Wednesday, 13/11/2024 | 03:20 GMT+7

ExxonMobil dự báo khí thải toàn cầu giảm vào năm 2040

15/02/2016

ExxonMobil dự báo cho biết từ nay tới năm 2040, nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 25%, nhưng thế giới chuyển hướng sang sử dụng các nguồn năng lượng ít carbon.

Ngày 25/1, ExxonMobil công bố dự báo cho biết từ nay tới năm 2040, nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 25%, nhưng thế giới chuyển hướng sang sử dụng các nguồn năng lượng ít carbon sẽ giúp giảm lượng khí thải nhà kính trong hoạt động công nghiệp.

Tập đoàn dầu khí này cho biết nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng một phần do dân số toàn cầu tăng, dự báo tới năm 2040, số người toàn thế giới sẽ tăng lên 9 tỷ người. Dầu lửa vẫn sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng phổ biến nhất, song khí tự nhiên sẽ vươn lên trở thành phương án lựa chọn số hai trong khi than đá trở nên ít được ưa chuộng do các chế tài mạnh tay về giảm khí thải CO2. Sự thay đổi này sẽ tạo điều kiện để nền kinh tế toàn cầu giảm tới 50% “cường độ sử dụng carbon” hiện tại.

Báo cáo cho rằng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn là một yếu tố chính dẫn đến thành công này, bên cạnh đó là một sự chuyển dần sang sử dụng các loại năng lượng ít carbon.

ExxonMobil dự báo khoảng 40% tăng trưởng trong nhu cầu năng lượng từ giờ tới năm 2040 sẽ đến từ năng lượng hạt nhân và các nguồn năng lượng tái tạo khác, bao gồm năng lượng sinh học, thủy điện, nhiệt điện, năng lượng gió và Mặt Trời. Ngược lại, lượng than đá sử dụng toàn cầu được dự kiến sẽ giảm, với tỷ lệ điện sản xuất từ than đá xuống còn 30% trong năm 2040 so với 40% của năm 2014.

William Colton, Phó Chủ tịch phụ trách kế hoạch chiến lược doanh nghiệp của ExxonMobil, nhận định thỏa thuận khí hậu đạt được tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris (Pháp) vừa qua đã đặt ra nhiều mục tiêu. Và mặc dù các nước vẫn đang trong giai đoạn xây dựng chính sách, giới chuyên gia nhìn chung lạc quan rằng những chính sách này sẽ giảm đáng kể lượng khí thải CO2.

ExxonMobil dự báo lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 và sau đó bắt đầu đi xuống. Lượng khí thải của Trung Quốc, nước đứng đầu thế giới về khí thải công nghiệp gây ô nhiễm hiện nay, cũng sẽ chạm trần trong năm 2030 trước khi giảm dần. Tuy nhiên, lượng khí thải tại Ấn Độ và một số nền kinh tế đang phát triển khác vẫn sẽ tiếp tục tăng. Con số này sẽ được bù lại nhờ hoạt động giảm khí thải tới khoảng 20% tại các quốc gia giàu có trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Theo Thiennhien.net