Friday, 15/11/2024 | 11:04 GMT+7
Nhóm dân số nghèo nhất thế giới đang cần một cuộc cách mạng năng lượng “giảm CO2” để đáp ứng nhu cầu thiết yếu và đưa họ thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Nhân loại đã và đang đối diện với các vấn đề hạn hán, bão lũ, cháy rừng, mực nước biển tăng cao, biến đổi khí hậu… kéo theo việc tiêu tốn hàng nghìn tỷ đô la để xử lý khí thải, ảnh hưởng đến cuộc sống và an sinh xã hội của hàng trăm nghìn người, đó là cái giá rất đắt mà nhân loại phải trả cho việc không hành động vì môi trường.
Đây là kỉ nguyên của những thách thức phát triển khi vẫn còn hơn một tỷ người đang sống không có điện, việc sinh hoạt, làm việc và học hành của họ và con cái gặp rất nhiều khó khăn. Và dĩ nhiên, những người sống dưới mức nghèo khổ không thể thoát nghèo được nếu không thể tiếp cận được với nguồn năng lượng tin cậy và bền vững.
Chấm dứt nghèo đói đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với biến đổi khí hậu – việc đang ảnh hưởng tới nhiều quốc gia và người dân. Nhóm dân số nghèo nhất và khả năng thích ứng thấp nhất sẽ là những người bị tác động mạnh mẽ nhất.
Làm thế nào để chúng ta đạt được đồng thời 2 mục tiêu, vừa mở rộng sản xuất năng lượng để cung cấp cho những người chưa được sử dụng điện vừa làm giảm lượng khí thải từ các nguồn như than, nhân tố chính yếu trong việc thải ra khí CO2, làm thay đổi khí hậu?
Câu trả lời ở đây thật chẳng đơn giản. Chúng ta cũng không thể từ chối quyền được tiếp cận điện của người nghèo chỉ vì lí do bởi thế giới hiện đại đã và đang thải quá nhiều khí ô nhiễm vào trong không khí.
Chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch
Một loạt các chính sách và chương trình hỗ trợ công nghệ mới và tư duy mới giúp người nghèo được sử dụng năng lượng cho nhu cầu thiết yếu cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn thế giới để không phát thải thêm carbon dioxide vào môi trường đang được thông qua.
Xây dựng các hoạt động kinh tế ít phát thải khí độc hại, xây dựng những thành phố thông minh, phát triển ngành nông nghiệp vì môi trường, thúc đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống hạ tầng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và đầu tư vào công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái, tiến tới chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, tăng giá của nguyên liệu hoá thạch sẽ là những bước đi cấp thiết trong thời gian tới.
Hướng tiếp cận này đòi hỏi một nền kinh tế phát triển không phụ thuộc vào năng lượng. Chúng ta không những phải đảm bảo kinh tế phát triển đủ để có thể chia sẻ sự giàu có cho tất cả nhân loại, mà còn phải giảm phát thải khí nhà kính.
Chúng ta đang nhìn thấy những thay đổi khi các quốc gia dần chuyển đổi việc sử dụng nguồn nhiên liệu hoá thạch sang đầu tư khối lượng lớn các máy móc, hạ tầng để sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, như thủy điện, địa nhiệt, năng lượng mặt trời và gió.
Từ năm 2010 tới năm 2012, việc áp dụng nguồn năng lượng tái tạo hiện đại đã tăng lên 4% trên toàn cầu. Vùng Đông Á dẫn đầu sự thay đổi này với tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo là 42%.
Ở những quốc gia như Bangladesh và Mông Cổ, việc sử dụng năng lượng mặt trời đã và đang mang đến những thay đổi to lớn cho cuộc sống của người nghèo: gia đình của họ được thắp sáng với 1 hệ thống năng lượng mặt trời giá rẻ. Là một phần trong chiến dịch phát triển bền vững của chính phủ, có hơn 3.5 triệu hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời dân dụng đã được lắp đặt ở vùng ngoại ô của Bangladesh, mang đến 70.000 công việc cho người dân ở đây.
Morocco là một ví dụ điển hình của Châu Phi khi đặt mục tiêu cung cấp năng lượng tái tạo ở mức 42% tổng công suất điện vào năm 2020. Morocco gần đây đã thiết lập 1 cơ quan chuyên nghiên cứu về nguồn năng lượng mặt trời và đang ngày đêm phát triển một "siêu lưới điện" tích hợp năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện và sinh khối.
Nhờ giảm trợ giá cho nguồn nhiên liệu hóa thạch, nguồn vốn đầu tư để phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Morocco đã tăng mạnh từ 297 triệu đô la Mỹ trong năm 2012 đến 1,8 tỷ Đô la Mỹ vào năm 2013.
Điều này cũng cho thấy, khi toàn cầu nói không với khí thải độc hại cũng sẽ đồng nghĩa với việc mỗi tấn khí thải sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ thêm. Chúng ta không còn chỗ để chứa những khí thải độc hại ấy nữa. Hiện nay, có 40 quốc gia đang thực hiện hoặc lên kế hoạch cho việc tăng giá nhiên liệu hoá thạch để giảm thiểu tác động của hiệu ứng nhà kính. Tổng cộng, các sáng kiến có giá trị gần 50 tỷ đô la Mỹ.
Mặt khác, việc truyền thông về lợi ích của việc giảm khí thải và đầu tư vào nguồn năng lượng sạch đang được tiến hành rộng rãi.
Mô hình trái phiếu xanh đang được phát triển mạnh mẽ. Một báo cáo mới nhất cho thấy Ngân hàng thế giới đã phát hành 100 trái phiếu xanh dưới dạng 18 loại tiền tệ khác nhau, tương đương với 8.4 tỉ đô la Mỹ. Việc đầu tư này đang nhắm đến việc giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường cũng như bình ổn khí hậu ở các quốc gia. Với sự hỗ trợ tài chính của trái phiếu xanh, hai dự án năng lượng ở Trung Quốc đã chứng minh tính hiệu quả từ việc giảm được 12.6 triệu tấn carbonic thải ra ngoài hàng năm, tương đương với 2.7 triệu xe hơi chạy trên đường mỗi năm.
Cho đến nay, tập đoàn tài chính thế giới (IFC) cũng đã phát hành tổng cộng 3.9 tỉ đô la Mỹ trái phiếu xanh. Ngân hàng và IFC đã giúp mở ra các thị trường trái phiếu xanh toàn cầu trị giá khoảng 38 tỉ đô la Mỹ.
Và khi chúng ta đang chờ đợi hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra vào tháng 12/2015 ở Paris, thì trong các phòng họp của chính phủ, cuộc tranh luận đã chuyển từ các văn phòng của các bộ trưởng môi trường chỉ mang tính cảnh báo về biến đổi khí hậu đến các văn phòng của các bộ trưởng tài chính tiến hành định giá cho việc xử lý khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Những quốc gia phát triển và đang phát triển nhanh cần phải thiết lập hệ thống năng lượng bền vững hơn để bảo vệ đất nước họ khỏi những vấn đề đã gặp phải trong quá khứ. Đồng thời, chúng ta cần phải mở rộng việc tiếp cận năng lượng cho tầng lớp nghèo nhất thế giới theo một cách sạch nhất và an toàn nhất có thể.
Đối với các nước đang phát triển, thời điểm này là một cơ hội. Thách thức để xây dựng nền kinh tế có sức cạnh tranh mà không có khí thải. Hãy nhìn những điểm tích cực của chiến dịch và bắt tay vào thực hiện.
Theo Khám Phá