Friday, 15/11/2024 | 05:38 GMT+7
Bộ điều khiển công suất đèn cao áp, đèn LED “made in Việt Nam” có thể giúp tiết kiệm điện cho hệ thống chiếu sáng công cộng hiện nay 41 - 50%.
Bộ điều khiển công suất PowerEco có khả năng tiết kiệm điện trên 35%
Đây là sản phẩm do Công ty cổ phần công nghệ kỹ thuật điện toàn cầu PowerEco nghiên cứu, chế tạo và sản xuất. Đặc biệt, "bộ não" xử lý của sản phẩm do con chip SG8V1 - vi xử lý "made in Việt Nam" của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch ICDREC thuộc ĐHQG TP.HCM đảm nhiệm.
Sản phẩm được thiết kế gọn trong một hộp nhỏ có thể gắn dễ dàng lên các hộp đèn đường.
Ông Huỳnh Minh Hải, gám đốc PowerEco - cho biết: "Tác dụng tiết kiệm điện có ngay tức thì sau khi gắn thiết bị".
Theo ông Hải, qua quá trình thử nghiệm, sản phẩm PowerEco đảm bảo khả năng tiết kiệm trên 35% điện năng tiêu thụ. Trong khi TP.HCM hiện có khoảng 136.000 đèn chiếu sáng công cộng. Nếu đầu tư công nghệ PowerEco cho khoảng 98.000 bộ đèn, số tiền tiết kiệm dự toán khoảng hơn 71 tỉ đồng/năm. Nếu đầu tư cho 8.000 bộ, số tiền tiết kiệm khoảng 5,85 tỉ đồng/năm.
Với khả năng tiết kiệm mạnh, theo tính toán, việc đầu tư thiết bị sẽ hoàn vốn (từ tiền điện tiết kiệm được) chỉ sau 18 tháng sử dụng. Đó là chưa kể PowerEco hoàn toàn là một sản phẩm Việt, được thiết dựa trên nghiên cứu thực tế từ tình hình sử dụng và môi trường tại Việt Nam.
Do đó việc đầu tư, vận hành, bảo trì, sửa chữa, thay thế dễ dàng hơn nhiều so với các sản phẩm ngoài. Hơn nữa, sản phẩm Việt còn có giá thành rất thấp, chưa đến 1/3 so với các sản phẩm ngoại, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu.
PowerEco hiện đã được triển khai ứng dụng tại nhiều tỉnh thành như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bình Dương, Cần Thơ, TP.HCM. Kết quả cho thấy thiết bị có khả năng tiết kiệm trung bình đến hơn 41% lượng điện tiêu thụ so với trước khi lắp đặt. Thậm chí lên đến 50% - 60% nếu thiết lập công suất hợp lý khi nguồn điện tăng về đêm (thường lên đến 240V).
Chẳng hạn kết quả thử nghiệm ứng dụng thiết bị PowerEco trên đường Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) năm 2013 do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM đo đạc cho thấy lượng điện năng tiết kiệm được trong một năm hơn 15.000 KWh (quy ra tiền thời điểm đó hơn 25 triệu đồng/năm).
Bộ tiết kiệm điện có thể gắn dễ dàng lên các bóng đèn đường
Thực tế hiện nay giải pháp tiết kiệm điện trên hầu hết các tuyến đường là tiết giảm các bóng đèn chiếu sáng (xen kẽ, hai đèn sáng một đèn tắt hoặc đặt khoảng cách giữa các trụ đèn từ 100m đến 200m). Tuy nhiên, giải pháp này làm ảnh hưởng đến chất lượng ánh sáng, độ rọi, độ chói trên mặt đường. Việc chiếu sáng không tốt gây mất an toàn giao thông, thậm chí ảnh hưởng đến trật tự an ninh khu vực.
Đồng thời các đèn được tiết giảm lâu ngày không sử dụng dễ bị hư hỏng, gây lãng phí vật chất về thiết bị đã đầu tư ban đầu cũng như chi phí ban hành. Đó là chưa kể trên một số đoạn đường giao thông thường xuyên xảy ra tai nạn, khi thực hiện tiết giảm tình hình càng trở nên nghiêm trọng.
Do đó việc ứng dụng bộ tiết kiệm điện sẽ giúp tiết kiệm không chỉ điện năng tiêu thụ, giảm thời gian, chi phí vận hành mà còn làm tăng độ phủ ánh sáng hợp lý, phù hợp theo tình hình sinh hoạt thực tế của từng khu vực.
Theo Tuổi Trẻ