Friday, 15/11/2024 | 08:07 GMT+7
Ấn Độ đang lên kế hoạch xây dựng trạm phát điện năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới với công suất 750 MW.
Theo Science Alert, trạm phát điện năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới sẽ được xây dựng trên vùng đất khô cằn thuộc sở hữu của nhà nước tại huyện Rewa, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, trong vòng 18 tháng tới. Nó có công suất 750 megawatt (MW), vượt qua công suất 392 MW của nhà máy điện Mặt Trời Ivanpah lớn nhất thế giới hiện nay, đặt tại sa mạc Mojave, California, Mỹ.
"Những nhà thầu lớn sẽ sớm được mời để xây dựng trạm phát điện Mặt Trời lớn nhất thế giới, bao phủ diện tích 15 km2 tại khu vực Bandwar (Rewa)," Rajendra Shukla, người đứng đầu lĩnh vực năng lượng ở Madhya Pradesh, nói trong một thông cáo báo chí hôm 23/8. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động vào tháng 3/2017.
Tuần trước, Ấn Độ thông báo rằng họ đang trong quá trình chuyển đổi sân bay quốc tế Cochin sang sử dụng 100% điện Mặt Trời. Dự kiến đến tháng 5/2016, sân bay này sẽ được lắp đặt khoảng 46.150 tấm pin Mặt Trời, sản xuất đủ điện năng cho 10.000 hộ gia đình mỗi năm, hạn chế 300.000 tấn khí thải CO2 trong 25 năm tiếp theo.
Hai dự án nói trên góp phần giúp Ấn Độ hướng tới mục tiêu sản xuất 175.000 MW năng lượng điện tái tạo mỗi năm, vào năm 2022. Tiềm năng khai thác năng lượng Mặt Trời của Ấn Độ khoảng 5 triệu tỷ kWh/năm, với trung bình 300 ngày nắng mỗi năm. Con số trên chỉ tính đến không gian trên đất liền. Nếu Ấn Độ xây dựng nhà máy năng lượng Mặt Trời nổi như ở Nhật Bản, họ sẽ thu được nhiều năng lượng hơn.
Cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo và đại biểu của 14 quốc gia Thái Bình Dương gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh ở bang Rajasthan, Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ cung cấp cho những quốc đảo trên Trái Bình Dương đủ năng lượng Mặt Trời để thắp sáng hàng nghìn ngôi nhà.
"Hiện chúng tôi cam kết cung cấp điện năng lượng Mặt Trời tới 2.800 ngôi nhà, trong đó có 1200 ngôi nhà cho mỗi quốc đảo trên Thái Bình Dương. Điều này sẽ tiết kiệm lượng dầu lửa trị giá khoảng một triệu USD," ông Modi nói.
Theo Vnexpress