dựng cao, tổng diện tích sàn của các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tăng trưởng với tốc độ 6-7% mỗi năm.

Theo kết quả khảo sát mới đây của Bộ Xây dựng kết hợp với hai trung tâm tiết kiệm năng lượng (TKNL) Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, đối với trụ sở cơ quan hành chính, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí chiếm trên 70% tổng năng lượng; đèn chiếu sáng chiếm 10%; các thiết bị khác như máy móc văn phòng, thang máy, máy bơm nước chiếm khoảng 20%.

01d804754_melinh_plaza.jpg

Nhờ cắt giảm và phân bố lại các khu vực chiếu sáng, Trung tâm Thương mại Mê Linh Plaza đã tiết kiệm được 440 triệu đồng.

Có thể thấy, nguyên nhân của tình trạng lãng phí hiện nay ở các tòa nhà xây dựng là do việc lắp đặt hệ thống điều hòa không khí không phù hợp, không vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ; lớp vỏ công trình có thiết kế và vật liệu không đảm bảo yêu cầu tiết kiệm năng lượng… Ngoài ra, việc thiếu ý thức cũng như những hiểu biết trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả lại được nhắc đến như một trong những nguyên nhân cơ bản làm hạn chế hiệu quả các chương trình tiết kiệm năng lượng.

Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà tương đối lớn, có thể lên đến 30%. Thực tế, các tòa nhà được xây dựng sau với quy mô lớn thì việc thực hiện tiết kiệm năng lượng sẽ tốt hơn bởi các tòa nhà này có hệ thống nước nóng mặt trời, hệ thống điều hòa không khí, cửa sổ dùng kính cách nhiệt… Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay mức năng lượng một tòa nhà sử dụng thường cao hơn mức năng lượng một nhà máy sử dụng. Trong một tòa nhà, các thành phần sử dụng năng lượng bao gồm hệ thống điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thiết bị văn phòng, hệ thống thang máy và các thiết bị phụ trợ khác như bơm nước, thông gió… Cơ cấu sử dụng năng lượng của một tòa nhà bao gồm: năng lượng tiêu tốn cho hệ thống điều hòa không khí chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 40-60%, hệ thống chiếu sáng chiếm khoảng 15-20%, các thiết bị văn phòng chiếm 10-15%, phần còn lại dành cho các thiết bị phụ trợ khác…

Để thực hiện giải pháp tiết kiệm điện năng tối ưu trong các tòa nhà cao tầng không chỉ dựa vào các yếu tố kỹ thuật mà phải dựa vào các yếu tố tự nhiên trong xây dựng như khoảng không gian xanh để lấy ánh sáng và không khí từ thiên nhiên. Ngoài ra, giải pháp đơn giản nhất là tắt các thiết bị sử dụng năng lượng khi không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo cho công việc vận hành tốt, hệ thống quản lý năng lượng tốt… Ngoài ra, cần hình thành được hệ thống quản lý năng lượng; sử dụng hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện; khuyến khích các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời…

Bên cạnh những giải pháp thay đổi công nghệ mới hiện đại, sử dụng trang thiết bị hiệu quả năng lượng cao, một giải pháp quan trọng là đội ngũ quản lý và bảo dưỡng các thiết bị tiêu thụ năng lượng tại tòa nhà. Theo ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội, tại mỗi tòa nhà cao tầng nên thành lập ban quản lý năng lượng. Các thành viên của ban quản lý năng lượng sẽ tạo điều kiện tích hợp các định hướng tiết kiệm năng lượng vào chính sách chất lượng, vì tiết kiệm năng lượng góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Lợi cả hai phía

Theo phân tích tại 8 tòa nhà TKNL điển hình và 27 cuộc phỏng vấn với các chuyên gia phát triển dự án của Swisscontact (Đức), một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực hợp tác phát triển, cho thấy việc đầu tư vào các giải pháp TKNL tại tòa nhà có thể mang lại lợi nhuận đáng kể cho chủ đầu tư.

Chẳng hạn như tại Trung tâm Thương mại Mê Linh Plazađã cắt giảm và phân bố lại các khu vực chiếu sáng không cần thiết, thay thế toàn bộ 6.000 bóng đèn T10 chấn lưu sắt từ bằng bóng đèn T8 chấn lưu điện tử, lắp đặt hệ thống tủ bù tại các trạm biến áp, đảm bảo hệ số cosφ luôn đạt trên 0,9. Bên cạnh đó, Mê Linh Plaza đã tiến hành phân chia và lắp đặt đồng hồ đo đếm cho từng khu vực tiêu thụ năng lượng chính, đồng thời cài đặt nhiệt độ điều hòa tương ứng với mỗi khu vực từ 26oC trở lên. Lắp đặt hệ thống quạt cắt gió cho các cửa ra vào hạn chế thất thoát nhiệt điều hòa bên trong và ngoài tòa nhà. Với những giải pháp này, Trung tâm Thương mại Mê Linh Plaza đã tiết kiệm được 440 triệu đồng.

Hay việc áp dụng hệ thống điều khiển trung tâm tại cao ốc HITC từ năm 2007-2009 đã tiết kiệm được 410 nghìn kWh. Đặc biệt, các công trình này có tỷ lệ hoàn vốn cao, thời gian hoàn vốn hợp lý. Như tòa nhà HITC thời gian hoàn vốn là 1,5 năm, với tỷ lệ hoàn vốn (ROI) 131%, tương tự, ở khách sạn Sheraton thời gian hoàn vốn là 8 tháng và ROI là 312%.

Tuy nhiên, việc đầu tư TKNL hiện tại vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam.Theo nghiên cứu, việc thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu sự tin tưởng vào lợi ích của các biện pháp TKNL là những lý do chính khiến các biện pháp này chưa được thực thi. Nhưng từ thực tế, các công trình này cho thấy, lý do chính cản trở việc áp dụng các giải pháp TKNL không phải vốn đầu tư. Vì thực tế, hiệu quả mà các giải pháp này mang lại lớn hơn nhiều so với vốn đầu tư mà chủ đầu tư chi ra.

Theo một chuyên gia tư vấn về hiệu quả năng lượng, nhiều công trình đã triển khai các biện pháp thiết kế xanh và TKNL, không những giảm được chi phí năng lượng mà còn quảng bá được hình ảnh của công trình miễn phí trên các phương tiện truyền thông. Nhất là hiện nay, nhận thức khách hàng quốc tế đối với vấn đề môi trường ngày càng cao và nhiều khách hàng muốn ưu tiên chọn ở những khách sạn xanh chính là động lực để các doanh nghiệp và các khách sạn áp dụng những giải pháp TKNL và tiêu chuẩn môi trường.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tòa nhà cao tầng, vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả đang được đặt cấp thiết nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao lợi nhuận và bảo vệ môi trường. Bởi TKNL và sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà không chỉ góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn phù hợp với mục tiêu của Chính phủ, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Theo Petrotimes