Với đặc thù là một tỉnh ven biển miền Trung, có số giờ nắng và tốc độ gió lớn so với cả nước, Ninh Thuận đang được xem là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng gió…
Hệ thống pin từ năng lượng mặt trời tại Ninh Thuận
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, với đặc điểm khí hậu khá đặc thù là ít mưa, nhiều nắng, hầu như quanh năm không bị ảnh hưởng mưa bão nên nhiều nhà địa lý học đã ví Ninh Thuận như “vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á”. Ninh Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời….).
Xác định lợi thế đó, thời gian qua UBND tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều chủ trương, chính sách để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp năng lượng. Tuy nhiên, để giúp các nhà đầu tư có cơ sở nắm bắt rõ những chủ trương, chính sách có liên quan; đặc biệt là các lợi thế để đầu tư, các triển vọng để đem lại lợi nhuận khi đầu từ vào Ninh Thuận trên lĩnh vực năng lượng, từ nhiều năm trước, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) khảo sát, đánh giá mức độ nắng và gió tại địa phương.
Theo đó, WB đã đưa ra những đánh giá ban đầu đầy triển vọng. Cụ thể, WB cho biết, Nỉnh Ninh Thuận có vị trí thuận lợi là nằm ở cuối dãy núi Trường Sơn, được bao bọc bởi 3 dãy núi sát ra biển. Trong đó, ở vị trí phía Bắc và phía Nam là 2 dãy núi chạy sát ra biển, phía Tây là dãy núi cao giáp cao nguyên của tỉnh Lâm Đồng. Từ vị trí thuận lợi này, WB đưa ra số liệu khảo sát như sau: Tốc độ gió tại Ninh Thuận lớn nhất cả nước, trung bình 7,1m/s, ở độ cao 65m và mật độ gió từ 400-500W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18-20m/s (ở độ cao 12m). Toàn tỉnh hiện có 14 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt là Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều tron suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/s, đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện.
Ngoài ra, Ninh Thuận có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn. Theo WB, bình quân lượng bức xạ mặt trời của Ninh Thuận trên 320 kcal/cm2/năm, trong đó tháng ít nhất là 14 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.600-2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm.
Nói về tiền năng từ năng lượng mặt trời, theo ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thì, trừ những ngày có mưa rào, có thể nói hơn 90% số ngày trong năm có thể sử dụng được năng lượng mặt trời. Số tháng nắng trong năm là 9 tháng/năm (tương đương 200 ngày nắng/năm). “Vì vậy, Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất trong nước. Với tổng quy mô lắp đặt khoảng 1.500 MW. Trong đó, đặc biệt ở khu vực huyện Ninh Phước và Thuận Nam có tiềm năng năng lượng mặt trời rất lớn. Đây là vùng có thể khai thác tiềm năng năng lượng mặt trời có hiệu quả”- Ông Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh.
Trên cơ sở những đánh giá của WB cùng nhiều công trình nghiên cứu khác của tỉnh Ninh Thuận, các ngành chức năng có liên quan, vừa qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Ninh Thuận định hướng phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như năng lượng, du lịch, giáo dục - đào tạo và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng sạch…
Hệ thống thu năng lượng gió tại tỉnh Ninh Thuận
Song song đó, trong Quy hoạch phát triển điện Quốc gia giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Ninh Thuận sẽ triển khai đầu tư xây dựng 02 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước, có tổng công suất 8.000 MW, tổng vốn đầu tư 12 tỷ USD, dự kiến khởi công nhà máy thứ nhất vào năm 2014 và đưa vào vận hành thương mại vào năm 2020.
Tại Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư vào khu vực duyên hải miền Trung mới được tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 3 vừa qua, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Hiện nay, với nguồn năng lượng hóa thạch, dầu mỏ đang ngày càng khang hiếm đồng thòi với việc ô nhiễm môi trường do đốt nhiên liệu gây ra. Các nước có xu hướng đang tìm nguồn năng lượng sạch để thay thế. Cùng với năng lượng điện hạt nhân, nguồn năng lượng tái tạo (gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời) được sử dụng để đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phát triển điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường.
Do vậy, theo UBND tỉnh Ninh Thuận, việc khai thác năng lượng điện tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời là tiềm năng của Ninh Thuận, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, mục tiêu hướng đến là xây dựng trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, giải quyết từ 5-8% nhu cầu về điện của Quốc gia đến năm 2020.
Thúy Hằng