Saturday, 23/11/2024 | 07:22 GMT+7

Ứng dụng năng lượng mặt trời trong các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe

14/01/2013

vVệc lắp đặt đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời vừa đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, vừa tiết kiệm.

Hiện cả nước có khoảng 72 Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đang hoạt động, chi phí về điện chiếu sáng tại các mặt bằng Trung tâm rất lớn. Với đặc điểm mặt bằng sân rộng, ít bị che khuất ánh sáng mặt trời, nên việc lắp đặt đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời vừa  đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, vừa tiết kiệm.

Năng lượng mặt trời ngày càng được quan tâm

Năng lượng mặt trời được con người biết đến từ rất sớm, nhưng ứng dụng năng lượng mặt trời vào công nghệ sản xuất và trên quy mô rộng chỉ thực sự diễn ra ở cuối thế kỷ XVIII. Ban đầu chủ yếu ở những nước có nguồn năng lượng mặt trời lớn, những vùng sa mạc. Từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới năm 1968 và năm 1973 năng lượng mặt trời càng được quan tâm đặc biệt. Các nước công nghiệp phát triển đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời. Ứng dụng phổ biến của năng lượng mặt trời hiện nay là Pin mặt trời để sản xuất điện thông qua thiết bị biến đổi quang điện.

Vị trí bố trí các cột đèn tại sân sát hạch.

Với lãnh thổ trải dài từ vĩ độ 23023’ Bắc đến 8027’ Bắc, Việt Nam nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời khá cao, rất có tiềm năng trong việc ứng dụng năng lượng mặt trời. Cơ sở dữ liệu về lượng ánh sáng trung bình của đài khí tượng NASA - thường được dùng trong tính toán, lắp đặt tấm điện mặt trời cho thấy: lượng ánh sáng mặt trời trung bình năm tại TP. HCM là 5,20 kWh/ngày, Hà Nội là 4,3 kWh/ngày, Đà Nẵng là 4,88 kWh/ngày.

4d5c4a19f_vi_tri.jpg

Với lượng ánh sáng như vậy, tại nhiều nơi và rất nhiều công trình điện chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời đã lắp đặt thành công và sử dụng tốt như: hệ thống pin mặt trời hòa vào lưới điện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trạm pin mặt trời nối lưới lắp đặt trên mái nhà làm việc Bộ Công thương, cột đèn năng lượng mặt trời kết hợp năng lượng gió đầu tiên được lắp đặt tại Ban quản lý dự án Công nghệ cao Hòa Lạc, ứng dụng thí điểm đèn báo hiệu sử dụng năng lượng mặt trời trên luồng giao thông ĐTNĐ, ứng dụng thí điểm hệ thống đèn đường sử dụng năng lượng mặt trời trên quốc lộ và sắp tới là dự án liên doanh với Công ty Methis Environmental (Vương quốc Bỉ) triển khai dự án ứng dụng năng lượng mặt trời công suất 2.5MWp tại cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD...

Tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo

Hiện nay hầu hết các Trung tâm sát đào tạo, sát hạch lái xe đang sử dụng các đèn chiếu sáng sử dụng nguồn điện lưới với thời gian chiếu sáng dài để phục vụ thi, học lái xe và bảo đảm an ninh trên sân. Do đó để bảo đảm chiếu sáng, trên mỗi mặt bằng sân thường được bố trí ít nhất 10 cột đèn chiếu sáng. Với thực trạng như vậy, chi phí về điện chiếu sáng tại các mặt bằng Trung tâm rất lớn. Bên cạnh đó, với đặc điểm mặt bằng sân rộng, mức độ che khuất ánh sáng mặt trời ít nên việc xem xét lắp đặt đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời vừa để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, vừa tiết kiệm điện nói chung và tiết kiệm chi phí cho các sân thi sát hạch lái xe nói riêng cần phải được tính đến.

Theo đánh giá, sử dụng năng lượng mặt trời trong chiếu sáng sân sát hạch tuy chi phí đầu tư lắp đặt ban đầu khá lớn nhưng được bù lại bởi rất nhiều lợi ích như: không phải chi phí tiền điện hàng tháng; Không phải chi phí cho lắp đặt hệ thống đồng hồ đo đếm điện; Không phải chi phí cho nhân lực đóng cắt điện do có hệ thống đóng cắt điện tự động; Bảo đảm tính thẩm mỹ do không phải đi dây phức tạp; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi dùng nguồn điện là 12V, trong khi nguồn điện lưới truyền thống cho điện áp rất cao (220V - 320V); Dễ lắp đặt, vận hành, bảo trì hệ thống; các thiết bị năng lượng mặt trời có tuổi thọ cao hơn so với các thiết bị thông thường, ví dụ pin mặt trời có tuổi thọ trung bình từ 20 đến 25 năm; Tăng hiệu quả sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.

3ca1ecd8c_hinh_anh.jpg
Hình ảnh hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời chiếu sáng
 tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Sơn Tây

Cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe Sơn Tây thuộc Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương I với mặt bằng diện tích 5.2 ha nằm ở phía Tây thị xã Sơn Tây bên ngoài cánh đồng, không có nhà cao tầng che khuất, thời gian chiếu sáng từ 7 đến 8 giờ mỗi ngày rất thích hợp để lắp đặt thử nghiệm thiết bị chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời.

Dự án đã tiến hành lắp đặt thử nghiệm 5 cột đèn sử dụng năng lượng mặt trời tại Trung tâm này nhằm đánh giá các hiệu quả về kinh tế - kỹ thuật khi sử dụng. Qua theo dõi, đánh giá kể từ khi lắp đặt đến nay các thiết bị vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo độ rọi theo thiết kế, ánh sáng trắng dịu đảm bảo cho các phương tiện hoạt động trong mặt bằng Trung tâm cũng như phục vụ cho công tác bảo đảm an ninh ban đêm tại Trung tâm.

Dự án được lắp đặt và sử dụng thành công tại Cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe Sơn Tây đã phát huy được hiệu quả kinh tế, hiệu quả đầu tư; môi trường và xã hội mở ra tiềm năng mới trong việc nội địa hóa các thiết bị của hệ thống và ứng dụng thành công tại các cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe trên cả nước cũng như chiếu sáng trên các tuyến đường quốc lộ nhằm đạt mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Phổ biến kiến thức

 Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động vận tải

 Thông tư 64/2011/TT-BGTVT quy định rõ, về tổ chức vận tải: Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khi xây dựng phương án tổ chức vận tải phải đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một tiêu chí để lựa chọn phương án. Ưu tiên các phương án: rút ngắn cự ly vận chuyển, nâng cao hệ số lợi dụng trọng tải, hệ số lợi dụng quãng đường; Khuyến khích tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành vận tải; kết hợp các phương thức vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động vận tải tại đơn vị.

Đối với việc đầu tư và quản lý sử dụng phương tiện vận tải, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải có trách nhiệm: Xây dựng và thực hiện định mức tiêu thụ nhiên liệu tại doanh nghiệp; hàng năm cập nhật, hoàn thiện định mức nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của pháp luật; Xây dựng định ngạch và thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ phương tiện, thiết bị vận tải trong quá trình khai thác, sử dụng tại doanh nghiệp nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Tuân thủ niên hạn sử dụng của phương tiện vận tải và xây dựng kế hoạch loại bỏ phương tiện không bảo đảm mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo quy định hiện hành.

Tại Thông tư này, Bộ GTVT cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, năng lượng mới trong GTVT Trong đó nêu rõ: tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành được kết hợp các nguồn lực theo quy định hiện hành để tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động GTVT

 


Thúy Hằng